Phía Nam sẽ có nhiều cao tốc trong 5 năm tới
Theo Bộ GTVT, có 12 tuyến cao tốc khu vực phía Nam đã được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Các chuyên gia cho rằng những tuyến đường kết nối TP.HCM đi các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều đã rơi vào tình trạng ùn tắc. Nguyên nhân là hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm. Đây cũng là một trong các yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, việc sớm đầu tư mạng lưới cao tốc phía Nam là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Những tín hiệu vui bắt đầu
Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận định cao tốc phía Nam hiện nay đang rất ít, chỉ có khoảng 100 km, gồm cả hai tuyến TP.HCM – Trung Lương và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Đường cao tốc là một trong những yếu tố vô cùng cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, chỉ với khoảng 100 km đường cao tốc thì không thể đáp ứng được tốc độ phát triển ngày càng lớn mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chưa kể, các tuyến cao tốc này đều đã rơi vào tình trạng quá tải, xuống cấp.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cũng nhận định cao tốc TP.HCM – Trung Lương bị quá tải nhiều năm nay. Điều kiện kết nối giữa Long An với TP.HCM và ĐBSCL có phần bị bó hẹp, khiến kinh tế bị kìm hãm rất nhiều. Do đó, việc đầu tư, kết nối hàng loạt cao tốc từ Long An như tuyến Chơn Thành – Đức Hòa, Đức Hòa – Mỹ An, đoạn Bình Chuẩn – quốc lộ 22 – Bến Lức… nhằm kết nối các vùng kinh tế là vô cùng cấp thiết.
Bên cạnh việc đánh giá khu vực phía Nam còn quá ít đường cao tốc, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng hiện các dự án cao tốc phía Nam còn triển khai quá chậm.
“Song mới đây, chúng ta đã đồng loạt khởi công ba đoạn cao tốc trong đường cao tốc Bắc – Nam (trong đó có hai đoạn phía Nam gồm Dầu Giây – Phan Thiết, Phan Thiết – Vĩnh Hảo) đã là một tín hiệu vui. Hệ thống đường cao tốc mới được khởi công sẽ góp phần hình thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ từ TP.HCM, Đông Nam bộ và ĐBSCL” – ông Cương nói.
Đầu tư trục ngang lẫn trục dọc
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng nhận định: Tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc khu vực Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL còn chậm so với quy hoạch được duyệt. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sở dĩ việc triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối khu vực TP.HCM với ĐBSCL còn chậm là do gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất, đặc điểm địa hình khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu. Điều này dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài.
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư công trong thời gian qua bố trí cho ngành giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi. Các dự án thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài. Còn nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.
Thứ ba, thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu.
Theo thứ trưởng, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai, Bộ GTVT cũng tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến cao tốc khu vực phía Nam, các trục dọc kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh đó, việc đầu tư các trục ngang kết nối nội vùng cũng vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình như sân bay, cảng biển…
ĐBSCL có nền đất khác nơi khác, đất yếu nên chi phí làm đường cao. Những năm qua chúng ta đã rất cố gắng và trong vài năm tới đường cao tốc sẽ về tới Cần Thơ. Cùng với đó, chúng ta nâng cấp các hệ thống giao thông trục chính, trục ngang khu vực ĐBSCL. Hiện nhiều tuyến đã được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025.
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ở Cần Thơ ngày 24-11.
Kêu gọi nguồn lực xã hội để đầu tư
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 326/2016), khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL sẽ hình thành 13 tuyến đường cao tốc với tổng chiều dài 2.086 km.
Các tuyến này bao gồm: Cao tốc vành đai, cao tốc hướng tâm của TP.HCM; các tuyến cao tốc trục dọc phía đông và phía tây kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với ĐBSCL; các tuyến trục ngang nội vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin: Bộ đang xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng giao thông công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Riêng khu vực Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL, Bộ GTVT đã giao các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 12 dự án với chiều dài khoảng 1.070 km. Tổng mức đầu tư tất cả dự án này khoảng 119.097 tỉ đồng (bao gồm một số dự án PPP do các tỉnh, TP làm chủ đầu tư).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, sau khi được Chính phủ, Quốc hội giao tổng mức vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, mức độ phân kỳ đầu tư của từng tuyến cao tốc (phân kỳ về chiều dài, về quy mô đầu tư…). Từ đó, Bộ GTVT sẽ lựa chọn các dự án đưa vào danh mục đầu tư giai đoạn này cho phù hợp với nguồn lực được giao để trình Chính phủ, Quốc hội chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện.
“Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương kêu gọi nguồn lực xã hội để đầu tư các dự án theo hình thức PPP. Trên cơ sở cân đối nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực xã hội, Bộ GTVT mới có thể xác định được thời gian khởi công, hoàn thành của từng dự án” – Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài 13 tuyến cao tốc được Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 326 thì khu vực phía Nam còn có tuyến TP.HCM – Trung Lương đã được đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Có năm tuyến đang được xây dựng gồm: Đoạn từ Cao Lãnh – Vàm Cống – Rạch Sỏi (đã hình thành 80 km, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc, dự kiến sẽ thông xe vào cuối năm 2020); Trung Lương – Mỹ Thuận, dài 51 km, sẽ thông tuyến trong năm 2020; Bến Lức – Long Thành, dài 58 km, dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2023; Phan Thiết – Dầu Giây, dài 99 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2022; Vĩnh Hảo – Phan Thiết, dài 100 km, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Riêng tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tuy đang khai thác nhưng lại nằm trong 13 tuyến được Chính phủ phê duyệt ở Quyết định số 326, do có kế hoạch mở rộng trong giai đoạn 2021-2025.
Như vậy, trong tương lai, khu vực phía Nam có tổng cộng 19 tuyến cao tốc (bao gồm cả các cao tốc vành đai), tạo thành mạng lưới giao thông liên thông các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối miền Trung và miền Bắc.
12 dự án đã lập nghiên cứu tiền khả thi
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết có 12 dự án đã được lập nghiên cứu tiền khả thi, được tập trung đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Những dự án này gồm:
1. Tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (mở rộng), chiều dài 51 km; 2. Tuyến TP.HCM – Chơn Thành, chiều dài 69 km; 3. Tuyến Chơn Thành – Đức Hòa, chiều dài 84 km; 4. Tuyến Đức Hòa – Mỹ An, chiều dài 81 km.
5. Tuyến TP.HCM – Mộc Bài, chiều dài 65 km, do UBND TP.HCM chủ quản kêu gọi đầu tư PPP; 6. Tuyến Biên Hòa – Phú Mỹ – Vũng Tàu, chiều dài 47 km, do UBND tỉnh Đồng Nai chủ quản kêu gọi đầu tư PPP.
7. Đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Chuẩn – quốc lộ 22 – Bến Lức, chiều dài 89 km; 8. Đường vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch, chiều dài 16,57 km.
9. Tuyến Cần Thơ – Cà Mau, chiều dài 133 km (trong đó, đoạn từ Bạc Liêu đến Cà Mau do UBND tỉnh Cà Mau chủ quản kêu gọi đầu tư PPP); 10. Tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, chiều dài 180 km; 11. Tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu, chiều dài 225 km.
12. Tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh thuộc tuyến Hồng Ngự – Trà Vinh đang được Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy hoạch, chiều dài 30 km.
Ngoài ra, dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một (Bình Dương) – Chơn Thành (Bình Phước) hiện đang được Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
—–
Giao thông là điểm nghẽn của ĐBSCL
Từ 10 năm trước, hạ tầng giao thông được xem là khâu đột phá ở ĐBSCL và hiện nay giao thông ĐBSCL đã có bước phát triển đáng ghi nhận với nhiều dự án lớn đã hoàn thành.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân thì rõ ràng đây vẫn là một điểm nghẽn chưa được khơi thông. Hạ tầng giao thông ĐBSCL vẫn còn trong tình trạng yếu kém, còn tồn tại một số nút thắt cổ chai đã làm giảm đi sự liên kết. điều này làm cho sự liên kết giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam bộ chưa có sự đồng bộ, phần nào ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
TS TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia kinh tế ĐBSCL
ĐÀO TRANG – HẢI DƯƠNG/PL