+
Aa
-
like
comment

Phiên tòa lớn nhất lịch sử ngành tư pháp Việt Nam

21/02/2024 18:09

Phiên xét xử sơ thẩm vụ án tại Công ty Alibaba từng gây ấn tượng mạnh với khoảng 5.000 người dự kiến tham gia, trong đó có gần 4.500 bị hại thì phiên xét xử sắp tới đây liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và bị cáo Trương Mỹ Lan cũng không hề kém cạnh với hơn 2.400 người được triệu tập.

Thế nhưng, so các con số như số lượng bị cáo bị truy tố, số lượng hồ sơ tài liệu vụ án và đặc biệt là số tiền thiệt hại thực tế thì đây có thể được xem là một trong những phiên tòa lớn nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam.

Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt.

Những con số khổng lồ

Ngày 5/3 TAND TPHCM sẽ xét xử bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

85 bị cáo còn lại gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. 5 người trong số này là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn.

Trong đó, 14 người bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình gồm: bà Lan và 11 đồng phạm bị truy tố về tội Tham ô tài sản, theo khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015; bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II (cục II) thuộc Ngân hàng Nhà nước, bị truy tố tội Nhận hối lộ, theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến vụ án, hai bị can khác là Sun Henry Ka Ziang, quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB; Lam Lee George, quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB, cũng đang bỏ trốn, được tách riêng hành vi để điều tra sau.

Nhóm 7 lãnh đạo cấp cao của SCB đang bị truy nã. Bị can Sương, Thành, Vũ, Tồn, Ziang, George, Dũng (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới).

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 29/4, gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Trong đó, riêng bà Lan có 5 luật sư. Bị cáo Nguyễn Cao Trí có 7 luật sư bào chữa; 5 bị cáo đang bỏ trốn đều có luật sư bào chữa.

Ngoài ra, HĐXX triệu tập hơn 2.400 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chia thành 5 nhóm gồm: nhóm các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền (1.153 người); các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người ); các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người).

Trong vụ án có bị cáo Chu Nap Kee Eric (chồng bà Lan) quốc tịch Trung Quốc, nên tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch.

6 tấn tài liệu vụ án Vạn Thịnh Phát được để ở phòng riêng có gắn camera theo dõi cho các luật sư sao chụp, trước phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2011, bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân. Bà Lan sử dụng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.

Tuy không có chức vụ gì tại SCB, song với việc sở hữu 91,5% cổ phần của SCB thông qua nhiều cá nhân, bà Lan nắm quyền tuyệt đối, chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng cán bộ chủ chốt ở Vạn Thịnh Phát rút tiền của SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống, có khi chỉ đạo rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau.

Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm của bà Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.

Đến năm 2022, nhóm của bà Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị phát hiện sai phạm, bà Lan đã chỉ đạo cán bộ ở SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty “ma”, sau đó thực hiện rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Giai đoạn 2012 đến 2017, bà Lan đã chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản. Đến năm 2022 các khoản vay này còn dư nợ hơn 132 tỷ đồng gồm gốc và lãi. Sau khi cấn trừ vào số tài sản đảm bảo các khoản vay này gây thiệt hại 64.600 tỷ đồng.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Như vậy, tổng cộng, bà Lan gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, giúp nhà băng thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra. Bà Lan bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, số tiền 5,2 triệu USD

Nỗ lực của cơ quan điều tra

Đây là vụ án có tổ chức, điển hình xảy ra trong khối tư, nhiều về số tội danh, bị can, người có liên quan trong một vụ án; nhiều nhất về số tiền tham ô, số tiền đưa và nhận hối lộ, số tiền gây thiệt hại, thất thoát.

Đặc biệt cũng (nhiều) nhất về số tài sản có liên quan, số vật chứng đã bị phát hiện kê biên, phong tỏa, tạm giữ, số doanh nghiệp sân sau và số bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, trong và ngoài nước đều có. Đây cũng là lần đầu tiên xử lý tội tham ô đối với chủ doanh nghiệp tư và đồng phạm ở nước ta.

Những con số khổng lồ trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tại họp báo về tình hình, kết quả công tác công an năm 2023 chiều 27/12/2023, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C03), Bộ Công an, thông tin về quá trình điều tra giai đoạn 2, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, đây là vụ án lớn, với số lượng bị can, người liên quan rất nhiều. Vì vậy, cơ quan điều tra tách vụ án để điều tra trong 2 giai đoạn.

Ở giai đoạn 2, Bộ Công an tập trung điều tra 2 tội danh chính là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến trái phiếu và “Rửa tiền” liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Đối với hành vi rửa tiền, Thiếu tướng Thành cho biết, pháp luật đã quy định rõ những hành vi để rửa tiền. Số tiền mà bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) rút được qua hoạt động ngân hàng đã được bị can này đem đầu tư, mua gom các bất động sản trên toàn quốc và chuyển một phần ra nước ngoài.

Đối với hành vi lừa đảo phát hành trái phiếu, lãnh đạo Cục C03 cho biết, cơ quan điều tra bước đầu xác định bà Trương Mỹ Lan đã thông qua 4 doanh nghiệp để phát hành 25 gói trái phiếu. Các lô trái phiếu này có tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng đã bán cho người mua (trái chủ) nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã: ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.

Cục C03 bước đầu xác định, các bị can liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư.

Dự kiến, những phiên tòa xét xử các sai phạm liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan được xác định sẽ là những phiên xét xử lớn nhất trong lịch sử tư pháp Việt Nam. Và kết quả của việc này đến từ nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp. Với số lượng hồ sơ tài liệu vụ án lên đến hàng tấn, số lượng bị can bị cáo hàng trăm người, số lượng bị hại đến hàng chục nghìn người… là hàng dài những ngày làm việc không ngừng nghỉ của các cơ quan.

Từ đó, đã giúp đẩy nhanh kết quả điều tra, sớm đưa ra xét xử và thu hồi phần nào các thiệt hại do các bị cáo đã gây ra, và trên hết là giúp tái lập môi trường kinh doanh lành mạnh, là bài học cho các cá nhân đã và đang có các hành vi thao túng nền kinh tế Việt Nam.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều