Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam
Ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, khám xét nơi làm việc và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự. Cùng bị khởi tố còn có ba cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng UBND tỉnh.

Đây là bước tiến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Khoáng sản Thiên An Phát – doanh nghiệp bị cáo buộc có hành vi gian lận trong hồ sơ xin cấp phép khai thác khoáng sản. Theo kết luận ban đầu, một nhóm cán bộ có thẩm quyền tại tỉnh Thanh Hóa, đứng đầu là ông Giang, đã tiếp tay cho doanh nghiệp này bằng cách hợp thức hóa các thủ tục để “qua mặt” quy định pháp luật. Hệ quả là tài nguyên quốc gia bị khai thác trái phép, gây thất thoát nghiêm trọng ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo ra bất bình đẳng và méo mó trong môi trường đầu tư tại địa phương.
Ông Lê Đức Giang sinh năm 1973, từng giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa từ tháng 12/2020. Việc ông bị bắt khi đang đương chức cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, cũng như quyết tâm xử lý triệt để của các cơ quan điều tra.
Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng lạm quyền và móc ngoặc giữa một số cán bộ địa phương với doanh nghiệp để trục lợi tài nguyên. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang triển khai mạnh mẽ việc chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy và thực hiện cải cách thể chế, những trường hợp như vậy không còn là “cá biệt” được bỏ qua, mà là đối tượng cần xử lý nghiêm minh để răn đe, làm gương.
Việc xử lý cán bộ cấp tỉnh cũng gửi đi một thông điệp rõ ràng: không có “vùng cấm” hay “ngoại lệ” trong phòng, chống tham nhũng. Những ai lợi dụng chức quyền để phục vụ lợi ích nhóm, đẩy rủi ro về phía Nhà nước và nhân dân, sẽ bị pháp luật xử lý tới nơi tới chốn.

Đồng thời, đây cũng là bước đi cần thiết để khôi phục niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự liêm chính của bộ máy công quyền. Một thị trường minh bạch không thể hình thành nếu các thủ tục hành chính vẫn bị thao túng bởi nhóm lợi ích – điều mà vụ án Thiên An Phát và những người “chống lưng” tại Thanh Hóa đã cho thấy một cách rõ ràng.
Trong bối cảnh toàn quốc đang đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy, sắp xếp tổ chức chính quyền hai cấp, sửa đổi Hiến pháp và hoàn thiện thể chế pháp luật, thì việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ – đặc biệt là ở cấp tỉnh – là yêu cầu cấp bách. Không chỉ để phòng chống tham nhũng, mà còn để tạo nền tảng công bằng, liêm chính và hiệu quả cho một giai đoạn phát triển mới.
Ngọc Lâm