Cái vẫy tay đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 2-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như một lời chia tay. 5 năm như chớp mắt, có thể ngay tại kỳ họp Quốc hội cuối tháng này, chúng ta sẽ có tân Thủ tướng, và ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhận nhiệm vụ mới.
Tôi nhớ chuyến công tác đầu tiên khi mới được bầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Lai Châu. Tại đây, ông đã dẫn lại phát biểu của ông nghị Lê Như Tiến để lưu ý các quan chức địa phương trong thu hút đầu tư: đừng có “trên rải thảm, dưới rải đinh”.
Chắc chắn, ông là Thủ tướng Việt Nam giữ kỷ lục về số lần đến công tác tại các địa phương (nếu tính trung bình trên đơn vị thời gian), đặc biệt là dự các hội nghị kêu gọi đầu tư cấp tỉnh. Cho dù có những nụ cười ở dư luận mỗi khi ông đến thăm tỉnh, thành nào đó và hối thúc họ phải trở thành “đầu tàu”, thì việc người đứng đầu hành pháp kinh lý thường xuyên có tác động tích cực đến các quan chức chính quyền địa phương.
Ông cũng chính là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam Á thăm chính thức Mỹ trong nhiệm kỳ Donald Trump, tạo ra ấn tượng tốt đẹp đối với vị Tổng thống thất thường này, mang lại không khí thuận lợi trong quan hệ Việt – Mỹ những năm gần đây. Trong chuyến thăm ngay sau đó đến Nhật Bản, ông đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam ngay tại Tokyo với số lượng kỷ lục đại diện các doanh nghiệp Nhật tới dự: 1.800 người. Lần đầu tiên và duy nhất, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã đến dự một hội nghị xúc tiến đầu tư của một quốc gia khác, phát biểu chào mừng và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật hãy đến Việt Nam.
Hai chuyến thăm Mỹ, Nhật diễn ra liên tiếp chưa đầy 2 tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện khoảng 95 cuộc gặp gỡ chính thức với các lãnh đạo, chính khách, tổ chức, doanh nghiệp của hai quốc gia hùng mạnh. Tôi có may mắn và vinh dự được tháp tùng đoàn và đưa tin cả 2 chuyến thăm này, và cũng đoạt kỷ lục trong những tháng năm làm phóng viên: viết tới 7 vedette báo giấy.
Mùa xuân đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã công khai nói rằng “năm nay lãnh đạo các tỉnh, thành phố không phải về Hà Nội chúc Tết Trung ương” và kêu gọi nói không với phong bì. Tôi vẫn nhớ, tại cuộc họp báo đầu tiên của mùa xuân năm ấy, tôi đã đặt câu hỏi với Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng rằng “căn cứ vào đâu ông khẳng định tình trạng quà cáp phong bì đã giảm 70% so với năm trước?”.
Chấm dứt được tình trạng phong bì thì đương nhiên là không thể. Trong điều kiện kinh tế – xã hội, văn hoá, pháp luật, cơ chế hành chính hiện nay, phong bì vẫn tồn tại, và không phải trường hợp nào trao cho nhau cái phong bì cũng là xấu. Thế còn tình trạng phong bì, đút lót có giảm không và giảm như thế nào? Rất khó định lượng nếu không có điều tra xã hội học. Nhưng chắc là có giảm, ít nhất là với những người không muốn đưa thì cũng có cơ hội viện dẫn lời Thủ tướng để “né”, và những người không giúp được việc cho người khác thì cũng ngại nhận.
Cách đây ít hôm, cho ý kiến vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điểm chưa thấy nổi bật trong Chính phủ nhiệm kỳ này là chưa đầu tư được công trình hạ tầng nào “để đời”. Các dự án lớn như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc – Nam đều ra những dự án có chủ trương đầu tư từ nhiệm kỳ trước, triển khai chậm. Nhưng đồng thời, một số Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng họ thấy yên tâm vì Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ không để lại những “hậu quả” để nhiệm kỳ sau phải “gánh”.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ được cho là lần cuối ông chủ trì – Thủ tướng nói với các thành viên Chính phủ: “Một lần nữa chúng ta nêu quyết tâm vì nhân dân mà làm việc”.
Chúc Thủ tướng sức khoẻ và có thêm thật nhiều đóng góp cho đất nước trên cương vị mới mà ông sắp đảm nhiệm.
Lê Kiên