Phó chủ tịch World Bank: Việt Nam thấy nhiều tia sáng sau đám mây
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở trong nước và thế giới, Việt Nam bất ngờ đón một người bạn quốc tế quen thuộc đến thăm. Đó là bà Victoria Kwakwa – phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và cựu giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam.
Đại dịch cho chúng ta cơ hội nhìn lại mình và tìm kiếm các giải pháp cũng như thực hiện các cải cách cần thiết để nâng cao sự cạnh tranh.
Phó chủ tịch WB Victoria Kwakwa
“Chúng tôi muốn thể hiện sự đoàn kết với Việt Nam trong thời điểm các bạn cần sự hỗ trợ và khích lệ từ chúng tôi” – bà Kwakwa, hiện phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho Tuổi Trẻ tối 29-6.
WB dự đoán Việt Nam tăng trưởng 4-5%
* Vì sao bà chọn thăm Việt Nam thời điểm này và theo hình thức “trực tiếp” chứ không phải “trực tuyến”?
– Tôi đến thăm Việt Nam để gặp gỡ các lãnh đạo mới của Việt Nam sau Đại hội Đảng XIII. Một lý do nữa là tôi muốn quay trở lại Việt Nam vì tình yêu với đất nước này. Đây là cơ hội tuyệt vời để kết nối với những người bạn cũ, các đối tác và các đồng nghiệp.
Chuyến thăm lần này diễn ra trong một thời điểm khó khăn khi Việt Nam đang vất vả chống đợt dịch lần 4. Theo tôi, bên cạnh các biện pháp xét nghiệm, truy vết, cách ly… vắc xin đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp Việt Nam quay trở lại quỹ đạo phát triển kinh tế mạnh mẽ như trước. Đó là lý do Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực ký hợp đồng với nhiều hãng dược khác nhau, cũng như huy động nguồn vắc xin từ cơ chế COVAX để bảo đảm nguồn cung vắc xin cho người dân.
Chiến lược tiêm chủng vắc xin, cụ thể là đẩy mạnh mua vắc xin và sản xuất vắc xin trong nước, đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế và duy trì mức tăng trưởng cao.
* Liệu mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Việt Nam đặt ra cho năm 2021 có còn khả thi trong bối cảnh Việt Nam đang hứng chịu hậu quả khốc liệt từ làn sóng dịch bệnh thứ 4?
– Mục tiêu này còn tùy thuộc vào các biến thể virus gây gián đoạn như thế nào cho nền kinh tế. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi dự đoán Việt Nam tăng trưởng khoảng 4-5% trong năm 2021. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất trên thế giới, nhất là các thiết bị điện tử. Hiện đang có nhu cầu lớn về thiết bị điện tử trên toàn cầu để hỗ trợ cho người dân làm việc từ xa trong đại dịch.
Dự đoán của chúng tôi cũng phụ thuộc lớn vào sự tiến triển của chiến lược tiêm chủng ở Việt Nam, bởi vì an toàn là yếu tố quan trọng để mở cửa lại nền kinh tế. Nhưng nhìn chung, chúng tôi lạc quan về các triển vọng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, dù đất nước các bạn đang đối diện làn gió ngược rất mạnh, đó là tác động của đại dịch COVID-19.
Ở lĩnh vực kinh tế vĩ mô, chúng tôi tin tưởng rằng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu đề ra về quản lý các chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để cung cấp các hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, mà không gây ra những gián đoạn kinh tế lớn.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc lại chính sách tiền tệ vì lãi suất hiện nay khá thấp. Các chính sách liên quan đến thâm hụt ngân sách cũng cần được chú trọng để bảo đảm sức chống chịu của nền kinh tế.
* Bà có tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp?
– Tôi nghĩ Việt Nam đang làm tốt, ít nhất là trong năm 2020. Năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chiến lược chống dịch vô cùng hiệu quả với các biện pháp xét nghiệm, truy vết, cách ly và điều trị, qua đó góp phần duy trì số ca nhiễm rất thấp và số ca tử vong ở mức zero trong một thời gian dài. Nhờ kết quả chống dịch tốt này, Việt Nam đã mở cửa phần lớn nền kinh tế.
Mục tiêu kép sẽ đạt được khi Việt Nam giữ số ca nhiễm thấp và kiểm soát tốt dịch bệnh. Như tôi nói, các biến thể mới của virus corona ngày càng hung hãn hơn và khó kiểm soát hơn. Vắc xin vẫn là biện pháp tối quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, bên cạnh các biện pháp như xét nghiệm, truy vết và cách ly.
Tôi nghĩ Việt Nam cần đón đầu nhu cầu tiêu dùng trở lại trên thế giới, đặc biệt ở hai thị trường lớn Mỹ và EU, nơi đang triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng rất hiệu quả. Ví dụ, ở Mỹ, nhu cầu tiêu dùng đang tăng mạnh trở lại, bao gồm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để gia tăng xuất khẩu sang các nước này.
Tôi cho rằng mục tiêu kép của Việt Nam vừa chống dịch vừa thúc đẩy kinh tế là khả thi và vắc xin đóng vai trò quan trọng để đạt mục tiêu kép này. Nếu Việt Nam thực hiện thành công chiến lược vắc xin, tôi không có lý do gì để nghi ngờ Việt Nam có thể mở cửa lại nền kinh tế và đạt được mục tiêu kép.
Các tia sáng sau đám mây
* WB có lời khuyên gì cho Việt Nam về việc thiết kế các gói cứu trợ phù hợp?
– Tôi nghĩ gói hỗ trợ phải mở rộng cho tất cả tầng lớp người dân và cho tất cả thành phần nền kinh tế: từ người yếu thế, phụ nữ, công ty vừa và nhỏ, các hộ gia đình cho đến các doanh nghiệp lớn… Ở hầu hết các nước, các chương trình an sinh xã hội đóng vai trò nền tảng để bảo vệ người dân trong dịch bệnh.
Trước hết, Việt Nam cần thiết kế các gói cứu trợ có thể “cứu sống” người dân một cách kịp thời (đặc biệt là những người yếu thế mất việc làm), kế đến là tăng cường hệ thống y tế để bảo đảm tất cả mọi người dân đều được điều trị.
Sau đó, các gói cứu trợ hướng đến doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp đóng cửa đồng nghĩa với nhiều người dân mất việc làm. Tôi nghĩ một trong những cách hữu ích và thiết thực nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể làm là hỗ trợ các doanh nghiệp trả lương một phần cho các công nhân, giúp các công nhân này giữ được công ăn việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Indonesia đang áp dụng cách hỗ trợ này, bước đầu mang lại hiệu quả. Ở nhiều quốc gia khác, họ áp dụng các biện pháp giảm và giãn nộp thuế cho doanh nghiệp.
Một điều quan trọng nữa, Việt Nam nên ứng dụng công nghệ để đưa gói cứu trợ đến người dân, doanh nghiệp kịp thời, thay vì làm theo các cách truyền thống. Vì rõ ràng ở nhiều nước có tình trạng chính quyền tuyên bố hỗ trợ người dân, doanh nghiệp rất nhiều nhưng việc triển khai các gói cứu trợ sau đó rất chậm chạp.
* Đại dịch rõ ràng đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi thành phần ở Việt Nam từ doanh nghiệp đến người dân. Tuy nhiên sau mỗi đám mây đều có các tia sáng. Theo bà, các “tia sáng” này là gì?
– Tôi thấy nhiều tia sáng đó chứ (cười). Bên cạnh các thách thức, chúng ta đều nhìn thấy nhiều cơ hội. Việt Nam đang là quốc gia hưởng lợi lớn trong bối cảnh dịch bệnh. Chẳng hạn, thế giới đang có nhu cầu lớn về các thiết bị điện tử và Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu về mặt hàng này.
Bên cạnh đó, do kiểm soát dịch bệnh tốt vào năm ngoái, Việt Nam đã nâng cao năng lực cạnh tranh và trở thành một địa điểm hấp dẫn thu hút nhiều nguồn vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài).
Ngoài ra, dịch bệnh là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, qua đó nâng cao năng suất lao động và bao trùm lên tất cả lĩnh vực. Tôi muốn đề cập đến thanh toán di động (mobile money). Dù còn một bộ phận lớn dân số ở Việt Nam chưa quen với thanh toán di động nhưng nếu chúng ta khuyến khích họ tham gia hình thức này, họ sẽ trở thành một phần của hệ thống ngân hàng. Đó là một ví dụ điển hình về chuyển đổi số. Ngoài thanh toán di động, chuyển đổi số cũng nên được đẩy nhanh ở các lĩnh vực sát sườn với người dân như các ứng dụng chăm sóc sức khỏe – y tế, các ứng dụng giáo dục.
Một “tia sáng” nữa là đại dịch cho chúng ta cơ hội nhìn lại mình và tìm kiếm các giải pháp cũng như thực hiện các cải cách cần thiết để nâng cao sự cạnh tranh.
Tôi cho rằng nếu tận dụng tốt những “tia sáng” này, Việt Nam sẽ phát triển lên một cấp độ mới.
* Bà đã có 5 năm làm việc ở Mỹ sau khi rời Việt Nam. Bà có nghe giới đầu tư – kinh doanh ở Mỹ nhận xét gì về câu chuyện Việt Nam không?
– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng cho thành công kinh tế của Việt Nam trong một vài thập niên qua. Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI, bao gồm các nguồn vốn từ Mỹ. Rất nhiều người ở Mỹ hiểu thêm về Việt Nam và rất nhiều người Mỹ quan tâm Việt Nam. Họ xem Việt Nam là một vùng đất cơ hội và tin rằng họ sẽ thu lại nhiều lợi ích từ các khoản đầu tư mà họ bỏ ra.
Dù vậy, cá nhân tôi cho rằng để trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn nữa, Việt Nam còn nhiều việc làm để cải thiện môi trường đầu tư, làm sao tạo điều kiện cho lĩnh vực tư nhân hoạt động dễ dàng hơn. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế.
Tôi nghĩ Diễn đàn kinh doanh Việt Nam (VBF), kênh đối thoại giữa chính phủ và lĩnh vực tư nhân, hằng năm là một kênh rất quan trọng để hai bên ngồi lại cùng nhau và tìm giải pháp cho các vấn đề khúc mắc.
Nhìn chung, góc nhìn của các nhà đầu tư về Việt Nam là tích cực. Cá nhân tôi chỉ góp ý chút rằng Việt Nam đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đang làm việc với Chính phủ Việt Nam để tìm các giải pháp tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia chủ động hơn vào lĩnh vực quan trọng này.
Việt Nam trong trái tim tôi
* Bà gắn bó với Việt Nam rất lâu, từ khi còn là chuyên gia kinh tế (năm 1993) và giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam (2009 – 2016). Việt Nam ở đâu trong trái tim bà?
– Việt Nam ở “khắp nơi” trong trái tim tôi (cười). Thật vui để quay trở lại thăm Việt Nam, kết nối lại với đất nước đã mang đến cho tôi nhiều điều tốt đẹp, giúp đỡ tôi rất nhiều. Câu chuyện phát triển của Việt Nam chưa được viết đầy đủ và nó đang được viết. Dù vậy Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu.
Đối với tôi, quãng thời gian gắn bó với Việt Nam thật tuyệt vời. Tôi dành rất nhiều tình cảm cho đất nước này. Ngoài ra, tôi cảm thấy biết ơn khi có công việc rất thú vị ở WB cũng như biết ơn khi có cơ hội làm việc với Việt Nam trong một thời gian dài.
Hỗ trợ nâng cao năng lực xét nghiệm
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28 đến 29-6, bà Victoria Kwakwa đã gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên – môi trường và thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Bà Kwakwa và các lãnh đạo Việt Nam đã thảo luận một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc phòng chống đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian gần đây, tư vấn về các chính sách phát triển ưu tiên hậu COVID-19, các vấn đề liên quan đến sử dụng ODA và vốn vay của WB.
Bà Kwakwa cho biết năm ngoái WB đã viện trợ Việt Nam 6 triệu USD để giúp chống dịch, chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực xét nghiệm. Hiện WB đang tiến hành nghiên cứu giúp Việt Nam nâng cao năng lực xét nghiệm hơn nữa.
Quỳnh Trung