Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn khiến dân tình trầm trồ
Chiều ngày 9-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đăng đàn trả lời chất vấn một số câu hỏi liên quan đến vấn đề mà Phó thủ tướng được giao phụ trách, trong đó có các lo ngại về đạo đức xã hội xuống cấp.
Dư luận rất chăm chú lắng nghe và đồng tình với những vấn đề mà ông Đam chia sẻ. Đúng, đạo đức, văn hóa là vấn đề liên quan đến mọi tổ chức, mọi người dân. Muốn xã hội ngày một tốt đẹp hơn thì trách nhiệm của công dân là luôn phải tu dưỡng học hỏi để hoàn thiện mình, để ngày một chuẩn mực các hành vi ứng xử trong cuộc sống. Chúng ta đồng ý nhận xét của Phó Thủ tướng là thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội là có thật, có những ý kiến cho rằng tình trạng xuống cấp ở mức nghiêm trọng, tệ nạn xã hội, trộm cắp, các hành vi bị đồng tiền chi phối, các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một… Điều đó là hoàn toàn đúng.
Song nếu nhìn qua những gì đang diễn ra trong xã hội chúng ta, đặc biệt là một số những vụ án gần đây như “Vụ giết nữ sinh bán gà ở Điện Biên, những vụ cướp ngân hàng ở Hà Nội và các địa phương khác, vụ giết nữ sinh Ngân hàng ở Thanh trì, các vụ nâng điểm học sinh trong kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… mà có cái nhìn tiêu cực về xã hội Việt Nam thì là đó một cái nhìn sai lệch.
Xã hội nào cũng vậy, cái xấu và cái tốt luôn đan xen nhau. Xã hội tốt là xã hội những hành động tốt luôn chiếm đa số, những hành động xấu chỉ là cá biệt và đáng bị lên án. Chúng ta đều biết trong xã hội chúng ta ngày nay, bên cạnh một thiểu số người suốt ngày tìm mọi cách nói xấu Đảng và Nhà nước thì có hàng triệu, chục triệu người khác đang hàng ngày, hàng giờ chẳng quản hi sinh gian khổ, thậm chí hi sinh thân mình đoàn kết xung quanh Đảng, để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ đất nước, dân tộc.
Bên cạnh những quan tham bòn rút từng đồng ngân sách thì có biết bao nhiêu mạnh thường quân, những cá nhân bỏ ra hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả ngàn tỷ để cống hiến cho đất nước, để tài trợ cho những công trình nghiên cứu phục vụ nhu cầu tiến bộ xã hội. Bên cạnh một số rất ít những vụ giết người cướp của có hàng triệu chiến sĩ công an, bộ đội đang ngày đêm chắc tay súng, dãi nắng dầm mưa trên mọi nẻo đường Tổ quốc để bảo vệ cuộc sống, bữa ăn, giấc ngủ của nhân dân. Bên cạnh những vụ hiếp dâm, đâm chém, giết người cướp tiền cướp xe vô nhân tính, thì có biết bao nhiêu vụ người dân nhặt được hàng trăm triệu đem trả lại người mất, có những bạn hàng chục năm cõng bạn đến trường cùng nhau học tập.
Đặc biệt trong dịp Covid-19 vừa qua, có những kẻ lợi dụng tình hình dịch bệnh bòn rút tiền của nhà nước nâng gía thiết bị y tế, làm giàu trên sức khỏe của nhân dân thì có biết bao nhiêu tấm lòng hảo tâm khác luôn biết chắt chiu từng đồng tiền bát gạo chia sẽ mọi khó khăn cùng đất nước trụ vững và vượt qua dịch bệnh một cách thắng lợi. Trong đợt lũ lụt đang diễn ra tại miền Trung, người dân cả nước từng giờ, từng phút hướng về miền Trung với tình cảm đặc biệt. Ai có gì giúp nấy, ai không có của cải thì giúp sức lực giúp đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn bão lũ, ổn định cuộc sống.
Chúng ta thừa nhận trong xã hội chúng ta hiện nay, vẫn còn nhiều những tệ nạn, còn nhiều hiện tượng tiêu cực, còn có những ông/bà quan tham nhũng, lợi dụng quyền lực để trục lợi làm giàu cho bản thân và gia đình. Song chúng ta có thể khẳng định là đó chỉ là những số rất ít trong số 100 triệu dân Việt Nam. Những hiện tượng đó tuy có ảnh hưởng phần nào đến truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam nhưng có thể khẳng định đó không phải là bản chất, truyền thống văn hóa và cách sống của dân tộc Việt Nam.
Đúng như Phó Thủ tướng đã khẳng định: Nếu chúng ta không tốt, không thân thiện thì tại sao trong mấy năm gần đây lượng khách du lịch hàng năm đến Việt Nam tăng một cách đột biến. Nếu Việt Nam có nhiều trộm cướp và tình hình an ninh trật tự không ổn định thì tại sao các nguyên thủ nhiều nước đến Hà Nội có thể ung dung thả bộ nơi Hồ Gươm trái tim của cả nước. Nếu chúng ta không có môi trường an toàn thì tại sao Tổng thống Mỹ dám đến ăn bún chả và uống bia ở phố Lê Văn Hưu. Một điều quan trọng nữa, nếu chúng ta không tạo được lòng tin, dân Việt Nam không yêu lao động thì làm sao các nước trên thế giới dám đầu tư hàng trăm tỷ đô la vào Việt Nam.
Rõ ràng là trong xã hội ngày nay, đạo đức xã hội đâu đó vẫn còn những vấn đề nhức nhối cần phải giải quyết. Đâu đó vẫn có những vấn đề nảy sinh không đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc. Song chúng ta có thể khẳng định đó chỉ là những điểm tối hiếm hoi trong quá trình phát triển của một dân tộc.
Dư luận đồng ý với quan điểm của Phó Thủ tướng là trong một xã hội luôn tồn tại những cái tốt và những cái xấu. Khi xã hội có nền giáo dục tốt, người già làm gương cho người trẻ, cấp trên làm gương cho cấp dưới, bố mẹ làm gương cho con cái, mọi người không ngừng tu dưỡng rèn luyện, chỉ khi đó cái cái xấu sẽ giảm đi, cái tốt sẽ được nhân lên và người được hưởng sự bình yên là nhân dân, là xã hội. Ngược lại trong một xã hội mà trên bảo dưới không nghe, quan chức tham nhũng ăn chặn của nhân dân. Những việc tốt không được nêu gương, không được cổ vũ, học tập, cán bộ công chức thiếu ý thức tự rèn luyện và học hỏi, những hiện tượng xấu không bị trừng phạt, bị lên án thì chắc chắn xã hội đó sẽ không được yên ổn, người dân sẽ luôn phải sống trong lo âu sợ hãi.
Nhìn lại xã hội Việt Nam từ khi thành lập nước đến nay (từ năm 1945). Tình hình chính trị xã hội Việt Nam luôn ổn định. Tuy ở những thời khắc khác nhau có xuất hiện những hiện tượng xã hội không lành mạnh do tình hình kinh tế gặp khó khăn. Song nhìn chung, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn là một dân tộc yêu nước, một dân tộc mà ở đó người dân rất thân thiện, hòa hiếu. Một dân tộc có tinh thần tương thân, tương ái lá lành đùm lá rách. Một dân tộc thủy chung với bạn bè, biết phân biệt đâu là bạn, đâu là thù. Được các nước khắp năm châu yêu quý và cảm phục.
Tôi nhất trí với khẳng định của Phó Thủ tướng là muốn xã hội ngày một tốt đẹp thì mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức phải không ngừng rèn luyện tu dưỡng bản thân để không bị sa vào những sự cám dỗ tầm thường. Xã hội tốt đẹp khi mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức phải là những tấm gương và thấm nhuần tâm lí sống mình vì mọi người và mọi người vì mình, biết noi gương và học tập những điều tốt đẹp và lên án những cái xấu, biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả