Tổng thống Philippines: Thỏa hiệp khai thác dầu khí với Trung Quốc là ‘có lợi’
Trong bối cảnh Tổng thống Rodrigo Duterte sắp thăm Trung Quốc, người phát ngôn của ông mới đây đánh tiếng rằng việc Manila chia sẻ nguồn tài nguyên trên biển với Trung Quốc theo tỉ lệ 60-40 là hợp lý.
Bất chấp đề xuất thỏa thuận khai thác chung dầu khí chung với Trung Quốc vấp phải nhiều tranh cãi và phản đối tại Philippines, người phát ngôn Salvador Panelo cho rằng đây có thể là một giải pháp cho tranh chấp với Bắc Kinh.
“Rõ ràng là hai nước đều không lùi bước, vì vậy điều tốt nhất là đồng ý sử dụng tài sản đó có lợi cho cả hai bên” – đài ABS-CBN ngày 11-8 dẫn lời ông Panelo nói.
Người phát ngôn Philippines cho rằng đề xuất tỉ lệ chia sẻ 60-40, trong đó Manila được phần nhiều hơn, là “có lợi cho chúng ta”. Trước đó, ông cũng tiết lộ ông đồng ý với phương án 60-40.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Philippines vào tháng 11-2018, hai bên đã ký bản ghi nhớ khai thác dầu khí chung ở khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Tuy nhiên nhiều chuyên gia Philippines đã chỉ trích việc hợp tác khai thác với Trung Quốc, nhất là trong EEZ vốn là của riêng Philippines.
Ông Duterte đang chuẩn bị thăm Trung Quốc vào cuối tuần này và đã hùng hồn tuyên bố sẽ đem phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 ra nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, ông Panelo ngày 11-8 nhấn mạnh đến việc đàm phán với “người bạn” Trung Quốc bởi phán quyết chưa phải là tất cả.
“Điều chúng ta không thể có được từ phán quyết, chúng ta có thể đạt được bằng việc đàm phán với Trung Quốc, đặc biệt là khi chúng ta là bạn bè. Bạn bè thì thường có qua có lại” – ông nói.
Tòa trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ngày 12-7-2016 xác định: “không thực thể nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra những vùng biển mở rộng…”, bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây là phán quyết có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan là thành viên công ước, và là một tiền lệ có lợi không chỉ cho Philippines mà còn cho cộng đồng khu vực và quốc tế.
Dù vậy, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này trong bối cảnh các bên đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
“Thử hỏi còn lại gì để các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền đàm phán nếu Trung Quốc tiếp tục tiếp tục kiểm soát lối vào các bãi đánh cá và thăm dò hydrocarbon” – chuyên gia Carl Thayer nói.
(Theo Tuổi Trẻ)