+
Aa
-
like
comment

Phó thủ tướng: 5 điều ước của các thầy cô giáo sẽ được thực hiện

Hồng Anh - 16/11/2020 19:03

Tại buổi gặp 63 giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ vận động xã hội thực hiện 5 điều ước của các thầy cô.

Ông Vũ Đức Đam trò chuyện với cô giáo Hà Ánh Phượng, người vừa lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu /// Ảnh Bảo Anh
Ông Vũ Đức Đam trò chuyện với cô giáo Hà Ánh Phượng, người vừa lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu

Ngày 16.11, 63 thầy cô giáo dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 đã có buổi gặp Phó thủ tưởng Vũ Đức Đam tại trụ sở Chính phủ.

Buổi gặp có sự tham dự của anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và lãnh đạo Ủy ban Dân tộc miền núi, Bộ GD-ĐT.

Buổi gặp đã diễn ra trong không khí xúc động khi các giáo viên bày tỏ niềm vui được vào trụ sở Chính phủ và gặp Phó thủ tưởng để nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng rời ghế chủ tọa để đến tận nơi trao đổi với các thầy cô giáo.

Phó thủ tướng: 5 điều ước của giáo viên dân tộc thiểu số sẽ được thực hiện - ảnh 1
Anh Nguyễn Anh Tuấn báo cáo về chương trình tại buổi gặp

“Tôi chỉ ước trường học có nhà vệ sinh”

Tại buổi gặp, đa số các giáo viên đều phản ánh về những khó khăn, vất vả ở vùng dân tộc thiểu số. Rất nhiều giáo viên cho biết ở nơi mình giảng dạy học chưa có nhà vệ sinh, chưa có điện, chưa có nước sạch…

Cô giáo trẻ Vàng A De (dân tộc La hủ, ở H.Mường Tè, Lai Châu) bật khóc xúc động vì được gặp Phó thủ tướng. “Cháu học hết lớp 9 mới được ra huyện. Giờ được ra Hà Nội, lại được gặp bác để chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình…”, cô De nói và cho biết ở điểm trường cô dạy, cả giáo viên và học sinh đều không có nhà vệ sinh.

“Đồng bào thì gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự quan tâm đến giáo dục. Những năm trước, ngày nào cũng tôi cũng phải đi bản gọi từng cháu về, còn rửa mặt giặt quần áo cho các con. Lớp học thì vẫn còn là nhà tạm, nhà vệ sinh chưa có. Tôi chỉ ước trường học được xây dựng, có nhà vệ sinh”, cô chia sẻ.

Phó thủ tướng: 5 điều ước của giáo viên dân tộc thiểu số sẽ được thực hiện - ảnh 2
Nhiều thầy cô giáo chia sẻ về việc thiếu điện, thiếu nước, đặc biệt là trường lớp còn chưa kiên cố, thiếu đồ dùng dạy học

Cô giáo Phùng Thị Thủy (dân tộc Thái ở H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên) thì cho biết, nơi cô dạy là điểm trường xa nhất, không có sóng điện thoại, không có điện. “Cháu ở trường không liên lạc được với gia đình; phải mua sim quốc tế (sóng của Lào) gọi về gia đình một tuần 1 lần nhưng rất đắt”, cô Thủy kể.

Nhiều thầy cô chia sẻ về việc thiếu điện, thiếu nước, đặc biệt là trường lớp còn chưa kiên cố, thiếu đồ dùng dạy học.

Sẽ kêu gọi xã hội đồng hành cùng chương trình

Sau khi nghe chia sẻ của các thầy cô giáo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sẽ vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, 5 điều ước sẽ được thực hiện gồm: có điện sinh hoạt; có nhà vệ sinh; cải thiện bữa ăn; có đồ dùng học tập và sóng điện thoại.

Phó thủ tướng: 5 điều ước của giáo viên dân tộc thiểu số sẽ được thực hiện - ảnh 3
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến tận nơi để chia sẻ với các giáo viên

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, đại điện nhà tài trợ đã đồng hành với chương trình 5 năm qua, cho biết năm nay đã là năm thứ 6 chương trình được triển khai.

“Chúng tôi đến tận nơi gặp thầy cô vùng sâu vùng xa, nên rất thấu hiểu hoàn cảnh của các cô. Trong khả năng của mình, chúng tôi cũng nỗ lực hết sức có thể đồng hành với chương trình, để  giúp các quý thầy cô. Tập đoàn Thiên Long sẽ cố gắng kêu gọi các nhà tài tợ có tâm cùng hỗ trợ, đồng hành với chương trình”, ông Tâm nói.

63 giáo viên thuộc 26 dân tộc thiểu số được tuyên dương

Báo cáo tại buổi gặp, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, từ năm 2015 đến nay, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long cùng các đơn vị tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Sau 5 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 214 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu. Năm nay, chương trình tuyên dương các giáo viên người dân tộc thiểu số đang dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn… có thành tích trong công tác được chính quyền, phụ huynh học sinh và nhân dân ghi nhận.

Anh Tuấn cũng cho biết, 63 gương giáo viên được lựa chọn tuyên dương năm nay, thuộc 26 dân tộc thiểu số; có 6 giáo viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) là Bố Y, Lô Lô, La Ha, Sách (Chứt) của các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Bình.

Giáo viên nhiều tuổi nhất là thầy giáo Thạch Bình Thanh (dân tộc Khmer, 56 tuổi), giáo viên Trường tiểu học Thạch Thía (xã Loan Mỹ, H.Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Người trẻ tuổi nhất là cô giáo PiNăng Thị Hải (dân tộc Raglai, 24 tuổi), giáo viên Trường mầm non Phước Bình (xã Phước Bình, H.Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận).

Bài mới
Đọc nhiều