+
Aa
-
like
comment

Phó thủ tướng: ‘Khoanh vùng hẹp hay rộng đều phải quản lý chặt chẽ’

09/07/2021 18:58

Theo ông Vũ Đức Đam, khoanh vùng hẹp thì chống dịch vất vả hơn nhưng bớt lo ngại về kinh tế. Ngược lại, khoanh vùng rộng thì chống dịch nhàn hơn nhưng thiệt hơn về kinh tế, xã hội.

Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 9/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19), nhiều lần quán triệt nguyên tắc khi thực hiện giãn cách xã hội. Giải pháp này hiện được nhiều địa phương áp dụng để giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh.

Khoanh vùng rộng hay hẹp đều phải quản lý chặt Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý 2 cách tiếp cận trong việc thực hiện giãn cách xã hội. Một là khoanh vùng hẹp thì các lực lượng phòng, chống dịch sẽ vất vả hơn nhưng bớt lo ngại về kinh tế – xã hội. Hai là khoanh vùng rộng, các lực lượng phòng, chống dịch nhàn hơn nhưng kinh tế – xã hội thiệt hơn. Vì thế, cần cân nhắc.

“Dù khoanh vùng hẹp hay rộng đều phải quản lý chặt chẽ. Khoanh chỗ nào phải làm thật nghiêm, càng khoanh rộng mà lỏng thì càng tai hại”, Phó thủ tướng lưu ý.

tinh hinh gian cach theo Chi thi 16 anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý dù khoanh vùng hẹp hay rộng đều phải quản lý chặt chẽ. Khoanh chỗ nào phải làm thật nghiêm. Ảnh: VGP.

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Phó thủ tướng cho rằng những nơi phong tỏa theo Chỉ thị 16 phải tập trung truy vết, xét nghiệm đuổi theo, đặc biệt lấy mẫu theo xác suất để test nhanh cho công nhân trong những nhà máy lớn buộc phải làm việc; không xét nghiệm rộng trong các gia đình.

Với năng lực điều trị ở Phú Yên vẫn còn yếu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có kế hoạch điều lực lượng hỗ trợ cho địa phương này.

Giải pháp cách ly F1 tại nhà đã được đề cập trong nhiều cuộc họp, một số địa phương đã thực hiện thí điểm. Lưu ý thêm, Phó thủ tướng nhắc các địa phương phân loại F1 (dựa trên kết quả xét nghiệm, điều tra dịch tễ, mức độ tiếp xúc gần) để cách ly tại nhà.

Cùng với đó, phải nghiên cứu việc giảm bớt số lượng thành viên trong gia đình; yêu cầu F1 và gia đình tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch và phải tính đến trường hợp xấu nhất khi cả gia đình có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Ông cũng yêu cầu Bộ Y tế cân đối số lượng để hỗ trợ test nhanh cho tỉnh Khánh Hòa, trong đó, việc sử dụng test nhanh phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, không lạm dụng khi số ca lây nhiễm chưa cao.

Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, Phó thủ tướng đề nghị hai địa phương tích cực hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt Khánh Hòa hỗ trợ Phú Yên trong công tác điều trị.

Phú Yên yêu cầu chi viện từ Trung ương Báo cáo với Phó thủ tướng trước đó, đại diện tỉnh Phú Yên cho biết toàn tỉnh đã ghi nhận 425 ca mắc Covid-19, xuất phát từ 3 nguồn lây. Địa phương đã truy vết khoảng 3.500 trường hợp F1.

Cùng với đó, tỉnh đã thiết lập 4 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 với quy mô 100 giường/bệnh viện, có thể nâng công suất lên 800 giường điều trị. Khu cách ly tập trung cũng được Phú Yên xây dựng nhằm đảm bảo số lượng khoảng 7.000 người.

tinh hinh gian cach theo Chi thi 16 anh 2
TP Nha Trang trong ngày đầu tiên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: An Bình.

Đến nay, năng lực xét nghiệm của tỉnh đã được nâng lên đạt 3.000 mẫu/ngày. Cùng với việc đẩy mạnh truy vết F0, Phú Yên đang xem xét thí điểm cách ly trường hợp F1 tại nhà.

Điều trị các ca mắc trên địa bàn là vấn đề đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt lực lượng bác sĩ nói chung và bác sĩ hồi sức tích cực, truyền nhiễm rất mỏng.

“Hai tuần qua, một số bệnh nhân Covid-19 diễn biến nguy kịch, các bác sĩ dốc lực điều trị cho các ca này nên đã kiệt sức. Do đó, tỉnh rất cần chi viện từ Trung ương”, đại diện Phú Yên nêu đề nghị.

Tương tự, đại diện tỉnh Khánh Hòa thông tin từ ngày 23/6 đến 9/7, toàn tỉnh ghi nhận 146 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng và vừa phát hiện thêm 25 trường hợp nghi mắc Covid-19.

Các ca mắc tập trung tại thị xã Ninh Hòa (100 ca), thành phố Nha Trang (50 ca). Hiện địa phương đã truy vết 1.365 trường hợp F1; 3.177 trường hợp F2.

Từ 9/7, Khánh Hòa áp dụng Chỉ thị số 16 với thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh; đồng thời, áp dụng Chỉ thị số 15 với các huyện, thành phố còn lại, bao gồm: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và thành phố Cam Ranh.

Về năng lực xét nghiệm, với sự hỗ trợ Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Quân y 87 (đóng trên địa bàn TP Nha Trang), năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR của Khánh Hòa đạt khoảng 10.000 mẫu/ngày, test nhanh kháng nguyên 15.000 mẫu/ngày. Khánh Hòa cũng dự kiến sẽ tổ chức cách ly F1 tại nhà.

Anh Thư – Ngọc Lan

Bài mới
Đọc nhiều