+
Aa
-
like
comment

Phim Trung Quốc xuyên tạc lịch sử khiến khán giả Việt Nam phẫn nộ

06/10/2021 13:53

“Bộ đội vương bài” của Trung Quốc xuyên tạc sự thật lịch sử cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam khiến khán giả Việt Nam lên tiếng phản đối.

Cảnh phim “Bộ đội vương bài”. Ảnh: Manmanyu

Ngày 6/10, tài khoản Ali viết trên Douban – diễn đàn phim lớn nhất Trung Quốc – về Bộ đội vương bài: “Phim không phản ánh đúng lịch sử, xuyên tạc thông tin về Việt Nam”. Trước đó, một số blogger phim ảnh Trung Quốc tóm tắt nội dung phim, tài khoản Yundanfengqing – với gần 15.000 fan – viết: “Phim lấy bối cảnh thập niên 1980, quân đội Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có ý đồ với lãnh thổ Trung Quốc, phát động các cuộc xâm lấn Trung Quốc ở biên giới. Trước tình hình đó, năm 1979, Trung Quốc phát động cuộc phản công tự vệ”.

Nhiều người Việt phản bác Yundanfengqing, tài khoản Nguyễn Thanh Ngân 2412 viết: “Bạn nói không đúng lịch sử, sai lệch thông tin. Phim này dù đầu tư thế nào cũng cần tẩy chay”. Nguyễn Thanh Ngân viết thêm: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Tài khoản Diệp Hạ Nhiên bình luận: “Bạn không đọc lịch sử sao, vì sao viết sai lệch nghiêm trọng như vậy?”. Minh Anh220824 viết: “Ngừng bóp méo lịch sử. Tôi luôn tự hào là người Việt Nam. Hãy đọc sách trước khi viết”.

Theo trang lcyu, trailer và poster cho thấy phim dành thời lượng lớn nói về cuộc chiến ở biên giới phía Bắc của Việt Nam. Còn theo trang Manyanu, phim nói về “lính Trung Quốc trong cuộc chiến phản công tự vệ trước Việt Nam”. Nhiều khán giả chỉ ra chi tiết phục trang diễn viên mặc trong trailer trùng phục trang lính Trung Quốc thời kỳ nước này tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979.

Trên các diễn đàn ở Việt Nam, nhiều người cho biết tẩy chay mạnh mẽ dù phim có các diễn viên nổi tiếng tham gia, như Hoàng Cảnh Du, Tiêu Chiến, Chung Sở Hi… Phim quay năm 2020, đã phát hành trailer song chưa công bố thời gian phát sóng.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải, cựu chiến binh Sư đoàn 356, đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên (Hà Giang) những năm 1984-1989, nói: “Cuộc chiến của chúng ta là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, chống quân Trung Quốc xâm lược. Mọi nội dung nói khác như thế đều là bịa đặt. Bằng cách nào đó, họ cố tình lật ngược lịch sử, đó là ý đồ của họ”.

Ông đánh giá giới trẻ hiện nay nhận thức rõ về chủ quyền dân tộc. “Họ hơn chúng tôi vì có điều kiện tiếp cận thông tin, tận dụng những phương tiện thông tin để lan tỏa chính kiến, lan tỏa sự thật và chân lý. Tôi tin vào thế hệ trẻ. Cứ khi nào hướng đến hai từ “Tổ quốc”, tự khắc mỗi người chúng ta sẽ hành động có nghĩa cùng nhau và cảm thấy mình mạnh mẽ. Tình yêu tổ quốc không cần những lời dạy giáo điều”, cựu binh nói.

Là nghệ sĩ, Trương Quý Hải kể những câu chuyện chiến trường bằng âm nhạc, lan tỏa tình đồng đội, tình yêu thương đồng bào. Hàng năm, ông đều cùng các cựu chiến binh tưởng nhớ đồng đội tại nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang.

Rạng sáng 17/2/1979, hơn 600.000 quân Trung Quốc đồng loạt tấn công biên giới sáu tỉnh phía Bắc của Việt Nam. Các lực lượng vũ trang, dân quân và đồng bào dân tộc biên giới chiến đấu tại chỗ, buộc họ rút khỏi Việt Nam vào ngày 18/3. Song Trung Quốc không hoàn toàn rút quân mà vẫn duy trì lực lượng ở biên giới, quấy phá lãnh thổ Việt Nam khiến cho chiến sự tiếp diễn suốt 10 năm sau đó.

Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) từ những năm 1981 đã không ngơi tiếng súng, khi quân Trung Quốc bắt đầu quấy nhiễu bằng những trận đạn pháo. Cuối tháng 4/1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều vị trí dọc biên giới Hà Giang. Bộ đội Việt Nam tổ chức Chiến dịch MB 84 phản công nhằm giành lại các vị trí. Những năm 1984 – 1985, hai bên giành nhau quyết liệt một số cao điểm. Đến năm 1988, tình hình biên giới dần lắng dịu khi hai bên chủ động rút dần quân.

Theo thống kê của Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến 1989 hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, hơn 2.000 liệt sĩ đến nay chưa tìm thấy hài cốt.

Nghinh Xuân

Bài mới
Đọc nhiều