Tên lửa BrahMos của Ấn Độ đang ngày càng được phát triển thành nhiều phiên bản khác nhau, trong đó có không ít phiên bản tỏ ra rất phù hợp với Việt Nam.
Tên lửa hành trình BrahMos hiện đang là loại vũ khí được săn đón tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Từng có rất nhiều thông tin về việc Việt Nam có quan tâm tới loại vũ khí này, tuy nhiên không phải bất cứ phiên bản nào của loại tên lửa này cũng phù hợp với Việt Nam. Theo giới thiệu của nhà sản xuất và theo truyền thông Ấn Độ, loại tên lửa này đang được phát triển với các phiên bản, bao gồm tên lửa bờ đối hạm, tên lửa ngầm đối hạm, tên lửa hạm đối hạm và tên lửa không đối hạm. Với phiên bản hạm đối hạm, các yêu cầu đều rất khắt khe và về cơ bản, hiện tại Việt Nam chưa có loại tàu chiến này đủ khả năng mang theo được BrahMos nếu chiểu theo đúng các yêu cầu kỹ thuật của loại tên lửa này. Cụ thể, tên lửa BrahMos có trọng lượng phóng rất nặng, lên tới gần 3 tấn và yêu cầu phải có một loại tàu chiến kích thước lớn. Bản thân Ấn Độ cũng chỉ có thể thử nghiệm loại tên lửa này trên tàu khu trục. Trong khi đó, Việt Nam hiện tại vẫn chưa sở hữu khu trục hạm trong biên chế lực lượng Hải quân, chúng ta chỉ có các tàu hộ vệ hạm và nhiều khả năng, các tàu này sẽ khó có thể tương thích với tên lửa BrahMos. Với phiên bản phóng từ cơ cấu phóng trên không, Ấn Độ đã cải biên các chiến đấu cơ Su-30MKI của nước này để có thể tương thích với các tên lửa BrahMos. Hiện tại, dòng tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam cũng có rất nhiều tính năng kỹ, chiến thuật tương đồng với Su-30MKI của nước bạn. Vậy nên phiên bản phóng từ cơ cấu trên không của tên lửa hành trình BrahMos của Ấn Độ sẽ tỏ ra khá phù hợp với chúng ta. Phiên bản phóng từ cơ cấu phóng trên không cũng có tầm bắn xa hơn so với phiên bản phóng từ tàu chiến. Cụ thể, phiên bản phóng từ cơ cấu phóng trên không có khả năng được nâng cấp tầm bắn lên tới 1500 km, trong khi đó phiên bản phóng từ tàu chiến chỉ có thể nâng tầm phóng lên tối đa 800 km. Ngoài ra, phiên bản tên lửa BrahMos phóng từ tàu ngầm cũng từng được khẳng định có khả năng tương thích cao với các tàu ngầm lớp Kilo mà hải quân Việt Nam đang sở hữu. Khi này, các tên lửa BrahMos hoàn toàn có thể thay thế vai trò của tên lửa hành trình chống hạm Club-S 3M-54E của Nga. Thêm vào đó, các tổ hợp tên lửa BrahMos bờ đối hạm cũng tỏ ra rất phù hợp với Việt Nam, đơn giản là do phiên bản bờ đối hạm của BrahMos dùng chung tiêu chuẩn kỹ thuật với tổ hợp K-300P Bastion-P mà chúng ta đang sở hữu. Như vậy, chỉ có duy nhất phiên bản phóng từ tàu chiến của tên lửa BrahMos là không phù hợp với Việt Nam do chúng ta chưa có đội tàu chiến tương thích với loại vũ khí này. Còn lại, tất cả các phiên bản khác của tên lửa BrahMos đều rất phù hợp với Việt Nam và chúng ta hoàn toàn có khả năng làm chủ loại vũ khí này trong tương lai. Trong những thông tin mới nhất vừa được truyền thông Ấn Độ đăng tải, tên lửa BrahMos sẽ được coi là loại vũ khí “xương sống”, mang tính chủ lực của Ấn Độ trong thời gian tới. Ngoài Việt Nam, còn có rất nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á bao gồm Malaysia, Singapore và Indonesia cũng từng bày tỏ sự quan tâm tới loại vũ khí này của Ấn Độ. Nguồn ảnh: Pinterest. T.H