+
Aa
-
like
comment

Phiên kiểm phiếu phiếu đại cử tri trong “ngày định đoạt 6/1” sẽ diễn ra như thế nào?

06/01/2021 10:46

Ngày 6.1, Quốc hội Mỹ sẽ họp để kiểm phiếu đại cử tri xác nhận kết quả bầu cử tổng thống và chính thức công bố người chiến thắng.

Phiên họp ngày 6.1 thường được xem là thủ tục mang tính hình thức, trong đó phó tổng thống, với tư cách là chủ tịch Thượng viện, được yêu cầu phải “mở” các phong bì đựng kết quả mà các bang gửi lên. Các phiếu đại cử tri sau đó được kiểm đếm, và tổng thống đắc cử sẽ được xác nhận.

Phiên kiểm phiếu phiếu đại cử tri định đoạt “số phận ông Trump” sẽ diễn ra như thế nào? (Hình ảnh minh họa)

Mục đích của phiên họp ngày 6.1

Người ta thường nói rằng phiên họp bắt buộc theo Hiến pháp nhằm “chứng nhận” kết quả, điều này có thể đúng theo nghĩa thông tục của từ này – tuy nhiên, điều đó có thể tạo ra sự nhầm lẫn về việc Quốc hội thực sự “chứng nhận” các đại cử tri thay vì các tiểu bang.

Theo Đạo luật ECA, Quốc hội được yêu cầu kiểm đếm các phiếu đại cử tri được các bang chứng nhận sau khi giải quyết các tranh chấp pháp lý theo “thời hạn bến cảng an toàn” (6 ngày trước khi các phiếu đại cử tri được bỏ chính thức; kỳ bầu cử lần này rơi vào 8.12).

Vì vậy, như tờ Intelligencer dẫn lời bà Sarah Binder của Đại học George Washington chỉ ra, thuật ngữ thích hợp cho những gì Quốc hội sẽ thực hiện vào ngày 6.1 là “kiểm đếm”, chứ không phải “chứng nhận” số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang.

Quy trình này thường diễn ra mà không có sự cố, mặc dù vào năm 2004 một số thành viên đảng Dân chủ từng có một cuộc phản đối ngắn gọn và mang tính biểu tượng về số phiếu đại cử tri của Ohio, và vào năm 1960 từng có thời điểm nhầm lẫn về số phiếu đại cử tri của Hawaii.

Phiên kiểm phiếu diễn ra như thế nào?

Nếu phó tổng thống không thể chủ trì cuộc họp lưỡng viện, chủ tịch Thượng viện tạm quyền hoặc thượng nghị sĩ tại nhiệm lâu nhất sẽ dẫn dắt phiên họp. Nếu kịch bản này xảy ra, người thay thế cho ông Pence năm nay là Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, đảng viên Cộng hòa từ bang Iowa.

Người chủ trì sẽ mở và trình các giấy chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang theo thứ tự bảng chữ cái.

Nhân viên kiểm phiếu được hai viện chỉ định sẽ đọc to từng giấy chứng nhận và kiểm phiếu. Sau khi hoàn tất, chủ trì cuộc họp công bố ai là người giành được đa số phiếu cho cả hai chức vụ tổng thống và phó tổng thống.

Giải quyết phản đối thế nào?

Theo Đạo luật ECA, bất kỳ thành viên nào trong Hạ viện và Thượng viện (ít nhất hai người, một của Hạ viện và một của Thượng viện) cũng có thể cùng nhau phản đối các phiếu đại cử tri của bất kỳ bang nào. Nếu điều đó xảy ra, phiên họp chung của Quốc hội sẽ tạm thời hoãn lại, để Hạ viện và Thượng viện tranh luận riêng trong vòng không quá hai giờ trước khi trở lại phiên họp chung.

Để phản đối thành công, nỗ lực này sẽ cần có sự ủng hộ của đa số thành viên ở cả Hạ viện và Thượng viện. Tuy nhiên, nỗ lực này khó có thể thành công khi Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát trong khi lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện kêu gọi các thượng nghị sĩ đảng này không tham gia việc thách thức kết quả bầu cử.

Trước đó, ngày 14.12.2020, cử tri đoàn chính thức xác nhận ông Joe Biden là Tổng thống đắc cử, sau khi giành được 306 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống Donald Trump được 232 phiếu.

Vai trò của Phó tổng thống Pence trong quy trình

Phó tổng thống Mike Pence không có quyền tác động đến kết quả bầu cử.

Trong lịch sử, vai trò chủ trì phiên kiểm và xác nhận phiếu của đại cử tri thường đặt các phó tổng thống vào tình huống khó xử, và ông Pence cũng không ngoại lệ. Ông sẽ là người chịu trách nhiệm công bố chiến thắng của ông Biden, cũng là thất bại cho ông Trump.

Ông Pence không phải là phó tổng thống đầu tiên rơi vào tình thế này.

Năm 2001, ông Al Gore chủ trì phiên họp kiểm phiếu của cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 – cuộc đua mà ông thua sát sao trước ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush.

Năm 2017, ông Joe Biden chủ trì cuộc kiểm phiếu và tuyên bố ông Trump là người chiến thắng.

Bài mới
Đọc nhiều