Phó Chủ tịch Hà Giang dự tòa vụ sửa điểm thi: Đau!
Ông Quý thấy đau trong lòng khi phải đến tòa trong vụ xét xử gian lận điểm thi, nhưng vì mong muốn được xử nghiêm nên quyết tâm tới.
Ngày 18/9/2019, phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang đã phải tạm hoãn vì vắng tới 122 nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, có 62 người vắng mặt không lý do.
Trong số những cán bộ được TAND tỉnh Hà Giang triệu tập đến phiên tòa với tư cách là người làm chứng, có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Theo giấy mờ, đúng 7h30 sáng ngày 18/9/2019, ông Quý có mặt tại trụ sở TAND tỉnh Hà Giang làm các thủ tục để tham dự phiên tòa.
Chia sẻ với Đất Việt, ông Quý cho biết: “Khi tới tham dự phiên tòa, bản thân tôi cũng cảm thấy đau lắm! Nhưng vì trách nhiệm, mong muốn sự việc sớm được làm sáng tỏ, xét xử nghiêm minh nên mình vẫn trực tiếp tới, quyết không né tránh trách nhiệm”.
Ông Quý là người đứng đầu tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Sau khi vụ gian lận điểm thi bị phát hiện, ông Quý nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.
Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nói: “Kỷ luật thì cũng đã kỷ luật rồi, mình có làm chưa tốt trước nhiệm vụ được giao thì chuyện kỷ luật cũng là điều dễ hiểu. Chỉ có điều sau kỷ luật đó mình cố gắng hơn, làm điều gì tốt nhất để khắc phục, sớm cho sáng tỏ vấn đề.
Còn trách nhiệm thuộc về mình thì mình nhận… Tôi gắn bó với Hà Giang 31 năm, cũng có nhiều lúc mệt mỏi nhưng luôn cố gắng hết khả năng của mình”.
Chính vì thế, với cương vị một Phó Chủ tịch UBND tỉnh có nhiều việc ở cơ quan phải xử lý, cũng chẳng cảm thấy vui vẻ gì nhưng ông Quý vẫn đến tòa sáng ngày 18/9 với “trách nhiệm” của một người làm chứng theo giấy triệu tập của tòa.
Ngày 16/9/2019, TAND tỉnh Sơn La cũng phải tạm hoãn phiên xét xử liên quan đến vụ gian lận điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018 diễn ra trên địa bàn vì 75 nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đến tham dự tòa theo giấy triệu tập.
Nói về việc này, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ, cần phải buộc các cán bộ này làm giải trình để làm rõ lý do vắng mặt của từng người.
Từ đó mới có cơ sở để kết luận người bị triệu tập không đến tòa có vi phạm hay không, mức độ vi phạm như thế nào mới có thể đưa ra mức kỷ luật đích đáng.
Theo ông Hùng, dù là cán bộ công chức nhà nước hay người dân bình thường thì cũng đều phải sống và làm việc theo các quy định của pháp luật.
Khi có giấy triệu tập của tòa án, điều đó chứng tỏ người được triệu tập có liên quan đến vụ việc, sự có mặt của người bị triệu tập ở tòa sẽ giúp cho việc xét xử diễn ra công bằng, đúng người, đúng tội.
Đặc biệt với người bị triệu tập là Đảng viên, cán bộ làm trong bộ máy chính quyền Nhà nước thì phải nêu gương, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.
“Trong bộ máy chính quyền của chúng ta có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Vì thế, để làm rõ nguyên nhân cán bộ bị triệu tập đến phiên tòa nhưng không đến mà không có lý do là điều không khó” – ông Hùng nói.
Vân Nam/Đất Việt