Phó trưởng ban Nội chính Trung ương: Xử lý Thứ trưởng Bộ Y tế không đơn giản
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết, “việc xử lý Thứ trưởng Bộ Y tế không đơn giản. Nhưng Ban chỉ đạo thống nhất việc khởi tố và bắt tạm giam bị can. Những vụ việc trên cho thấy sự kiên trì, kiên quyết của Ban chỉ đạo đã giúp đi đến tận cùng của sự việc”.
Tại họp báo công bố kết quả phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, lần đầu tiên hội nghị toàn quốc của 9 cơ quan Nội chính được tổ chức và đi đến thống nhất cao.
Xử lý Thứ trưởng Bộ Y tế không đơn giản
Tại Hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiều nhiệm vụ cho 9 cơ quan. “Việc tổ chức hội nghị tác động lớn đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, cho thấy trách nhiệm của các cơ quan nội chính”, ông Nguyễn Thái Học nói.
Theo ông Học, dịch Covid-19 kéo dài tác động lớn đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong bối cảnh đó, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện với một số vấn đề nổi bật.
Đầu tiên, công tác trên được thực hiện theo yêu cầu mang tính nguyên tắc, nhiệm vụ cốt lõi khi xác định phòng là cơ bản, lâu dài. Bên cạnh đó, việc chống tham nhũng được xác định phải tập trung và cấp bách.
Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng, thực tế cho thấy, quá trình chống tham nhũng có sự kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu phát hiện sai phạm sẽ chuyển ngay cho cơ quan điều tra.
Tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo diễn ra sáng nay đã có nhiều thành viên đồng tình với quan điểm việc chống tham nhũng có bước phát triển cả về lý luận và tổ chức thực hiện.
“Về mặt lý luận, chúng ta có tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là “nhốt” quyền lực trong lồng thể chế. Điều này đã được cụ thể hóa bằng các quy định (bổ sung những điều đảng viên không được làm; khi đảng viên vi phạm mức xử lý cụ thể sẽ như thế nào) được thể chế hóa rất rõ. Ngoài ra, với những đảng viên sáng tạo, vì lợi ích chung sẽ được bảo vệ như thế nào cũng được quy định”, ông Học viện dẫn.
Đặc biệt, theo ông Học, có những quy định mới khi ban hành đã được áp dụng ngay từ Trung ương đến địa phương như quy định miễn nhiệm, từ chức. Ngoài ra, việc bổ sung chức năng chống tiêu cực là điểm mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thái Học cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được thực hiện kiên trì, liên tục không dừng lại trong bất kì hoàn cảnh nào. Càng dịch Covid-19, càng chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn.
“Ban đầu, có ý kiến cho rằng, đất nước đang dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế có chống tham nhũng không? Đặc biệt liên quan đến các sai phạm trong y tế, lực lượng này đang chống dịch, có thực hiện chống tham nhũng trong y tế không. Trả lời cho câu hỏi trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mọi thứ phải rạch ròi chống dịch và chống tham nhũng tiêu cực là hai việc hoàn toàn khác nhau”, lời ông Học.
Trong năm 2021, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Có những vụ án tưởng chừng như phải dừng lại, không thể đi đến tận cùng, tuy nhiên nhờ sự kiên trì, bền bỉ đã đi được đến tận cùng.
Điển hình là vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ đưa và nhận hối lộ. Đây là việc đấu tranh kiên trì, bền bỉ và có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư. Công tác đấu tranh rất khó vì ban đầu các đối tượng không nhận. Nhưng khi ra tòa, các trường hợp đó đã thừa nhận việc nhận tiền một cách tâm phục, khẩu phục.
“Hoặc vụ án mua bán thuốc giả liên quan đến VN Pharma, việc xử lý Thứ trưởng Bộ Y tế không đơn giản. Nhưng Ban chỉ đạo thống nhất việc khởi tố và bắt tạm giam bị can. Những vụ việc trên cho thấy sự kiên trì, kiên quyết của Ban chỉ đạo đã giúp đi đến tận cùng của sự việc”, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm làm
Để đạt được những kết quả trên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, công tác lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên, liên tục, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn sâu sát, quyết liệt.
Trong đó, Tổng Bí thư luôn lo lắng, trăn trở và dành nhiều quan tâm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Nhiều thành viên trong Ban chỉ đạo khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đạt được nhiều kết quả quan trọng là nhờ vai trò chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư là linh hồn, là chỗ dựa vững chắc cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều áp lực, khó khăn, mọi người nhìn vào Tổng Bí thư để quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ”, ông Nguyễn Thái Học chia sẻ.
Ngoài ra, việc phối kết hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng thực hiện hiệu quả. Trong điều kiện dịch bệnh cản trở nhiều thứ, có những cán bộ phải nằm trong vùng dịch cả năm trời để nắm thông tin, thực hiện phá án.
Đặc biệt, việc phòng chống tham nhũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Trước các vụ tham nhũng tiêu cực, người dân thể hiện bất bình, phẫn nộ với hành vi tham nhũng, tiêu cực và lên án. Tuy nhiên, người dân cũng đồng tình ủng hộ việc xử lý các sai phạm.
Theo ông Học, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế, tồn tại.
“Tổng Bí thư đặt câu hỏi, vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm như thế, nhưng tham nhũng tiêu cực vẫn cứ trơ. Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không?”, ông Học nói.
Ngoài ra, Phó Ban Nội chính Trung ương lưu ý, thông qua các vụ án, vụ việc cho thấy thất thoát lượng lớn tài sản. Quá trình điều tra, xác minh cho thấy một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên còn giữ vai trò bảo kê, tiếp tay, giúp sức, thậm chí là đồng phạm. Thậm chí, nhiều cán bộ giữ cương vị quản lý.
Đặc biệt, hành vi tham nhũng ngày một tinh vi hơn có sự cấu kết chặt chẽ giữa các nhóm lợi ích, giữa các lực lượng (doanh nghiệp, người làm khoa học, người quản lý) để trục lợi.
“Điều đó thể hiện sự tinh vi, thủ đoạn che đậy, tạo vỏ bọc để ngụy trang đối phó với cơ quan chức năng ngày càng tinh vi hơn. Nhiều nhóm lợi ích cùng bắt tay thì vỏ bọc tinh vi hơn, ngụy trang phức tạp hơn. Do đó, Tổng Bí thư yêu cầu, không say sưa với chiến thắng, không chủ quan thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải xác định, công tác phòng chống tham nhũng phải lâu dài, bền bỉ, quyết tâm cao hơn, bài bản hơn”, ông Học nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, một số cán bộ, đảng viên vẫn bị kỉ luật, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: “Một trong những chỉ đạo của BCH Trung ương yêu cầu các cấp ủy phải rà soát, đánh giá cán bộ, không để lọt các cán bộ vi phạm đạo đức lối sống lọt vào các cấp. Quy trình nhân sự làm rất chặt chẽ và nghiêm”.
Việc xử lý thời gian qua cho thấy có cán bộ vi phạm lọt vào bộ máy của Đảng. Về việc này, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư rất cụ thể: “Rõ đến đâu xử lý đến đó, nếu trước Đại hội Đảng chưa rõ, chưa phát hiện thì sau Đại hội phát hiện sẽ xử lý nghiêm”.
Minh Ngọc