+
Aa
-
like
comment

Phòng, chống tham nhũng “quét” cả khu vực tư nhân

Diệu Hương - 28/04/2022 14:55

Dư luận xã hội từ lâu đã bức xúc, lên tiếng về hành vi móc ngoặc giữa một bộ phận cán bộ thoái hóa biến chất trong cơ quan công quyền với các cá nhân bên ngoài hòng tham nhũng, biến tiền bạc, tài sản Nhà nước thành của mình. Những người có quyền thường dành những dự án béo bở cho những doanh nghiệp của anh em, họ hàng, thậm chí là doanh nghiệp của vợ, con mình để trục lợi.

Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung

Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết luận nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm mà các cấp ủy và các tổ chức Đảng cần tập trung làm tốt trong thời gian tới, trong đó có yêu cầu “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước”. Yêu cầu này được đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Việc thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở cả khu vực công và khu vực ngoài nhà nước bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn, tạo ra môi trường phát triển bình đẳng, lành mạnh.

Thực tế thời gian qua cho thấy, vì ưu ái giao dự án lớn cho người thân mà cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải hầu tòa. Vì chỉ đạo bán rẻ đất công, cổ phần cho doanh nghiệp mà Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Vì quan hệ cá nhân mà bán rẻ công sản ưu đãi cho doanh nghiệp khi đấu thầu mua bán đất đai, triển khai các dự án đầu tư gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, mà những lãnh đạo cao nhất của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa mới đây đã phải ngồi tù. Vì vậy, từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước được xem là điểm mới, yêu cầu cấp thiết khi mà “vòi bạch tuộc” tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã len lỏi, cấu kết chặt chẽ với một số cán bộ công quyền suy thoái. Nếu không kịp thời phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư thì công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Không móc ngoặc với tư nhân, hành vi tham nhũng sẽ khó thực hiện trọn vẹn. Vì thế việc mở rộng đấu tranh chống tham nhũng ra những sân sau, chân rết và những đối tượng ngoài khu vực Nhà nước là rất cần thiết. Bởi không chỉ dư luận xã hội, mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng đã đặt vấn đề: Ai đứng sau để các đại gia như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản? Bàn tay nào đã đạo diễn vở kịch Việt Á hoàn hảo từ nghiên cứu đến công nhận, chuyển giao, thao túng phần lớn thị trường kit xét nghiệm Covid-19 với doanh thu 4.000 tỷ đồng đến thời điểm bị ngăn chặn. Hàng chục lãnh đạo, cán bộ, doanh nhân, kế toán vướng vòng lao lý với số tiền “hoa hồng” rất lớn; nhiều cán bộ cấp tướng bị xử lý kỷ luật với hình thức nghiêm khắc khi mắc khuyết điểm, vi phạm và cả cán bộ cấp cao đang đối diện mức kỷ luật do vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Và chắc chắn danh sách bị can trong vụ án không thể dừng ở con số 26, khi vụ án vẫn đang được tiếp tục mở rộng.

Việc một số người giàu lên nhanh chóng từ đất đai, cũng gây nhiều thắc mắc trong dư luận về tính minh bạch trong quá trình chuyển nhượng, định giá, giải tỏa, đền bù. Bởi đây vốn là những kẽ hở cho hành vi móc ngoặc giữa cán bộ công quyền với các doanh nghiệp để trục lợi. Không phải ngẫu nhiên mà người ta tìm mọi cách để chạy quan hệ, chạy dự án, chạy chỉ định thầu. Chỉ cần một sự cấu kết như vậy là Nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng. Cho nên Kết luận 12 của Bộ Chính trị nêu rõ là: “chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, chuyển nhượng, trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu…”.

Nói tóm lại, Luật Phòng, chống tham nhũng đã có quy định và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan trong phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước. Bộ Chính trị cũng yêu cầu từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Phần việc còn lại là khâu triển khai thực hiện của chính các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước và của các cơ quan chức năng.

Không có sự móc ngoặc, đưa hối lộ của các sân sau, cán bộ công quyền khó có thể ôm tiền biến tài sản nhà nước thành của mình. Nhưng suy cho cùng, nếu cán bộ thanh liêm, đạo đức trong sáng nêu cao tinh thần công vụ thì không ai có thể lung lạc được mình. Và quan trọng nhất vẫn là siết chặt đạo đức công vụ, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản của cán bộ công quyền. Sự công khai minh bạch, chính là công cụ, là phương thuốc hữu hiệu để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đạt kết quả cao nhất.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều