Chiều 2/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM về những công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Những ngày qua, TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội trên toàn địa bàn với nhiều biện pháp được điều chỉnh, bổ sung để đáp ứng nhu cầu vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hoá, thuốc men cho người dân.
Phải giữ an toàn chuỗi cung ứng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết sau khi có thêm khoảng 10.000 người giao hàng công nghệ (shipper) được phép hoạt động, áp lực đi chợ hộ cho người dân đã được giải toả. Mỗi ngày, đội ngũ shipper giao được khoảng 200.000 đơn hàng, trong khi tất các lực lượng khác (công an, quân đội, tổ dân phố) xử lý được khoảng 100.000 đơn hàng. Khoảng 20.000 nhân viên siêu thị được phép đi làm cũng giúp hơn 600 siêu thị hoạt động trở lại. Các chuyến hàng nông sản đóng gói sẵn từ các tỉnh cũng đã được vận chuyển trực tiếp tới tận các xã, phường.
Thời gian tới, Thành phố kiến nghị tiếp tục cho phép tăng thêm lượng shipper, nhân viên siêu thị, bảo đảm an toàn, được xét nghiệm thường xuyên theo quy định của Bộ Y tế. Thành phố cũng sẽ mở thêm một số điểm tập kết để đưa thực phẩm, rau xanh thuận lợi hơn nữa cho người dân.
“Nguồn thực phẩm, rau xanh về Thành phố trong những ngày tới sẽ được cải thiện cả về quy mô và khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân”, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho hay.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự kiến trong những ngày tới sẽ tiếp tục tăng thêm đội ngũ shipper đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ “đi chợ hộ” cho những hộ dân có điều kiện, còn lực lượng quân đội, công an đảm nhận giao túi an sinh, thực phẩm, rau xanh, chi trả hỗ trợ cho những hộ dân gặp khó khăn, cũng như thực hiện các nhiệm vụ chống dịch khác.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thành phố đề nghị tăng thêm bao nhiêu người không quan trọng bằng việc phải có phương án kiểm soát, sử dụng lực lượng shipper, nhân viên siêu thị một cách an toàn, nhất là công tác xét nghiệm thường xuyên, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh. Nguyên tắc là phải giữ an toàn cho chuỗi cung ứng.
Các thành viên Tổ công tác cho rằng phải có ngay phương án nhanh chóng đưa thực phẩm tươi, rau xanh đến cho người dân bằng cách tổ chức những điểm cung ứng xuống tận các tổ dân phố, khu dân cư.
Tại các điểm này, ngoài một số nhân viên, các siêu thị, doanh nghiệp có thể huy động cả những người dân khoẻ mạnh, những F0 đã khỏi bệnh, an toàn để tiếp nhận yêu cầu, đóng gói, vận chuyển các túi hàng cho người dân. Bên cạnh những người tình nguyện tham gia, các siêu thị có thể hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn một phần thu nhập.
Thành phố có trách nhiệm chăm lo cho tất cả người lao động
Qua kiểm tra tại các xã, phường, các thành viên Tổ công tác nêu thực tế nhiều người lao động ngoại tỉnh ở trong các khu nhà trọ đang gặp rất nhiều khó khăn do nghỉ việc dài ngày nhưng lại không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ. Nhiều gia đình không còn tiền và mong muốn được miễn, giảm tiền điện, nước. Thành phố cần chỉ đạo các quận, huyện, TP. Thủ Đức rà soát việc hỗ trợ cho các đối tượng đang gặp khó khăn, không có việc làm, không có thu nhập khác, ở trong vùng giãn cách; bổ sung kịp thời, tránh bỏ sót.
“Thành phố lớn, đối tượng nhiều, phải đưa nhanh nhất các gói hỗ trợ đến tận tay người dân, đặc biệt lưu ý người dân ở các khu trọ, những hộ có trẻ nhỏ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định Thành phố có trách nhiệm chăm lo cho tất cả người lao động trên địa bàn.
Tổ chức sử dụng hiệu quả lực lượng y tế
Ghi nhận kiến nghị về duy trì và chi viện thêm nhân lực cho các cơ sở điều trị, Tổ công tác cũng lưu ý Thành phố cần sử dụng thật tốt lực lượng hiện nay theo hướng hiệu quả nhất, từ những chi tiết rất nhỏ như: Phát thuốc ngay cho những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2; tổ chức tập huấn lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ nhân viên y tế thăm hỏi trực tiếp, hàng ngày F0 tại nhà; chăm lo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bà con.
Một vấn đề khác, việc sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có hiệu quả tốt trong điều trị F0 triệu chứng nhẹ, nhưng thủ tục còn phức tạp như yêu cầu F0 phải cam kết, đăng ký theo dõi qua mạng, nên nhiều người không muốn sử dụng. Ngành y tế thăm khám cụ thể tình trạng sức khoẻ, bệnh nền của F0 để xem có chống chỉ định thuốc Molnupiravir hay không. Sau đó, nhân viên y tế giải thích rõ và theo dõi sát trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir của từng F0, có như vậy bà con mới yên tâm. Làm tốt ở những tuyến dưới sẽ giảm áp lực cho các tuyến điều trị phía trên.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM quan tâm, chỉ đạo, điều phối kịp thời về nhân lực, cơ sở cách ly, điều trị sát thực tiễn dịch bệnh ở một số địa phương; có sự chỉ huy thống nhất, hiệu quả đối với các đơn vị quân đội, công an về chi viện chống dịch tại xã, phường; tăng cường kiểm tra thực hiện giãn cách từng khu phổ, hẻm dân cư…
Chuẩn bị cho năm học mới phải chi tiết, thực chất
Cũng tại cuộc họp, Sở GD&ĐT TPHCM đã báo cáo về công tác chuẩn bị cho năm học mới (2021-2022) và lễ khai giảng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù phải tập trung chống dịch thì TPHCM vẫn phải đặc biệt quan tâm đối với việc dạy và học trong năm học mới, tỉ mỉ, chi tiết, thực chất hơn nữa.
Phó Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi và yêu cầu ngành giáo dục TPHCM phải có những giải pháp rất cụ thể như: Chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập đưa đến cho học sinh; hỗ trợ cho học sinh nghèo; khả năng tiếp cận phương thức học trực tuyến của học sinh nhỏ tuổi, nhất là những học sinh nghèo chưa có thiết bị để học trực tuyến… Còn rất nhiều vấn đề như vậy được đặt ra và ngành giáo dục TPHCM phải giải quyết.
“Đây là một năm học rất đặc biệt với rất nhiều khó khăn, nhưng tinh thần là “cái khó ló cái khôn”, tất cả vì học sinh nhưng cũng phải rất thực chất gắn với công tác chống dịch đang rất căng thẳng hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng và cho biết sẽ cùng lãnh đạo Thành phố, các sở ngành liên quan tính toán việc cung cấp sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, Thành phố cũng tính toán cụ thể để xây dựng các chương trình dạy học trực tuyến đảm bảo việc dạy và học hiệu quả nhất.
Đình Nam