Phó Giám đốc Sở gặp nạn trên sông Thạch Hãn giải thích việc không mặc áo phao khi lên tàu
Ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, vẫn còn bàng hoàng sau giây phút sinh tử giữa sông Thạch Hãn…
Chiều 27.10, một ngày sau sự cố tàu chết máy làm 7 người mắc kẹt và 1 người mất tích trên sông Thạch Hãn (xã Hải Lệ, TX.Quảng Trị, Quảng Trị – Thanh Niên đã thông tin), những người trong cuộc đã có những trao đổi cụ thể về diễn biến vụ việc…
Theo ông Trần Ngọc Sơn, ngày 26.10, đoàn công tác của Sở GTVT do ông dẫn đầu có 2 nhiệm vụ thực hiện trên sông Thạch Hãn. Một là kiểm tra ứng phó với áp thấp nhiệt đới theo công điện trước đó của Bộ GTVT và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, đoàn cũng kết hợp kiểm tra, cấp lại giấy phép hoạt động bến thủy nội địa của Công ty TNHH MTV Sơn Dũng Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Nguyên Hà (gọi tắt Công ty Nguyên Hà), vốn đã hết hạn lần lượt từ ngày 8.9 và 2.10 (do TP.Đông Hà thực hiện Chỉ thị 16 nên Sở GTVT đã chậm cấp lại cho 2 doanh nghiệp này).
Thành phần của đoàn ngoài ông Sơn còn có ông Bùi Đức Thành (Phó phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông), ông Lê Xuân Thắng (Phó giám đốc Đoạn quản lý đường thủy nội địa, Sở GTVT), ông Trần Đình Minh (cán bộ Đoạn quản lý đường thủy nội địa).
Cũng theo ông Sơn, ban đầu đoàn chỉ kiểm tra ở trên bờ. Nhưng xét thấy đối với vùng nước trước bến và luồng vào bến của Công ty Nguyên Hà có hiện tượng bồi lấp (do ảnh hưởng các đợt lũ lụt vừa qua), để đảm bảo các điều kiện cấp phép lại phải kiểm tra đo đạc thêm độ sâu vùng nước trước bến đảm bảo an toàn việc ra vào, quay trở của phương tiện hoạt động tại bến.
“Để thuận lợi cho việc kiểm tra nhanh, sớm được cấp phép, phía doanh nghiệp đề nghị sử dụng phương tiện sẵn có tại khu vực bến tiến hành kiểm tra ngay hiện trường vùng nước trước bến (chiều rộng tính từ mép bờ sông chỉ 30 m) nên chúng tôi đã đồng ý lên tàu nhưng khi đi ra chỉ khoảng 3 – 4 là tàu đã chết máy, trôi trên sông”, ông Sơn kể.
Lý giải vì sao toàn bộ 8 người không sử dụng áo phao, ông Sơn cho biết vì khoảng cách từ bờ ra quá ngắn, việc kiểm tra ước tính chỉ mất vài phút nên anh em trong đoàn đã có sơ suất.
Kể về khoảnh khắc nhảy từ con tàu chết máy sang trụ bê tông, ông Sơn cho biết tất cả chỉ diễn ra trong vài chục giây đồng hồ. “Chúng tôi không có thời gian để suy nghĩ, mà cứ thế cùng nhau nhảy. Khi sang được trụ bê tông, chúng tôi đã nghĩ tất cả đã an toàn hết rồi. Nhưng khi thuyền viên báo anh Việt (ông Hoàng Đức Việt, 47 tuổi, Giám đốc Công ty Nguyên Hà – PV) đã mất tích thì chúng tôi đã rất sợ, rã rời…”, ông Sơn thuật lại.
Ông Bùi Đức Thành cho biết là người lớn tuổi nhất đoàn, cũng là người nhảy đầu tiên, nhưng ông thực sự rất hoảng. “Kể từ thời điểm được cứu (14 giờ 30 phút ngày 26.10) đến bây giờ (15 giờ 27.10 – PV), tôi không ngủ hoặc chỉ mê man. Không chỉ tôi mà cả mấy anh em đều bị sốc, mấy phút của khoảnh khắc bị trôi rồi nhảy cứ như tua đi tua lại trong đầu”, ông Thành kể.
Liên quan đến vụ việc này, ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, cho biết đoàn công tác của Sở đúng là có sơ sót, nhưng thực tế là anh em đang đi làm việc theo lịch trình đàng hoàng và cũng xuất phát từ mong muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sớm được cấp lại giấy phép bến thủy nội địa.
“Ngành giao thông chúng tôi quản lý cả đường bộ và đường sông. Ở Quảng Trị có 3 tuyến đường thủy nội địa được Cục Quản lý đường thủy (Bộ GTVT) ủy thác cho đơn vị quản lý. Việc kiểm tra, giám sát đường thủy trước và sau mưa bão là công tác thường xuyên, để nắm lại tình hình hình sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn giao thông. Sự cố xảy ra, đặc biệt là việc anh Việt mất tích đến giờ vẫn chưa tìm ra, làm chúng tôi rất buồn”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, Sở GTVT vẫn đang cho người vào cùng các lực lượng tổ chức tìm kiếm anh Việt, một mặt tìm đến nhà ông Việt để động viên gia đình. “Bản thân chúng tôi cũng phải động viên 4 cán bộ của Sở mình đang bị ảnh hưởng tâm lý nặng sau sự việc sống chết”, ông Hùng nói.
Mạnh An