Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gọi điện cho Bộ trưởng để oxy vào TP.HCM nhanh hơn
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong lúc TP.HCM có nhiều người nhiễm COVID-19, việc cung cấp đủ oxy là rất quan trọng. Do vậy, việc đưa nguồn oxy đến cho người dân là yêu cầu cấp bách từng phút từng giờ, chứ không thể đợi lâu được.
Sáng 4-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và dự buổi khai trương Trạm bơm oxy Thủ Đức do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM, Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức và Công ty Khóa Điện tử PHGLock Việt Nam tổ chức.
Ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết từ việc triển khai thành công Trạm bơm oxy y tế tại quận 7, ông nhận thấy rằng mô hình chuyển đổi một số phân xưởng oxy trong các nhà máy thép, cơ khí thành trạm bơm oxy y tế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 là một cách làm hiệu quả, góp phần giải quyết tình trang khan hiếm oxy cho người bệnh như hiện nay.
Theo ông Hồng Anh, Trạm bơm oxy này có công suất dự kiến 200-300 bình 40L/ngày, trước mắt hỗ trợ đổi, nạp oxy cho các trạm y tế lưu động và ATM oxy trên đại bàn TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh và tiến tới tăng cường hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn TP Thủ Đức.
“Điều này có ý nghĩa rất quan trọng khi chương trình ATM oxy của doanh nhân trẻ mang trọng trách cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày” – ông Hồng Anh nói.
Trong thời gian tới, ông cho biết, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm, vận động và kết nối các nguồn lực để mở rộng mô hình này góp phần đồng hành củng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại đây. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cảm ơn các tập thể doanh nghiệp, cá nhân, đoàn viên, thanh niên và các nhà thiện nguyện đã có những sáng kiến xây dựng các mô hình ATM oxy.
Theo ông Đam, từ khởi đầu là ATM gạo, rồi sau đó xuất hiện ATM sách và bây giờ tiếp tục làm ATM lương thực, thực phẩm, oxy… tất cả cùng nhau bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cùng nhau vượt qua những khó khăn của đại dịch.
Đặc biệt gần đây, chúng ta đã huy động F0 khỏi bệnh quay trở lại tham gia công tác chống dịch và làm thiện nguyện trong cộng đồng – đó là ATM F0 chống dịch. “Tôi có nói vui rằng, các mô hình ATM của Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, Đoàn thanh niên cùng nhiều tập thể, cá nhân phát minh ra đã viết lại khái niệm ATM, nó không còn tên của một loại máy nữa mà trở thành một hành động hỗ trợ lẫn nhau đầy tình người” – ông Đam nói.
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm cơ sở sản xuất oxy của Doanh nghiệp tư nhân hơi kỹ nghệ Tân Tân (TP Thủ Đức). Đây là cơ sở hiện cung cấp oxy cho nhiều bệnh viện điều trị COVID-19 trên địa bàn TP.HCM.
Tại đây, Phó Thủ tướng đã biểu dương việc doanh nghiệp này có sáng kiến đưa các bồn oxy lớn sang quận 7 để cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Thu, chủ doanh nghiệp này cho biết lúc đó oxy thiếu, nếu chở bình oxy nhỏ đến từng bệnh viện sẽ không kịp. Do vậy, ông đã cùng chính quyền địa phương đưa ra sáng kiến chở luôn bồn chứa oxy cỡ lớn 32 m3, đựng được trên 4 tấn oxy, sử dụng được khoảng 10 ngày để cứu người nhiễm khỏi tử vong.
Nêu khó khăn với Phó Thủ tướng, ông Thu cho biết hiện doanh nghiệp đang có 2.500 bình đựng oxy các loại đang “bị kẹt” ở miền Bắc do cơ quan kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang trong thời gian nghỉ lễ và trùng vào ngày nghỉ cuối tuần.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gọi điện cho Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung để trao đổi về vướng mắc này. Ít phút sau, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã cho bộ phận chức năng tiến hành kiểm định và đưa nhanh số các bình đựng oxy vào cho doanh nghiệp này ở TP.HCM.
Theo ông Đam, trong lúc TP.HCM có nhiều người nhiễm COVID-19, việc cung cấp đủ oxy là rất quan trọng, có thể cứu được tính mạng người dân. Do vậy, việc đưa nguồn oxy đến cho người dân là yêu cầu cấp bách từng phút, từng giờ chứ không thể đợi lâu được.
TÁ LÂM