+
Aa
-
like
comment

Philippines tan hoang vì siêu bão Noru

Bảo Trâm - 26/09/2022 14:29

Siêu bão Noru đã tàn phá đảo chính Luzon của Philippines, khiến 5 nhân viên cứu hộ thiệt mạng và hàng triệu người phải sống trong tình cảnh mất điện, thiếu thức ăn.

Một khu vực ở huyện San Miguel, tỉnh Bulacan hứng chịu trận lụt sau bão.

Được biết, bão Noru là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Siêu bão Noru (tên địa phương là Karding) vừa đổ bộ vào đô thị Burdeos trên quần đảo Polillo, một phần của tỉnh Quezon – Philippines lúc 17 giờ 30 phút chiều 25/9 (giờ địa phương), theo Cơ quan dự báo thời tiết Philippines.

Đồng thời, siêu bão này cũng tấn công đảo Luzon, nơi tập trung đông dân cư, bằng gió mạnh và mưa lớn, buộc hàng trăm người phải rời bỏ nhà cửa. Vận tốc gió đạt 195 km/h khi Noru đổ bộ đất liền.

Hàng triệu người dân Philippines sơ tán tránh bão.

Cảnh sát trưởng Philippines Rodolfo Azurin kêu gọi cư dân sống trong các khu vực nguy hiểm tuân thủ yêu cầu sơ tán bất cứ khi nào cần thiết. Siêu bão Noru đổ bộ khu vực cách thủ đô Manila khoảng 100 km về phía Đông Bắc.

Trước đó, Reuters đã dẫn lời các quan chức Philippines cho biết cư dân tại các khu vực ven biển Philippines đã được sơ tán, đồng thời ngư dân bị cấm ra khơi trong ngày 25/9.

Philippines đã ban bố cảnh báo khẩn cấp ở mức cao nhất sau khi Noru đột ngột mạnh lên thành siêu bão vào sáng 25/9.

Người dân sơ tán khỏi những ngôi nhà ngập nước sau siêu bão Noru ở San Ildefonso. Ảnh: AP.

Theo Trung tâm Cảnh báo bão liên hợp Mỹ, từ một cơn bão với sức gió 140 km/h, Noru trở thành siêu bão với sức gió 250 km/h chỉ trong 6 giờ. Còn cơ quan khí tượng Philippines cho hay sức gió của Noru tăng thêm 90 km/h trong vòng 24 giờ.

Vào chiều tối 24/9, sức gió của Noru tăng từ 120 km/h lên 185 km/h. Đến khi đổ bộ vào chiều tối 25/9, siêu bão có thể có sức gió từ 185-205 km/h. Chuyên gia dự báo thời tiết Robb Gile nhận xét sự “bùng nổ” của Noru khi đã áp sát đất liền là “chưa từng có tiền lệ”.

Khung cảnh hoang tàn sau trận bão.

Sau khi bão Noru rời đất liền Philippines rạng sáng 26/9, một số khu vực tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang chịu cảnh ngập lụt, mất điện, buộc nhiều người phải đi sơ tán.

Theo báo cáo của cảnh sát địa phương, những người thiệt mạng đã được vớt lên từ một khu vực bị ngập lụt ở tỉnh Bulacan, phía bắc Manila.

Bộ trưởng Năng lượng Philippines Raphael Lotilla cho biết toàn bộ các tỉnh Nueva Ecija và Aurora, phía bắc thủ đô Manila – nơi có khoảng 2,5 triệu dân – đang sống trong cảnh không có điện.

Người dân được cứu trợ lương thực.

Ông Lotilla cho biết máy phát điện sẽ được gửi đến những khu vực này. Hơn 74.000 cư dân đã phải rời bỏ nhà cửa do cơn bão.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã tuyên bố tạm dừng công việc của văn phòng chính phủ và đóng cửa các lớp học trong ngày 26/9 do bão Noru. Lệnh dừng công việc được áp dụng trên toàn khu vực Luzon, nơi chiếm hơn 2/3 nền kinh tế và khoảng một nửa dân số 110 triệu người của đất nước, theo Reuters.

Cùng ngày, giới chức hàng không thông báo hủy thêm 2 chuyến bay quốc tế và 39 chuyến bay nội địa do thời tiết xấu gây ra bởi cơn bão, theo tờ Philippine Star.

Thiếu lương thực, mất điện là tình trạng hàng triệu người đang phải chịu sau khi siêu bão quét qua.

Bão đã di chuyển khỏi hòn đảo chính Luzon và hiện lực lượng chức năng cùng người dân đang bắt đầu dọn dẹp sau khi nước lũ bắt đầu rút.

Siêu bão Noru cũng khiến nhà cửa và ruộng lúa bị ngập lụt. Bộ Nông nghiệp Philippines trước đó cho biết 3/4 diện tích lúa đang trồng của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi cơn bão trước khi thu hoạch, gây thêm rủi ro về nguồn cung lương thực và lạm phát.

Philippines là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước lũ lụt và bão, theo bảng xếp hạng của Fitch Ratings. Bộ Tài chính nước này cho biết vào năm 2021, trung bình có 20 cơn bão đi qua Philippines, và các hiểm họa liên quan đến khí hậu gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.

Bảo Trâm (Theo Reuters, Straitimes, Bloomberg)

Bài mới
Đọc nhiều