+
Aa
-
like
comment

Phó chủ tịch TP.HCM yêu cầu không chặt cây bừa bãi

28/05/2020 20:34

Phó chủ tịch TP.HCM chỉ đạo rà soát cây xanh trong thành phố. Trong khi đó, chuyên gia cho rằng cây phượng lớn không phù hợp với khu vực công cộng đông người, sân trường.

“Vấn đề chặt cây nào, giữ cây nào phải để chuyên gia, người có chuyên môn khảo sát. Cái gì cũng phải hợp lý, khoa học mới làm. Thành phố đang thiếu cây xanh, mảng xanh rất quan trọng”, ông Dương Anh Đức (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) nói với PV sau vụ cây phượng đổ ở trường THCS Bạch Đằng.

Phó chủ tịch TP cho biết đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát kỹ cây xanh, không chặt bừa bãi. Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Xây dựng để kiểm tra, rà soát cây xanh toàn thành phố, trước hết làm ở quận 1 và quận 3.

Ông Đức khẳng định điều quan trọng là phải làm thực chất, để xem cây nào không đáng tồn tại thì hủy, cây nào củng cố được thì phải giữ. Việc này dựa trên khảo sát của cơ quan chuyên môn để thực hiện cho hợp lý.

Pho chu tich TP.HCM yeu cau khong chat cay bua bai hinh anh 1 38a7b6420bebf1b5a8fa.jpg
Cây phượng bật gốc đè nhiều học sinh THCS Bạch Đằng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên, cho rằng cây trồng ở đường phố, nơi công cộng thì ngoài yếu tố thẩm mỹ, cần chọn loài rễ chắc chắn, ăn sâu vào lòng đất. Thân và cành dẻo dai, có khả năng chống đỡ với gió bão, mưa nắng.

“Phượng không có khả năng này. Cây phượng rất giòn, dễ gãy cành. Khi trồng mà đánh cây lớn, cắt gọt rễ và đào hố nhỏ xung quanh toàn xi măng, bê tông thì bộ rễ khó ăn sâu, bám chắc nên dễ ngã đổ”, ông Lượng lý giải.

Nói về việc trồng cây phượng trong đô thị, ông Lượng nhận định tốt nhất không trồng giữa chỗ đông người. “Theo tôi, không nên trồng giữa sân trường. Có thể trồng các cây khác khả dĩ hơn như cây bàng, cây sấu…”, chuyên gia kiến nghị.

Đối với các cây phượng lâu năm, ông Lượng cho rằng cây quá già phải có kế hoạch trồng thay thế, cây còn khoẻ thì phải cắt tỉa cành để đỡ nặng tán, dễ đổ gãy.

Theo ông, kỹ thuật trồng và vị trí trồng rất quan trọng. Khi cây già, dễ đổ gãy phải cắt, tỉa kịp thời. Cụ thể, vị trí trồng mà giữa sân hoặc nơi đông người thì không an toàn, đặc biệt với cây già.

Nếu trồng ở đô thị ven đường và trường học thì phải chọn cây khống chế chiều cao, cắt tỉa hàng năm, kiểm tra cây già… Ông lấy ví dụ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, họ chỉ chọn cây thấp, có chiều cao khoảng dưới 10 m để trồng ven đường.

Pho chu tich TP.HCM yeu cau khong chat cay bua bai hinh anh 2 100099800_2986826281398881_6958025896317943808_n.jpg
Một cây phượng có đường kính hơn 1 m vừa ngã đổ sáng 28/5 trong một sân trường ở Tây Nguyên. Ảnh: T.N.

Còn theo ông GS.TS Trần Hữu Viên, nguyên Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, phượng là loài rễ chùm, khó đâm sâu xuống đất nên dễ gãy đổ nếu không gian sinh trưởng bị bó hẹp. Ở đô thị, việc đẩy mạnh hạ ngầm đường dây nổi, xây dựng công trình ngầm, quá trình bê tông hóa đều ảnh hưởng sự sinh trưởng của cây.

Về giải pháp cho cây lâu năm hiện tại, ông Viên lấy ví dụ Hải Phòng được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ. Để đảm bảo an toàn khi có nhiều cây cổ thụ cong nghiêng, họ dùng cọc sắt để nâng đỡ cây, hạn chế nguy cơ gãy đổ.

Tuy nhiên, ông Viên nhấn mạnh điều quan trọng vẫn là rà soát kỹ những cây già cỗi để thay thế, đảm bảo an toàn cho người dân.

Hiện, việc quản lý cây xanh đang căn cứ trên Nghị định của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị. Dựa trên 2 quy định này, năm 2013, TP.HCM đã có quyết định về danh mục cây cấm trồng và hạn chế trồng trên đường phố ở địa bàn này.

Trong danh mục 5 cây cấm trồng và 23 cây hạn chế trồng, không có quy định nào về cây phượng.

Thu Hằng/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều