+
Aa
-
like
comment

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Xu thế chính trị cường quyền trên thế giới đang gia tăng

09/09/2020 10:59

ASEAN cần nỗ lực xây dựng và thực thi các chuẩn mực ứng xử phổ quát, đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiến chương ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có tuân thủ luật pháp quốc tế, bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) sáng nay (9/9), nhận định về những thách thức mà ASEAN đang đối mặt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng: ASEAN đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ trong cách thức vận hành của hệ thống các quan hệ quốc tế.

Vai trò của luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương chịu nhiều thách thức. Xu thế chính trị cường quyền, toan tính vị kỷ và tính bất định trong hành xử của các quốc gia có chiều hướng gia tăng. Tiến trình toàn cầu hóa, liên kết khu vực, tự do hóa kinh tế phần nào bị chững lại. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp của các vấn đề toàn cầu, nổi lên là dịch Covid-19 trong năm 2020.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Xu thế chính trị cường quyền đang gia tăng - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng ASEAN đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ trong cách vận hành của hệ thống các quan hệ quốc tế. Ảnh: Phạm Hưng.

Để vượt qua những khó khăn trên, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tiếp tục đẩy mạnh kết nối, phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và đồng đều, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các sáng kiến của ASEAN về Mạng lưới các đô thị thông minh, Kết nối các Kết nối… sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Xác định nguy cơ dịch Covid-19 còn thường trực, Phó Thủ tướng cho rằng cần chủ động kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh thông qua nỗ lực ngăn ngừa lây nhiễm, phát triển vắc xin và thuốc điều trị tiếp cận rộng rãi với người dân; mặt khác, cần triển khai ngay các biện pháp hiệu quả hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả của dịch bệnh, từng bước phục hồi nền kinh tế và ổn định đời sống xã hội. Hội đồng Điều phối ASEAN sẽ thảo luận sâu rộng về thúc đẩy hiệu quả các nỗ lực và sáng kiến ứng phó Covid-19 của ASEAN.

Thúc đẩy tin cậy chiến lược

Để giảm thiểu hệ quả từ những biến động phức tạp của môi trường chiến lược khu vực và quốc tế, duy trì ổn định tình hình, tập trung ứng phó dịch bệnh, ASEAN cần chú trọng củng cố các thiết chế đối thoại và hợp tác khu vực do ASEAN dẫn dắt và làm động lực.

Phó Thủ tướng cho biết, các Hội nghị lần này sẽ trao đổi về phương hướng phát triển của các diễn đàn như: EAS nhân kỷ niệm 15 năm hình thành, ARF với giai đoạn hợp tác và chương trình hành động mới 2020-2030, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các Đối tác theo các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, để các cơ chế này có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình trong bối cảnh mới.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN không thể mắc bẫy nỗi sợ cạnh tranh nước lớn

Song song với đó là nỗ lực xây dựng và thực thi các chuẩn mực ứng xử phổ quát, đề cao các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiến chương ASEAN trong quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có tuân thủ luật pháp quốc tế, bình đẳng, tổn trọng, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Tin cậy chiến lược, như Tuyên bố ngày 8/8 nhấn mạnh, sẽ là yếu tố quan trọng hóa giải nghi kỵ, thực tâm hợp tác trên cơ sở cùng có lợi và ngăn ngừa nguy cơ xung đột.

ASEAN sẽ tiếp tục tham gia đóng góp và phát huy vai trò trong các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các thách thức đối với an ninh và ổn định ở khu vực luôn hiện hữu, trong đó có các nhân tố đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới.

ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình. ASEAN kiên định thúc đẩy triển khai đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố DOC và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982.

Để chủ động trong định hướng phát triển cho tương lai, các Bộ trưởng sẽ trao đổi và bàn thảo về cách thức xây dựng một tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN sau 2025, đảm bảo kế thừa các thành tựu đạt được và giúp ASEAN thích ứng hiệu quả với những cơ hội và thách thức ở những thập kỷ tiếp theo.

Sau lễ khai mạc sẽ là hàng loạt phiên họp của các bộ trưởng, trong đó có phiên họp đặc biệt của Hội đồng điều phối ASEAN về phát triển tiểu vùng.

Chiều nay sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 21, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 10 (EAS).

(Theo DV)

Bài mới
Đọc nhiều