Phó Thủ tướng: Make in Việt Nam không có nghĩa là Việt Nam tự làm tất cả
Tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Make in Việt Nam không có nghĩa là Việt Nam tự làm tất cả.
Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hơn 20 năm qua chúng ta phát triển nhanh thứ hai thế giới nếu tính liên tục và mục tiêu là Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào thời điểm 100 năm thành lập nước.
Song dù phát triển nhưng do có xuất phát điểm quá thấp nên để đạt được mục tiêu Việt Nam cần phải đi nhanh hơn nữa. Muốn đi nhanh, Việt Nam phải tập trung vào những ngành nào tạo ra động lực mới, có sức lan toả rộng, dựa vào cộng đồng nào mà quy luật phát triển tuyến tính có thể bị phá vỡ.
Theo Phó Thủ tướng, đó là lý do tại sao những năm gần đây Việt Nam nói nhiều về startup, về Công nghệ thông tin (CNTT) bởi đó là những lĩnh vực có thể giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn, đi nhanh hơn được tốc độ bình thường của nhiều ngành khác.
Muốn vậy, Phó Thủ tướng khẳng định cần phải khơi dậy niềm tự hào, khát vọng thôi thúc của người Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ, từng bước sáng tạo ra giải pháp mới, chủ động thiết kế làm ra sản phẩm mới có hàm lượng trí tuệ của người Việt Nam.
Song theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói Make in Việt Nam nhưng không mong muốn và không hàm ý là Việt Nam sẽ tự làm tất cả.
“Cũng như từ trước, Việt Nam luôn đặt mình vào là một phần của thế giới. Những gì Việt Nam có được ngày hôm nay, kể cả CNTT và kinh tế xã hội nói chung là nhờ chúng ta đã nêu cao tinh thần cởi mở, hợp tác quốc tế. Tạo điều kiện cho mọi đối tác đều có thể làm ăn, tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Người lãnh đạo Chính phủ cho biết, tinh thần này phải luôn được nêu cao, bởi trong thế giới ngày nay, nếu nói về dân số Việt Nam đứng thứ 15, một thị trường về mọi mặt không dám gọi là lớn nhưng đáng kể.
Trong thời gian qua Việt Nam đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Nhưng nếu các doanh nghiệp Việt không chủ động nắm bắt công nghệ, không chủ động tự tin sáng tạo ra sản phẩm của mình, cách làm của mình thì rất nhiều khi cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng không bình đẳng.
Phó Thủ tướng nói rằng, để giải quyết cạnh tranh không bình đẳng có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất là ngăn chặn những yếu tố không bình đẳng. Cách thứ hai là làm cho chính doanh nghiệp của chúng ta từng bước lớn mạnh, dần vào thế bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Cách thứ nhất rất khó vì thế giới ngày hôm nay rất nhỏ và nhạy cảm. Chỉ cần một động thái thì đơn cử nông sản của Việt Nam có thể vào thêm một thị trường, sẽ đem lại thêm công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn gia đình nông dân.
Cho nên chúng ta bằng cách khơi dậy tiềm lực của người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Người Việt Nam ở đây gồm cả những người không mang quốc tịch Việt Nam nhưng làm ăn gắn bó tại Việt Nam để chúng ta có những giải pháp giành cho Việt Nam, để dần lấy lại thế cạnh tranh bình đẳng trước hết là tại sân nhà.
“Chúng ta muốn đất nước đi nhanh hơn thì chúng ta phải đi nhanh hơn nữa và muốn nhanh hơn nữa chỉ bằng cách sử dụng các giải pháp của Việt Nam. Công nghệ chưa cần hoàn toàn của Việt Nam nhưng mô hình và giải pháp phải là của Việt Nam”.
Dẫn dẫn chứng về các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta chiến thắng trong các cuộc chiến ấy không phải do Việt Nam làm ra tất cả mọi loại vũ khí. “Nhưng chúng ta biết dùng và cải tiến vũ khí”, lãnh đạo Chính phủ cho hay.
Tương tự, hiện tại cũng thế, Việt Nam không tham vọng thay thế tất cả các tập đoàn khổng lồ trên thế giới, làm tất cả các công nghệ nền tảng, nhưng quan trọng nhất chúng ta dùng và làm chủ có giải pháp.
“Đây là cái mà tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp số tại Việt Nam có thể làm được và phải làm được. Chúng ta không lạc quan tếu, nhưng chúng ta tự tin nếu đồng lòng thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Theo Phó Thủ tướng, là người đi sau, Việt Nam không hấp tấp nhưng phải khẩn trương. Chỉ bằng cách nắm chạt tay nhau Việt Nam mới có thể đi nhanh. Nếu không nắm tay, không chia sẻ chúng ta không thể đi nhanh được.
Chia sẻ về những đóng góp của các doanh nghiệp số trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tầm quan trọng của những doanh nghiệp này.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang ở trong một thế giới phẳng, ngày một nhỏ hơn và nhiều biến động, nhạy cảm hơn và dễ bị tổn thương hơn.
Cách đây một năm, hơn một năm không ai có thể nghĩ được rằng một con virus nhỏ bé có thể làm đảo lộn thế giới, có thể làm cho nỗ lực của loài người trong nhiều năm bị tiêu tan và nhiều ngành sản xuất chắc phải mất nhiều năm thì mới quay lại trạng thái như trước đây.
Hôm nay chúng ta được ngồi đây cũng là vì chúng ta có giải pháp của mình. Chúng ta không phải là một nước đứng đầu thế giới về trình độ y tế. Thực ra đội ngũ bác sĩ của chúng ta có một số rất giỏi, tầm quốc tế nhưng số đó không nhiều, hệ thống y tế của chúng ta, trình độ của chúng ta, không thể so được với thế giới.
Chúng ta có giải pháp của mình với tâm thế biết mình đang ở đâu trên bản đồ y tế thế giới, biết điểm mạnh của nền y tế, của cả hệ thống quản trị xã hội ở Việt Nam mạnh như nào, đến hạn chế của mình ở những điểm nào từ đó chúng ta có những giải pháp đúng, nhanh và kịp thời.
“Điều đáng nói những giải pháp đó không đến từ một bộ óc nào cả, mà nó là tổng hợp ý kiến không chỉ của một chuyên gia mà của cả những người không làm về y tế, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Thiên Trường/ĐSPL