+
Aa
-
like
comment

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì về chuyện ‘đạo đức xuống cấp’?

09/11/2020 16:43

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn chiều 9-11 đã dành khá nhiều thời gian đề cập đến nguyên nhân, giải pháp khắc phục trước các chất vấn của đại biểu về tình trạng đạo đức xuống cấp.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói về đạo đức xã hội

Ngay đầu giờ chiều 9-11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có gần 30 phút để trình bày các vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến lĩnh vực ông phụ trách, trong đó có các lo ngại về đạo đức xã hội xuống cấp.

Bên ác, bên xấu luôn đấu tranh lẫn nhau

Ông Đam nói: Đạo đức, văn hóa là vấn đề liên quan đến mọi tổ chức, mọi người dân. Không có ai có thể nói rằng mình không cần tiếp tục tu dưỡng đạo đức. Không ai có thể nói tất cả các hành vi ứng xử của mình đều là tối ưu, đều là chuẩn mực hết.

Phó thủ tướng “rất mong được các đại biểu chỉ bảo thêm” khi phát biểu vấn đề này trước Quốc hội, trước nhân dân.

“Thực trạng xuống cấp đạo đức xã hội là có thật, có những ý kiến cho rằng tình trạng xuống cấp ở mức nghiêm trọng, tệ nạn xã hội, trộm cắp, các hành vi bị đồng tiền chi phối, các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một… Điều đó là hoàn toàn đúng.

Nhưng chúng ta đánh giá tình trạng thì cũng nhìn hai mặt. Câu chuyện văn hóa, đạo đức là câu chuyện mấy chục năm, trăm năm, thậm chí dài hơn. Hiện tượng xuống cấp bắt đầu có hiện tượng khi chúng ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, bắt đầu đổi mới thì thấy rõ hơn.

Nhưng cái mặt mà chúng ta cũng không quên là những mặt đạo đức, văn hóa được làm nên bởi nhân dân, làm nên đất nước đó. Thế giới nói nhiều điểm nhưng có 5 điểm thường nói.

Thứ nhất, đó là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Nhân dân nước nào yêu nước và có tinh thần dân tộc hơn nhân dân Việt Nam mình? Mình không dám nói hơn thiên hạ nhưng mình cũng không kém. Chỉ một ví dụ nhỏ như đội tuyển U23 Việt Nam, cả dân tộc, mọi người náo nức.

Thứ hai, đó là tính yêu thương đồng loại, con người. Có đất nước nào mà dịch bệnh, thiên tai như vừa rồi mà người dân thương yêu, giúp đỡ nhau như vậy?

Thứ ba, đấy là sự thân thiện. Nếu người dân Việt Nam không thân thiện, không cởi mở thì làm sao trở thành một điểm đến của du lịch. Chúng ta tự hào có giá trị đó.

Thứ tư, là yêu lao động, chịu thương chịu khó. Nếu không có đức tính này chúng ta không thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài như vậy.

Thứ năm, đó là sự vươn lên, tinh thần học hỏi. Nhân dân Việt Nam ta, như các đại biểu Quốc hội đã thấy, là toàn dân quan tâm đến giáo dục.

Nói như vậy để thấy rằng những hiện tượng xuống cấp đạo đức là đáng báo động. Nhưng xã hội Việt Nam, đạo đức và con người Việt Nam nếu chỉ nhìn vào đó thì không công bằng. Có những khiếm khuyết phải nhìn thẳng vào để khắc phục.

Chúng ta có nhiều những phong trào được hun đúc, qua nhiều năm thì thấy rõ. Ví dụ như phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo phó thủ tướng, nguyên nhân thì có nhiều. “Khách quan thì thường nói đến mặt trái kinh tế thị trường, của mạng xã hội. Chủ quan thì nói về yếu kém của văn hóa, của giáo dục. Điều này không sai”.

Ông Đam cũng nói thêm 3 ý:

Thứ nhất, trong mỗi con người và xã hội thì đấu tranh giữa cái tốt, cái xấu là cuộc đấu tranh từ khi có xã hội loài người, chưa có lúc nào bên ác thắng tuyệt đối bên xấu, cũng chưa lúc nào bên xấu thắng bên ác.

Thứ hai, cả thế giới, khi có sự suy yếu về đạo đức thì không chỉ do giáo dục, do văn hóa mà do bất cập của cả hệ thống. Thể chế quản lý về pháp luật, kinh tế, xã hội, trong đó có văn hóa, giáo dục.

Thứ ba, kinh tế thị trường, đặc biệt gần đây có mặt trái về Internet, mạng xã hội nhưng đây là những mặt trái không bao giờ mất hẳn. Chúng ta phải tiếp cận cả mặt trái, phòng ngừa, thúc đẩy để nó tốt lên.

Nêu gương là quan trọng

“Cả thế giới đều nói rằng muốn tỉ lệ cái tốt lớn lên và cái xấu giảm đi. Điều đầu tiên phải làm cho toàn xã hội và mọi người dân hiểu cái gì là tốt, cái gì là xấu. Có những thứ chúng ta tưởng là dễ nhưng không phải đơn giản. Ví dụ như nói về ăn cắp là xấu, nhưng ăn cắp thời gian thì không mấy ai nói đó là ăn cắp.

Phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với xử lý nghiêm minh vi phạm. Vận động mọi người tự mình điều chỉnh hành vi của mình đấy mới là gốc rễ, nền tảng.

Trong mọi thời kỳ thì vấn đề nêu gương là quan trọng. Nêu gương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Người lớn nêu gương cho người trẻ, người cao hơn nêu gương cho cấp dưới. Đảng viên đi trước làng nước theo sau”, Phó thủ tướng nói tiếp.

Ông Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý trong 4 chữ đức – trí – thể – mỹ thì không chỉ lưu ý đến chữ đức mà lưu ý đến chữ mỹ, đặc biệt lưu ý đến các ngành nghệ thuật và các tôn giáo, tín ngưỡng. Bởi vì những tác phẩm nghệ thuật hay là những tấm gương giáo dục đạo đức tốt nhất.

Những hoạt động văn hóa tín ngưỡng đúng mực, đúng pháp luật thì sẽ giúp cho cái tốt nảy nở trong con người một cách bền vững.

“Cuối cùng, chúng ta phải thật sự đặc biệt chú ý, chú trọng những vấn đề nói chung, trong đó có vấn đề đạo đức và văn hóa. Bởi vì đây là nhược điểm phổ biến của các nước đang phát triển. Khi bị sức ép của vấn đề tăng trưởng kinh tế thì các vấn đề về văn hóa, đạo đức là vấn đề chưa làm ra tiền và chưa cháy nhà chết người nên vẫn bị xem nhẹ. Do chúng ta chú trọng hơn các nước khác những vấn đề này, nên các chỉ số về văn hóa, xã hội của chúng ta tốt hơn”, ông Đam nói.

“Như cha ông ta nói vui: nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông thì nhất nông nhì sĩ. Khi xã hội khấm khá nhiều lên như ngày hôm nay, chúng ta sẽ có điều kiện quan tâm thực chất đến những vấn đề nền tảng.

Tôi rất mong các cấp ủy, chính quyền không chỉ dành nguồn lực mà còn dành thời gian, tâm sức để quan tâm đến vấn đề này. Mỗi người dân Việt Nam, tôi cũng là một người dân, lúc nào cũng chú ý rằng mình còn nhiều khiếm khuyết cần khắc phục”.

LÊ KIÊN/TT

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều