Phó Thủ tướng Thường trực: Dự án không thể phục hồi thì kiên quyết cho phá sản, giải thể
Sáng 3/4, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo xử lý các yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ thuộc ngành công thương.
Tham dự Phiên họp có Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành và các tập đoàn, tổng công ty có liên quan.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo bàn về tình hình, tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để từ đó đánh giá, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp với từng dự án, doanh nghiệp trong năm 2020.Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo thẳng thắn làm rõ các vấn đề lớn như những kết quả cụ thể, khó khăn vướng mắc nhất hiện nay của từng dự án, doanh nghiệp và giải pháp tháo gỡ, nhất là các vấn đề vướng mắc pháp lý về tổng thầu EPC và giải pháp về tài chính, tín dụng.
Tinh thần chung là phải tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Xử lý tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu, tổng thầu, có yếu tố nước ngoài, đầu tư không còn phù hợp về công nghệ, pháp lý trong thủ tục xử lý… Qua đó, cần làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm làm gì, cơ chế như thế nào?
Về hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1468, tuy nhiên, qua báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu nhưng bước triển khai tiếp theo không còn phù hợp và khả thi, một số phương án đưa ra nhiều lựa chọn thực hiện tùy theo tình hình nên chưa xác định tiến độ, thời hạn xử lý, đến nay cần quyết định phương án để xử lý dứt điểm.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các đại biểu cho ý kiến thẳng thắn, trực tiếp về hướng xử lý từng dự án theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá hướng xử lý như vậy đã thực sự khả thi chưa, đã tối ưu và phù hợp với chỉ đạo của cấp có thẩm quyền chưa, có bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, lợi ích của người lao động, ổn định môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay không? Dự án nào cần tiếp tục được tái cơ cấu để phục hồi, các biện pháp nào Nhà nước có thể hỗ trợ để có phương án khả thi? Dự án nào cần khẩn trương xử lý kiên quyết, cho dừng hoạt động, phá sản để không phát sinh thiệt hại cho Nhà nước?
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này. Tuy nhiên, quá trình xử lý sẽ không tránh khỏi nhu cầu cần chi phí để xử lý dự án, tái cơ cấu phục hồi… Vậy phải có giải pháp thế nào đối với vấn đề này?
“Dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản chứ không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế là vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý càng mất vốn”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
PV