+
Aa
-
like
comment

“Phong sát” trong quảng cáo: Một tín hiệu đáng mừng

Công Luân - 06/12/2022 15:21

Sự việc Tiktoker Nờ Ô Nô có những video thiếu chuẩn mực, gây phẫn nộ trong dư luận đã được cơ quan chức năng xử lý. Và đáng mừng hơn nữa, những người tiếp tay cho các video bẩn, độc hại cũng đã có chế tài ngăn chặn.

Những hình ảnh trong clip gây phẫn nộ của tiktoker Nờ Ô Nô

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, quảng cáo trở thành nguồn tài trợ chính cho những kênh “bẩn” như của kênh tiktok Nờ Ô Nô tồn tại và phát triển. Chính vì vậy đã gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng, không công bằng với các trang làm nội dung “sạch”, đồng thời có thể ảnh hưởng đến an toàn của thương hiệu tài trợ.

Trước thực trạng đó, tại Hội thảo về quảng cáo trên mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, đại diện Bộ cho biết để ngăn tình trạng trên, một trong các giải pháp được đưa ra là xây dựng “blacklist” trong lĩnh vực quảng cáo. Danh sách đen này sẽ bao gồm các website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm luật An ninh mạng, luật Sở hữu trí tuệ, nội dung nhảm, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, để nhãn hàng tránh đặt quảng cáo. Đặc biệt, những nhãn hàng cố tình đặt quảng cáo liên quan đến những đối tượng, tổ chức trong danh sách đen này sẽ bị xử lý.

Điều đáng nói quy định này đưa ra những trong bối cảnh các video có nội dung lố lăng, phản cảm đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều hơn trên các nền tảng số. Vì chủ nhân của những tài khoản này thường xuyên giở những chiêu trò, bất chấp dư luận, hậu quả về chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội, thậm chí cố tình “xé rào” quy định pháp luật miễn sao đạt được mục đích đánh vào tâm lý tò mò, hiếu kỳ của người xem. Bởi nếu thu hút được càng nhiều người quan tâm họ sẽ có cơ hội kiếm nhiều tiền từ quảng cáo.

Và khi người người nhà nhà làm youtuber, tiktoker; Khi những đứa trẻ coi mạng xã hội giống như môi trường thực để học hỏi, giải trí; Khi mạng xã hội phát triển và kèm theo những hệ lụy khó lường thì việc “phong sát” nguồn tài trợ cho các kênh bẩn là một điều hết sức cần kíp. Điều này nôm na cũng gần giống như “lệnh phong sát” ở các thị trường giải trí như Trung Quốc, Hàn Quốc mặc dù lĩnh vực của nó chưa đủ rộng.

Dù là vậy thì những quy định trên cũng được dư luận hưởng ứng rất mạnh mẽ. Bởi dù có nỗ lực đến mấy thì các cơ quan chức năng cũng không thể nào xử lý hết những clip bẩn mọc như nấm sau mưa. Và dù có xử lý thì cũng chỉ là phần ngọn, nhưng việc cắt nguồn quảng cáo thì phần gốc sẽ được giải quyết.

Từ lệnh “phong sát” trong quảng cáo hy vọng sắp tới một lệnh “phong sát” lớn trong lĩnh vực giải trí sẽ được thực thi. Một thị trường giải trí sẽ được thanh lọc chứ không thể nào chấp nhận chuyện cứ làm sai im lặng rồi xem như không có gì hoạt động lại bình thường! Bài học từ Hàn Quốc, Trung Quốc là điều đáng để Việt Nam suy ngẫm!

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều