Philippines quyết tuần tra Biển Đông bất chấp tàu hải cảnh Trung Quốc “bủa vây”
Manila khẳng định, sự hiện diện ngày càng nhiều của các tàu hải cảnh Trung Quốc ở biển Tây Philippines sẽ không thể ngăn cản quân đội nước này tiến hành tàu tuần tra.
Hôm nay (4/10), tờ Philstar đưa tin, sự hiện diện ngày càng nhiều của các tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không thể ngăn cản Các Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) tiến hành tuần tra ở biển Tây Philippines, khu vực Manila dùng để gọi một phần phía đông của Biển Đông.
Theo AFP, hoạt động tuần tra nhằm theo dõi và thực thi pháp luật đặc biệt là xung quanh nhóm đảo Kalayaan (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Còn trong năm nay, ít nhất các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động tiếp tế của Bộ Tư lệnh miền Tây (WesCom) thuộc AFP và luân chuyển quân tại 9 tiền đồn của Philippines ở nhóm đảo Kalayaan.
“Do có nhiều tàu nước ngoài (Trung Quốc) hiện diện ở biển Tây Philippines, những hoạt động hàng hải thiếu thân thiện sẽ còn tái diễn”, một quan chức an ninh cấp cao Philippines giấu tên nói.
Theo vị quan chức Philippines, WesCom vẫn sẽ quyết tâm và tiếp tục thực hiện hoạt động tuần tra thường xuyên ở Biển Đông.
“Chúng ta có người để duy trì một biệt đội ngoài đó. Chúng ta sẽ cung cấp lương thực, nước uống và thuốc men thông qua hoạt động tiếp viện bằng đường biển hoặc đường không”, quan chức Philippines nói thêm.
Trước đó hôm 3/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong cho biết, AFP sẽ chắc chắn duy trì sự hiện diện tại bãi Cỏ Mây (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và 8 đảo nhỏ khác trên Biển Đông.
“AFP đảm bảo hoạt động tuần tra và duy trì sự hiện diện tại bãi Cỏ Mây cũng như các thực thể khác mà Philippines chiếm đóng ở Biển Đông”, ông Andolong nhấn mạnh.
Trong báo cáo gần đây nhất, Wescom cho biết lực lượng này đã phát hiện một tàu hải cảnh của Trung Quốc hoạt động cách bãi Cỏ Mây khoảng 10 hải lý.
“Chúng tôi luôn quan tâm đến sự di chuyển của các tàu trong khu vực và báo cáo tất cả sự hiện diện của tàu nước ngoài cho lực lượng đặc nhiệm trên biển cùng Bộ Ngoại giao để đưa ra hành động thích hợp”, ông Andolong cho hay.
Trong khi đó, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Philippines Noel Clement tuyên bố, vấn đề tranh chấp hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc nên được giải quyết bằng con đường ngoại giao chứ không phải quân sự.
“Chúng tôi ở đây không phải để đối đầu. Chúng tôi không đối đầu với bất cứ quốc gia nào. Tôi biết có nhiều hoạt động vi phạm và nhiều mối lo ngại. Điều quan trọng là chúng tôi sẽ báo cáo và xử lý các vi phạm này theo phương thức ngoại giao”, ông Clement nhấn mạnh.
Vào cuối ngày 2/10, thông qua Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines gửi ngay công hàm phản đối tới Trung Quốc.
Nguyên nhân do trước đó, các tướng và quan chức quân sự Philippines đã báo cáo lên chính phủ về loạt hoạt động mới của lực lượng tàu hải cảnh Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây.
AP đưa tin chia sẻ trên Twitter, Bộ trưởng Locsin viết, “Chẳng nhẽ tôi lại phải bay về nước để tự gửi công hàm phản đối? Đây là quân đội thông báo. Không phải thông tin từ hãng truyền thông dân sự. Gửi ngay lập tức!”.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.
Minh Thu / Infonet