Phó Chủ tịch TP.HCM lên tiếng về chuyện “lu chống ngập”
“Từ hình tượng cái lu mình có thể chuyển sang với thành phố là có thêm nhiều hồ điều tiết trong các khu dân cư” – ông Hoan nói.
Sáng 13/7 trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp HĐND đang diễn ra, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã có ý kiến về đề xuất dùng lu giảm ngập do mưa của đại biểu Phan Thị Hồng Xuân. Ông Hoan hiện phụ trách lĩnh vực đô thị của thành phố, trong đó có lĩnh vực chống ngập.
“Ý của chị Xuân là hình tượng hóa, tôi nghĩ vì không có thời gian nên chưa nói được hết ý. Thật ra, từ hình tượng cái lu mình có thể chuyển sang với thành phố là có thêm nhiều hồ điều tiết trong các khu dân cư” – ông Hoan nói.
“Ý là tốt nhưng diễn dịch chưa tới, nhưng từ đó có thể hình dung ra các công trình trong khu đô thị mới nên phát triển những hồ nước, vừa tạo ra cảnh quan để điều tiết khí hậu, nhiệt độ và giảm ngập. Vì thời gian không có nên Xuân không nói hết, chúng ta nên thông cảm” – ông nhận định.
Trước đó trong phiên thảo luận chiều 13/7 bà Phan Thị Hồng Xuân đã có đóng góp về giải pháp chống ngập do mưa.
“Theo góc nhìn của khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi thấy rằng có thể khai thác một số giá trị ở cộng đồng địa phương, để ứng dụng hiệu quả ở các đô thị. Hiện nay các nhà ở nông thôn thì trước sân thường có những cái lu to đựng nước với nhiều tính năng, trong đó có chứa nước mưa. Qua kinh nghiệm các quốc gia cũng như trong khu vực, người ta sử dụng lu này để chứa nước mưa với mục đích giảm ngập. Nên chăng chúng ta cũng suy nghĩ về biện pháp đó để chính quyền thành phố – bên cạnh các giải pháp công trình, phi công trình thì có thể ứng dụng từ văn hóa bản địa, trang bị cho mỗi nhà dân hoặc một cộng đồng những cái lu to như vậy, và mỹ thuật chút xíu để bà con phấn khởi, để có thể hứng bớt lượng mưa, điều đó góp phần giảm ngập do mưa” – đại biểu Xuân đề xuất.
Đối mặt với các ý kiến chế diễu biện pháp này, bà Xuân cho biết “rất buồn”, tuy nhiên bà sẽ không giải thích phản ứng lại với cộng đồng mạng.
“Cái lu là tôi dung từ dân gian cho dễ hiểu, cũng vì thời gian tranh luận ngắn nên khó trình bày hết ý của mình” bà nói, và cho hay trong một cuộc họp bà tham dự Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết họ đã áp dụng rất thành công tại Tokyo. Tôi từng tới Philippines, ở đó người dân đặt một thùng nước trên xe ba bánh. Khi nhà ngập nước nội bộ người ta sẽ cắm vòi hút nước chứa tạm vào thùng đó, khi hết mưa, hết ngập họ lại dùng chính nước đó để rửa, tưới tiêu cây vườn” – và Xuân cho hay.
“Tuy nhiên, buồn nào rồi cũng qua, mình nói với cái tâm, dùng từ dân gian cho dễ hiểu chứ nếu có thời gian diễn đạt đúng ý sẽ khác” – bà tiếp tục. Theo đó ý của bà là mỗi nhà có một bể chứa tùy diện tích để chống ngập tạm thời.
“Mình sẽ không phản ứng lại mạng xã hội hay ai đó giễu cợt mình, vì sẽ có người hiểu, có người không hiểu, càng giải thích thì câu chuyện có thể sẽ càng đi sâu, đôi khi chẳng hay ho gì” – bà bày tỏ.
(Theo Infonet)