Phi vụ thâu tóm biệt thự Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh
Trịnh Xuân Thanh lợi dụng chức vụ của mình để sử dụng dòng tiền của PVC mua biệt thự Tam Đảo cho mình, khiến doanh nghiệp này chịu thiệt hại hơn 13,2 tỷ đồng.
Sai phạm chỉ định thầu
Ngày mai (22/1), TAND TP Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm vụ án thất thoát hơn 543 tỷ đồng tại Cty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học (PVB) và Cty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Vụ án có 12 bị cáo trong đó ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 9 thuộc cấp bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Đỗ Văn Hồng – nguyên Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Cty CP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch kiêm Tổng GĐ PVC bị truy tố về cả 2 tội danh.
Trong vụ án, cơ quan truy tố xác định năm 2007, ông Đinh La Thăng ký quyết định thành lập PVB để làm chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ. PVC liền thành lập liên danh đấu thầu xây dựng dự án này nhưng bị từ chối vì không đủ khả năng. Thời gian này, PVN sở hữu hơn 83% vốn tại PVC nên đã có văn bản ưu tiên cho PVC xây dựng các công trình liên quan dầu khí. Ông Thăng cũng gây sức ép để liên danh của PVC được chỉ định thầu một cách trái pháp luật. Năm 2009, PVC bắt đầu thi công nhưng đến năm 2013 phải dừng lại vì không đủ năng lực, gây thiệt hại cho chủ đầu tư hơn 543 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng còn phát hiện Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ của mình để mua khu đất rộng 3.400m2 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng cho PVC. Cụ thể, năm 2009, PVC góp 2,5 tỷ đồng (tức 5%) để thành lập PVC Kinh Bắc và ký hợp đồng số 173 cho PVC Kinh Bắc thi công một số hạng mục tại nhà máy Polyester Đình Vũ với giá trị hơn 131 tỷ đồng. Quá trình này, Trịnh Xuân Thanh bàn bạc với Đỗ Văn Hồng – Chủ tịch PVC Kinh Bắc việc tìm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng. Hồng giới thiệu khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo đang được rao bán với giá 23,8 tỷ đồng.
Nhờ bố đứng tên
Bị cáo Thanh đồng ý và thống nhất sẽ dùng chức vụ của mình để PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng nhằm có tiền mua đất. Đến năm 2010, các bị cáo Thanh, Hồng bàn bạc việc tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng. Do các cổ đông khác góp được 129 tỷ đồng, bị cáo Hồng gửi văn bản đề nghị PVC góp nốt 21 tỷ đồng cho đủ số 150 tỷ đồng. Trịnh Xuân Thanh sau đó lợi dụng việc này để hợp thức hóa 25 tỷ đồng dùng để mua đất Tam Đảo.
Theo truy tố, bị cáo Thanh đã yêu cầu cấp dưới tại PVC làm thủ tục chuyển số 25 tỷ đồng tạm ứng theo hợp đồng 173 thành tiền góp vốn, nâng tỷ lệ góp tại PVC Kinh Bắc lên 15,67%. Song song, Trịnh Xuân Thanh lập Cty Mai Phương, nhờ bố đẻ đứng tên và dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay chưa thanh toán. Năm 2016, Cty Mai Phương cùng khu đất được vợ Trịnh Xuân Thanh bán cho người khác với giá 45 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đã tạm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.400m2 đất trên.
Cơ quan truy tố kết luận, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc để mua khu đất tại Tam Đảo. Đến năm 2020, các cơ quan giám định kết luận phần vốn trị giá 21 tỷ đồng của PVC tại PVC Kinh Bắc chỉ còn giá trị hơn 7,7 tỷ đồng, tức PVC bị thua lỗ hơn 13,2 tỷ đồng. Ngoài vụ án này, Trịnh Xuân Thanh đã bị tuyên án tổng hợp tù chung thân về hành vi tham ô tài sản và sai phạm khi điều hành PVC. Ông Đinh La Thăng cũng đã bị tuyên 30 năm tù trong 3 vụ án khác nhau.
Xuân Ân/TPO