+
Aa
-
like
comment

Phòng không Việt Nam lập kỳ tích “vô địch thế giới” – Không phải cứ có nhiều vũ khí hiện đại hơn là chiến thắng!

Trần Anh - 01/01/2021 08:36

 

Ở vùng Vịnh năm 1991, quân Iraq có nhiều loại tên lửa hiện đại hơn với số lượng cực lớn nhưng không thể hạ được B-52, trong khi phòng không Việt Nam lập kỳ tích vô địch thế giới.

Tên lửa phòng không Việt Nam bắn hạ máy bay Mỹ.

LTS: 30 năm trước, vào ngày 17/1/1991 tại vùng vịnh Pecxic đã xảy ra cuộc chiến tranh có một không hai trong lịch sử thế giới: 1 nước chống lại 30 nước! Chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn: 42 ngày, nhưng nó là phác thảo cho hình ảnh chiến tranh hiện đại trong tương lai cũng như đã làm thay đổi cục diện Trung Đông và thế giới…

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của Đại tá Nguyễn Thụy Anh – Nguyên cán bộ Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam xoay quanh sự kiện này và những bài học kinh nghiệm quý báu đối với Việt Nam.

Chiến tranh vùng Vịnh 1991 là cuộc chiến cực lớn với nhiều loại vũ khí công nghệ cao (VKCNC) và giới quân sự phương Tây đánh giá đây là lần đầu tiên chiến thắng đã đạt được chủ yếu bằng sức mạnh không quân trên chiến trường!

Nhiều loại vũ khí và trang, thiết bị công nghệ cao (sau đây gọi chung là VKCNC) đã được sử dụng từ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam nhưng tới Chiến tranh vùng Vịnh thì được dùng rộng rãi hơn và xuất hiện nhiều kiểu loại mới hơn.

Dù vậy, thực chất, đây vẫn là 1 cuộc chiến chủ yếu bằng vũ khí thông thường vì tỷ lệ VKCNC trong chiến tranh vùng Vịnh là không quá 10% nhưng nó đã đạt được hiệu quả khá cao và gây ấn tượng mạnh so với thời kỳ trước.

Điểm lại một số cuộc chiến tranh có sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân từ trước tới nay thì thấy là có VKCNC chưa chắc đã giành được chiến thắng.

Ngay từ Thế chiến 2, Phát xít Đức đã sáng chế và dùng một số loại vũ khí mới thời đó mà Liên Xô và các nước Đồng minh không hề có.

Đáng chú ý nhất phải kể đến như tên lửa hành trình V-1 (phóng hơn 10.000 quả), tên lửa đường đạn V-2 với 4.300 quả (vào lúc đó thường được gọi chung là “Bom bay” V-1, V-2), máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên trên thế giới Me-262 (sản xuất hơn 1.400 chiếc) tham chiến năm 1944…, thế nhưng cuối cùng Phát xít Đức vẫn thất bại thảm hại.

Trong Chiến tranh Việt Nam, QĐ Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại nhất lúc đó như “Siêu Pháo đài bay” B-52, các kiếu phản lực cơ F-105 “Thần sấm”, F-4 “Con ma” và F-111A “cánh cụp cánh xòe”…, nhiều loại tên lửa như Bun-pớp (Bullpup), Sơ-rai (Shrike), Stan-đác (Standard)…, bom vô tuyến truyền hình Oalai (AGM-62 Walleye) và bom dẫn bằng lade GBU-8, bom từ trường, cây nhiệt đới, nhiễu điện tử các loại… nhưng đã không thể khuất phục được các chiến sỹ QĐNDVN.

Phòng không Việt Nam lập kỳ tích vô địch thế giới - Không phải cứ có nhiều vũ khí hiện đại hơn là chiến thắng! - Ảnh 2.
“Siêu Pháo đài bay” B-52 của Không quân Mỹ.

Iraq biết rõ sức mạnh Không quân của Mỹ và Liên quân nên họ đã xây dựng lực lượng phòng không và không quân thuộc loại mạnh nhất trong khu vực. Theo dữ liệu của tình báo quân sự Mỹ, Iraq có tới 4.000 pháo cao xạ các cỡ, 320 tổ hợp tên lửa phòng không (TLPK) SA-2, SA-3, SA-6 cùng hàng trăm TLPK vác vai và 120 TLPK Roland mua của Pháp.

KQ thì có 690 máy bay chiến đấu các loại gồm 150 MiG-21, 90 MiG-23, 25 MiG-25, 130 Su-20 và Su-25, cả 94 chiếc máy bay chiến đấu Mirage của Pháp…

Tuy số lượng nhiều nhưng nói chung vũ khí trang bị của PK-KQ Iraq vẫn kém hiện đại hơn, họ thiếu các phương tiện tác chiến điện tử (TCĐT) cũng như không có kinh nghiệm tác chiến lớn với đối thủ mạnh hơn trên chiến trường sa mạc rộng lớn và rất khó ngụy trang, giữ bí mật…

Sau Việt Nam, chiến tranh vùng Vịnh 1991 là cuộc chiến lớn nhất về quy mô binh lực, chủng loại vũ khí hiện đại (VKCNC)…

Trong cuộc chiến này, nhiều loại VKCNC mới hơn đã được sử dụng liên kết với nhau tạo thành sức mạnh tổng hợp và người ta thường chú ý tới 2 “ngôi sao sáng” là tên lửa hành trình (TLHT) Tô-ma-hốc (Tomahawk) và máy bay tàng hình F-117 đều lần đầu tiên xuất trận.

Nhưng đó không phải là tất cả, VKCNC được sử dụng ở vùng Vịnh có thể chia thành 3 nhóm chính như sau:

1. Hệ thống chỉ huy, trinh sát, thông tin liên lạc (TTLL) mà phương Tây gọi là C³I (Command, Control, Communications and Intelligence: Chỉ huy, kiểm soát, truyền tin và tình báo). Hệ thống gồm:

– Các vệ tinh trên vũ trụ (52 chiếc các loại trinh sát, dẫn đường, TTLL, khí tượng);

– Các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không AWACS (13 chiếc E-3A, 30 chiếc E-2C, 2 chiếc E-8A);

– Các trung tâm xử lý tin tức với 10.000 máy tính các loại tại chiến trường, hơn 30 trạm trinh sát điện tử mặt đất SIGINT cùng nhiều loại máy bay trinh sát chiến lược và chiến thuật…

Tất cả tạo thành mạng lưới đồng bộ bảo đảm sự chỉ huy thống nhất và kiểm soát toàn bộ chiến trường theo cả 3 chiều không gian. Đây chính là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định thắng lợi nhanh chóng của Mỹ và Liên quân.

2. Các loại vũ khí hiện đại kiểu mới

– TLHT Tô-ma-hốc

– Máy bay ném bom tàng hình F-117

– TLHT AGM-86 phóng từ trên không

– Các loại bom tinh khôn GBU-12/15/22 có điều khiển bằng lade, hồng ngoại, vô tuyến;

– Các loại tên lửa mới như SLAM, ALARM, HARM là tên lửa chống bức xạ tốc độ cao. Chỉ trong vài ngày đầu cuộc chiến, liên quân đã sử dụng 500 quả và trong cả cuộc chiến họ đã phóng tổng số hơn 1.000 quả, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống radar và các tổ hợp TLPK Iraq;

– Nhiều loại máy bay nâng cấp mới cùng hàng trăm UAV các kiểu…

Phòng không Việt Nam lập kỳ tích vô địch thế giới - Không phải cứ có nhiều vũ khí hiện đại hơn là chiến thắng! - Ảnh 4.
Tên lửa hành trình Tomahawk.

Các loại vũ khí này số lượng không nhiều như F-117 chỉ có 44 chiếc (trên tổng số 1.700 máy bay Liên quân), Tô-ma-hốc gần 300 quả, cùng các loại tên lửa mới và bom tinh khôn chỉ chiếm số lượng dưới 10%.

Tuy nhiên, những vũ khí “khủng” này được tập trung sử dụng ngay trong thời kỳ đầu và đều nhằm vào các mục tiêu quan trọng để làm tê liệt hệ thống đầu não chỉ huy, TTLL và lực lượng chủ yếu của Iraq như các hệ thống PK, căn cứ KQ, tên lửa Scud, các sư đoàn Vệ binh cộng hòa…

Kết quả là đến thời kỳ sau, các loại vũ khí thông thường của Liên quân đã tha hồ làm mưa, làm gió trên chiến trường mà lực lượng Iraq cũng không sao đối phó nổi.

3. Các phương tiện TCĐT thế hệ mới nhất

– ASPJ có công suất rất cao (gấp nhiều lần so với Chiến tranh VN), dải tần rộng hơn và được điều khiển bằng máy tính điện tử;

– Mồi bẫy radar TALD sử dụng lần đầu tiên (được phóng tới 2000 quả trong toàn cuộc chiến để đánh lừa và thu hút hỏa lực PK);

– Hàng trăm máy bay TCĐT chuyên dụng (gấp 3 lần ở Việt Nam) để chế áp phòng không (gồm 39 chiếc EA-6B, 24 chiếc EF-111, 18 chiếc EC-130H của Mỹ, 24 mbay TCĐT của Anh, 12 máy bay TCĐT của Pháp…) cùng lực lượng TCĐT của Lục quân Mỹ (5.000 binh sỹ).

Phòng không Việt Nam lập kỳ tích vô địch thế giới - Không phải cứ có nhiều vũ khí hiện đại hơn là chiến thắng! - Ảnh 6.
Máy bay tác chiến điện tử EA-6B.

Mỹ rút kinh nghiệm xương máu từ chiến tranh Việt Nam

Rút kinh nghiệm từ Chiến tranh Việt Nam vẫn còn 1 số lỗ hổng trong việc gây nhiễu, ở vùng Vịnh 1991 Mỹ đã mở ra trận chiến điện tử vô hình mạnh chưa từng có.

Họ tạo nên màn nhiễu khổng lồ dày đặc bịt mắt, bịt tai và chế áp toàn bộ hệ thống PK của Iraq, đặc biệt là mạng radar cảnh giới quốc gia và các tổ hợp TLPK- những nhân tố gây nguy hiểm nhất cho lực lượng KQ của họ.

Có điều đáng chú ý ở đây là Mỹ chỉ tung ra 60 chiếc B-52 đến vùng Vịnh và thực hiện 1.624 phi vụ oanh tạc (tức là gấp đôi số phi vụ B-52 đánh Hà Nội cuối năm 1972).

Việc B-52 tham chiến ngay từ đầu và đánh thẳng vào Bát-đa cho thấy Mỹ rất tin tưởng vào hiệu quả của loại tên lửa chống radar HARM và hệ thống TCĐT mới của họ trong cuộc chiến này.

Thực tế là chỉ có 1 chiếc B-52 bị rơi vào ngày 3/2/1991 trên đường bay về căn cứ mà theo Mỹ là do “trục trặc kỹ thuật” chứ không phải do hỏa lực đối phương.

Theo số liệu của Lầu Năm Góc (LNG), chỉ trong 1 tuần đầu tiên 90% lực lượng PK và KQ Iraq đã bị vô hiệu hóa (trong đó hàng trăm máy bay Iraq đã thủ tiêu chiến đấu, bỏ chạy sang Iran và bị Iran tịch thu), làm cho toàn bộ Lục quân và Hải quân Iraq nằm chịu trận dưới mưa bom, bão đạn của 1.700 máy bay Mỹ và đồng minh liên tục trong suốt cuộc chiến.

LNG nói chỉ có 48 máy bay Mỹ và 1 số TLHT bị bắn rơi (không có B-52 và F-117), tức là tổn thất chỉ 3,4%, không đủ để làm họ phải chùn bước.

Tử huyệt này đã bị Liên quân khoét sâu làm cho QĐ Iraq hoàn toàn bị chia cắt, tê liệt, rồi bị đánh tan sau đó chỉ trong 4 ngày tác chiến trên bộ.

Từ thất bại nặng nề của Iraq, chúng ta lại càng thấy vai trò và nhiệm vụ vô cùng nặng nề của lực lượng PK và KQ trong chiến tranh tương lai mà gần đây nhất lại được thể hiện rõ trong cuộc chiến 6 tuần giữa Armenia và Azebaizan.

Tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, lần này các hệ thống PK Armenia đã bị vô hiệu hóa không phải vì tên lửa hành trình hay máy bay tàng hình mà bởi các máy bay không người lái (UAV) kiểu mới, để rồi xe tăng cũng như bộ binh Armenia phải chịu thiệt hại nặng nề và chấp nhận thua cuộc.

Phòng không Việt Nam lập kỳ tích vô địch thế giới - Không phải cứ có nhiều vũ khí hiện đại hơn là chiến thắng! - Ảnh 8.
Tên lửa SAM-2 của phòng không Việt Nam từng làm nên chiến công oanh liệt, hạ gục hàng loạt siêu pháo đài bay B-52 của Không quân Mỹ.

Những bài học quý báu cho PK-KQ Việt Nam trong tương lai

Trong mọi cuộc chiến tranh, yếu tố vũ khí là cực kỳ quan trọng và góp phần rất lớn cho việc giành chiến thắng mà cụ thể như trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” lịch ở Hà Nội tháng 12/1972, nếu ta không có tên lửa S-75 (SA-2 hay còn gọi là tên lửa SAM-2) và máy bay tiêm kích MiG-21, thì khó mà bắn hạ được nhiều B-52 như vậy.

NÓNG: Israel tấn công Syria – Trận kịch chiến vô cùng căng thẳng, tên lửa bay rợp trời Iran có dấu hiệu tấn công, QĐ Mỹ báo động chiến đấu, Tomahawk sẵn sàng khai hỏa – BQP Nga thông báo khẩn “Con tàu xấu xí nhất Thế giới” của Nga rời bến: Mỹ lạnh gáy và mất ăn, mất ngủ!

Song cũng phải thấy rằng yếu tố quyết định để chiến thắng chính là tinh thần và kỹ năng chiến đấu của người sử dụng vũ khí.

Ở vùng Vịnh năm 1991, quân Iraq có nhiều loại TLPK hiện đại hơn với số lượng cực lớn nhưng đã không thể hạ được B-52.

Trong khi ở Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972, Bộ đội phòng không Việt Nam chỉ có 1 loại TLPK SA-2 với số lượng ít hơn nhiều mà phải đối đầu với hơn 1.200 máy bay Mỹ các loại (trong đó có 200 chiếc B-52) và đã lập được chiến công có 1 không 2 trên thế giới: lần đầu tiên bắn rơi tại chỗ hàng chục siêu pháo đài bay B-52 với hàng trăm phi công “thượng đẳng” bị chết và bị bắt! Đó là một kỳ tích vô địch thế giới.

Cùng với sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ trên thế giới, VKCNC sẽ ngày càng phát triển nhanh với những tính năng chiến-kỹ thuật mạnh hơn trước và đặt ra nhiều thách thức mới.

Nhưng dù có tối tân đến mấy thì mỗi loại vũ khí đều có nhược điểm của nó mà bên phòng thủ hoàn toàn có thể nghiên cứu đối phó và khắc chế được như chúng ta đã từng thấy: không phải cứ có nhiều vũ khí hiện đại hơn là có thể giành được chiến thắng!

Bài mới
Đọc nhiều