Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công bố dịch toàn quốc với 3 mục tiêu quan trọng
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều nay (1/4), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, Việt Nam chuyển sang giai đoạn 3 “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, toàn dân cần tham gia chống dịch.
Công bố dịch Covid-19 toàn quốc với mục tiêu gì?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban chỉ đạo cho biết: “Từ ngày 23/1, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở TP.HCM, chúng ta đã bắt đầu chống dịch. Đến thời điểm này, chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của “cuộc chiến”.
Phó Thủ tướng nhận định, trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia với tinh thần “toàn dân chống dịch”. Cả hệ thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thực tế từ hơn 2 tháng qua, đã đồng lòng nỗ lực ngăn chặn Covid-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu.
Thứ nhất là làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.
Thứ hai là để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế, để thực sự “mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch”.
Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định công bố dịch toàn quốc, tất cả các lực lượng tham gia chống dịch của ngành y tế, quân đội, công an và các lực lượng khác được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian chống dịch.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Mặc dù quyết định được ban hành hôm nay (1/4), nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28/1/2020. Đây là sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, cũng là của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch ở tất cả các ngành, các cấp trong cả nước.
Việt Nam có nhiều nỗ lực trong điều trị bệnh nhân Covid-19
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng tiểu ban Điều trị cho biết, tính đến 14h chiều nay (1/4), Việt Nam đã ghi nhận 212 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam.
Trong số này, 63 ca đã khỏi bệnh/xuất viện, 149 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 23 cơ sở y tế, đa số có tình trạng sức khỏa ổn định. Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, cập nhật đến chiều nay, có 54 bệnh nhân âm tính, trong số này có 43 bệnh nhân đã âm tính 2 lần trở lên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, về diễn biến sức khỏe 4 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, liên tục trong những ngày qua, các bác sĩ của bệnh viện cùng các chuyên gia đầu ngành trong Tổ chuyên gia của Bộ Y tế đã hội chẩn, nỗ lực chăm sóc và điều trị nên hiện tại có nhiều bệnh nhân sức khoẻ tiến triển tốt lên.
Trong 4 bệnh nhân nặng, bệnh nhân số 26 đã bỏ máy thở, rút ống nội khí quản và đang được theo dõi; 3 bệnh nhân còn lại, trong đó có 1 ca ECMO và 1 ca thở máy, 1 ca thở máy không xâm nhập đang tiến triển tốt lên. Riêng ca ECMO (bệnh nhân 19, bác của bệnh nhân 17) đang chuẩn bị cai ECMO, chuyển sang thở máy. Đồng thời, 2 trong số 4 bệnh nhân nặng này đến nay có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần với virus gây bệnh Covid-19.
4 nhân viên y tế gồm 2 bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 2 điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đều có tình trạng sức khỏe ổn định.
“Đội ngũ thầy thuốc ở nước ta đang ngày đêm nỗ lực, tìm hiểu, học hỏi thêm về chuyên môn để điều trị cho bệnh nhân tốt nhất. Đến nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có trên 200 ca mắc Covid-19 nhưng chưa có trường hợp nào tử vong”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Về kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán Covid-19, Thứ trưởng Sơn cho biết, hiện, Việt Nam có 2 loại xét nghiệm: Xét nghiệm máy có độ chính xác cao, phát hiện gần như 100% các trường hợp nhiễm Covid-19; xét nghiệm nhanh để phát hiện kháng thể virus SARS-CoV-2, sử dụng trong trường hợp khi dịch đang lan rộng, hoặc sử dụng trong tổ hợp nhỏ cần phân loại ngay, tuy nhiên vẫn phải xét nghiệm lại bằng xét nghiệm máy để xem kết quả có chính xác hay không.
“Do vậy, ở Việt Nam, theo chúng tôi, thời điểm này, khi dịch chưa lan rộng, việc xét nghiệm khẳng định bằng máy với kỹ thuật Realtime PCR (RT-PCR) vẫn đang được các cơ sở y tế phát triển và sử dụng đại trà để xác định các ca dương tính với SAR-CoV-2 một cách chính xác nhất nhằm đảm bảo an toàn cho xã hội”, Thứ trưởng Sơn nói.
Minh Nhật/DV