Phó Thủ tướng: ‘Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng tình huống dịch xấu hơn’
Hà Nội đã chống dịch tốt, nhưng trong bối cảnh dịch còn phức tạp, cần chuẩn bị các tình huống xấu hơn để không bị động.
Sáng 2/11, làm việc với TP Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng với đặc thù đô thị lớn, việc Hà Nội giữ được kết quả chống dịch như ngày hôm nay là “rất tốt”. Tới đây, thành phố vẫn phải rất cảnh giác, bởi thực tế dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng, như hôm qua số ca nhiễm mới của cả nước hơn 5.000. Thành phố không được chủ quan, thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn và phải tính đến trường hợp xấu hơn.
Hà Nội đã có kịch bản 40.000 ca nhiễm, nhưng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, thành phố vẫn cần tính kỹ hơn vì liên quan đến chuẩn bị trang thiết bị vật tư y tế. Nguyên lý chung sống an toàn với dịch đã được đưa ra từ trước, nhưng mỗi lúc một khác, trước lúc tiêm vaccine và sau tiêm khác. Có một số nguyên tắc trong phòng, chống dịch vẫn phải thực hiện là phát hiện, cách ly, khoanh vùng theo sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Phó thủ tướng cho rằng, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cũng cần tập dượt phương án khác, như thí điểm cách ly F1, điều trị F0 có đủ điều kiện tại nhà để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Về tiêm vaccine phòng Covid-19, Phó thủ tướng khẳng định Hà Nội luôn được ưu tiên cung cấp vaccine sớm. Bộ Y tế căn cứ lịch tiêm của Hà Nội để bố trí đủ vaccine tiêm toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến.
Không đợi tiêm hết vaccine mới cho trẻ đi học
Hà Nội đã lên kế hoạch cho học sinh ở một số vùng, một số lớp đi học trở lại với một số điều kiện cụ thể, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thành phố cần tiếp tục đánh giá rất sát. Xét về khía cạnh chống dịch thì an toàn mới đi học, nhưng an toàn ở đây là kiểm soát, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu, cho cộng đồng, chứ không phải an toàn là không có học sinh nhiễm bệnh.
Phân tích việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của trẻ, Phó thủ tướng cho rằng đây là nhu cầu không chỉ của học sinh mà còn của gia đình, lực lượng lao động. Tổ chức Y tế thế giới mới khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chưa khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, do vậy không thể đợi tiêm hết vaccine hoặc không có Covid mới cho đi học. Hà Nội cần căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần với tinh thần linh hoạt.
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thành phố có hơn 2.800 trường học với xấp xỉ 2,1 triệu học sinh. Ngoài ra, còn có khoảng 1,1 triệu sinh viên đại học, cao đẳng trên địa bàn. Qua điều tra xã hội học, có 78% phụ huynh mong muốn con em trở lại trường, 32% phụ huynh còn băn khoăn vì học sinh chưa được tiêm vaccine.
Trên cơ sở tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, thành phố sẽ dần từng bước cho học sinh trở lại trường. Trước mắt từ ngày 8/11, một số huyện, thị xã đủ điều kiện sẽ cho học sinh các lớp đầu và cuối cấp học (lớp 5, 6, 9, 10 và 12) học trực tiếp tại trường học.
Về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin, từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh (từ ngày 11/10 đến 1/11, bình quân 21 ca/ngày so với 5,7 ca/ngày giai đoạn trước). Đặc biệt từ ngày 28/10 đến nay, số ca nhiễm bình quân 33-57 ca/ngày. Dịch xâm nhập từ các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng.
Thành phố hiện có 6 chùm ca bệnh gồm: Huyện Quốc Oai 110 ca; thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh 64 ca; phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa 36 ca; phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai 16 ca; đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm 4 ca và thôn Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức 8 ca.
Tại buổi làm việc, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ bố trí sớm, đủ 4,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho thành phố. Trong đó số liều vaccine để tiêm trả mũi 2 và số người dân trở về Hà Nội sau thời gian giãn cách dự kiến khoảng 2,7 triệu liều; số liều để tiêm cho trẻ em 12-18 tuổi khoảng 1,7 triệu liều.
Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế hướng dẫn về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện nay theo hướng dẫn mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng phù hợp và linh hoạt; tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, hướng dẫn cụ thể về tần suất và tỷ lệ thực hiện xét nghiệm sàng lọc nCoV với các nhóm đối tượng…
Hải Anh