+
Aa
-
like
comment

Phía sau sự hồi phục kỳ diệu

10/06/2020 08:08

Thật kỳ diệu, như có phép mầu…, đó là những câu mà ngay cả giới chuyên môn cũng phải thốt lên khi nhìn vào sự hồi phục của bệnh nhân Covid-19 số 91 – nam phi công người Anh.

Bệnh nhân phi công người Anh sẽ được chi trả bảo hiểm

Không chỉ là bệnh nhân Covid-19 điều trị dài ngày nhất tại nước ta tính thời điểm hiện nay (hơn 80 ngày), phi công người Anh còn là ca bệnh nặng nhất, từng luôn ở trong tình trạng nguy kịch hàng chục ngày liền. Tính mạng bệnh nhân 91 có những lúc như “chỉ mành treo chuông”, sự sống hoàn toàn phụ thuộc vào can thiệp ECMO cùng những loại thuốc đặc trị. Bệnh nhân đã được chỉ định ghép phổi để tiếp tục duy trì sự sống…

Thế nhưng, đến nay phi công người Anh đã có thể tự ngồi dậy, tự điều chỉnh độ cao thấp của giường bệnh, viết chữ… Từ chỗ phải chỉ định ghép phổi (chức năng phổi của bệnh nhân chỉ còn hoạt động 10% do hai lá phổi gần như đông đặc), nay phương án chính để cứu sinh mạng bệnh nhân 91 đã trở thành phương án dự phòng dành cho ông.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 – khi nhìn nhận về tiến triển của bệnh nhân phi công người Anh đã đánh giá đó là sự “phục hồi kỳ diệu”. Song để có được sự phục hồi như có phép mầu hiện nay là những nỗ lực không mệt mỏi của không chỉ những người thầy thuốc mà có thể nói cả ngành y tế.

Đó là quyết tâm tới cùng “còn nước còn tát” khi mà bệnh nhân 91 nguy kịch tới mức tưởng như khó qua khỏi. Đó là nỗ lực cứu bằng được mạng sống cho bệnh nhân khi nhập khẩn cấp thuốc hiếm chưa từng có ở Việt Nam để điều trị. Đó là những cuộc hội chẩn với sự tham gia của nhiều bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của cả nước…

Hơn tất cả là nỗ lực và trình độ của đội ngũ y – bác sĩ trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sự hồi phục của bệnh nhân 91 là một minh chứng cho những nỗ lực, quyết tâm và thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cuộc chiến mà ngay từ đầu chúng ta đã xác định là “chống dịch như chống giặc” để huy động cả hệ thống chính trị và mọi người dân vào cuộc. Chúng ta cũng đã chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để ngăn chặn bằng được dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Để bệnh nhân 91 phục hồi hoàn toàn cũng như đi tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đòi hỏi chúng ta còn phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, nhất là không tự mãn, chủ quan và mất cảnh giác. Chỉ một phút giây lơ là thôi cũng có thể dẫn tới việc phải trả giá, không giữ vững thành quả đạt được, điều mà rất cần duy trì để khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến an toàn với sức khỏe, tính mạng con người cũng như điểm đến an toàn của du lịch và đầu tư.

PHAN ĐĂNG/NLD

Bài mới
Đọc nhiều