Phi vụ chấn động: Vác 51kg vàng qua biên giới tuồn vào Việt Nam
Do giá vàng ở Việt Nam cao hơn thế giới nên dân buôn tìm mọi cách tuồn vàng lậu vào Việt Nam kiếm lời. Gần đây, tình trạng buôn lậu vàng ngày càng gia tăng với diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, ở cả đường bộ và đường hàng không.
Liên tiếp buôn lậu vàng qua biên giới
Gần đây, nhiều vụ buôn lậu vàng qua các cửa khẩu, đặc biệt là tại các cửa khẩu giáp ranh với Campuchia, đã bị phát hiện.
Mới đây nhất, vào trưa 30/10, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang phát hiện một nhóm đối tượng điều khiển xuồng máy hướng từ Campuchia vào Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Khi đến khu vực thuộc ấp Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), các đối tượng vác những bao tải và bọc nylon màu đen lên bờ. Khi công an ập đến kiểm tra, các đối tượng chống trả quyết liệt và bỏ chạy xuống xuồng máy tẩu thoát.
Lực lượng làm nhiệm vụ đã bắt giữ Trần Văn Hải (SN 1971, trú xã Đa Phước, An Phú), cùng 2 bao tải và 1 bọc nylon bên trong chứa nhiều khối kim loại màu vàng, trọng lượng khoảng 51kg. Số vàng này được vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy, 51kg kim loại màu vàng này đều là vàng 9999 không lẫn tạp chất. Trong quá trình điều tra, 3 đối tượng trong vụ án đã ra đầu thú.
Trước đó, cũng tại An Giang, vào ngày 11/3/2017, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt vụ vận chuyển 8kg vàng nhập lậu (tương đương hơn 212 cây vàng) và 100 triệu Riel (tiền Campuchia). Đối tượng vận chuyển là Vuoch Hea (SN 1957, người Campuchia), nhập cảnh vào Việt Nam bằng xe máy. Người phụ nữ này khai vận chuyển số tiền và vàng trên vào Việt Nam trao đổi và bán kiếm lời.
Cách đó không lâu, một vụ nhập lậu vàng lớn cũng xảy ra ở huyện Tịnh Biên. Cụ thể, chiều 25/11/2016, Rim Ri Linh (thiếu tá công an, Phó Đồn trưởng Công an Cửa khẩu Phnom Den, Campuchia (giáp cửa khẩu Tịnh Biên), một mình lái ô tô chạy từ Campuchia đến cửa khẩu Tịnh Biên, xin qua Việt Nam thăm người thân. Sau đó, lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện Linh chở theo 18kg vàng 24K (tương đương 478 cây vàng).
Linh khai trước đó đã vận chuyển trót lọt 2 chuyến vàng từ Campuchia vào Việt Nam qua đường cửa khẩu Tịnh Biên, với tổng số khoảng 27kg. Như vậy, chỉ thời gian ngắn, Linh đã tuồn vào Việt Nam 3 chuyến với khoảng 1.200 cây vàng.
Vào ngày 27/3/2016, lực lượng đồn Biên phòng Cửa khẩu Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang) bắt được vụ vận chuyển gần 50 cây vàng và nhiều ngoại tệ của 4 phụ nữ đều mang quốc tịch Campuchia. Những phụ nữ này khai mang tiền vào Việt Nam để mua vàng, mang vàng trang sức cũ đổi lấy vàng mới về Campuchia làm trang sức cho người thân.
Tại Điện Biên, vào tháng 11/2014, lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Trọng Bằng và Trần Ngọc Tình đã sang tỉnh U Đom Xay (Lào) mua 15kg vàng thỏi, trị giá 16 tỷ đồng về bán trong nước. Trên đường vận chuyển, hai đối tượng đã bị bắt giữ, thu tang vật.
Ngày 14/7/2014, Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, tuyên phạt Lưu Tái Thải (SN 1966, ở quận Bình Tân, TP.HCM) 9 năm tù về tội buôn lậu; tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước 1.706,24 chỉ vàng do Thải buôn lậu.
Còn tại Đà Nẵng, ngày 23/5/2014, cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ 1 xe nghi vấn và bắt giữ 2 nghi phạm cùng 11 thỏi vàng khối được “ngụy trang” một cách tinh vi trên chiếc xế hộp hạng sang nhưng không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ. Điều đáng nói, đây không phải là phi vụ vận chuyển mang tính chất đơn lẻ của một số đối tượng mà là một đường dây vận chuyển, tiêu thụ vàng quy mô lớn xuyên quốc gia.
Tại Quảng Bình, ngày 29/4/2014, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Hường về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Bị cáo Hường bị bắt giữ tại cửa khẩu Cha Lo với tang vật là 4kg vàng thỏi.
Tuồn lậu vàng qua đường hàng không
Không chỉ trên đường bộ, nhiều vụ buôn lậu vàng qua đường hàng không bị phát hiện khiến dư luận xôn xao.
Tối 25/8/2017, cơ quan chức năng phát hiện hơn 28kg vàng trang sức 18K được 5 đối tượng quấn quanh đùi và ống chân, đi trên chuyến bay từ Bangkok (Thái Lan) đến sân bay Nội Bài mà không khai báo hải quan. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã vận chuyển trót lọt nhiều chuyến hàng. Sau mỗi chuyến chuyển vàng về giao tại nhà của Lê Thị Ngọc Mai, các đối tượng được trả thù lao 10 triệu đồng/người. Khám xét nơi ở của Mai, cơ quan công an thu giữ thêm 8kg vàng trang sức cùng 480 triệu đồng, 20.000 USD và một số giấy tờ, tài liệu.
Ngày 3/8/2016, đội Thủ tục hành lý xuất khẩu Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện trong hành lý xách tay của Kitada Takayoshi (SN 1983, quốc tịch Nhật Bản), xuất cảnh sang Nhật Bản mang theo 7 pho tượng bằng kim loại, nghi là vàng, không làm thủ tục khai báo hải quan. Kết luận giám định cho thấy, 7 pho tượng của Kitada Takayoshi là vàng, hàm lượng vàng 99,99%, tổng khối lượng 6794gr.
Tình trạng buôn lậu vàng qua đường hàng không diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi… Điều đáng nói, bản thân một số nhân viên làm trong ngành hàng không lại chính là đối tượng tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia vận chuyển, buôn lậu vàng.
Ngày 26/7/2016, lực lượng chức năng phát hiện tiếp viên hàng không Hoàng Thị Ngọc Anh (SN 1982), Nguyễn Ngọc Sang (SN 1986, chồng Ngọc Anh), được sự hỗ trợ, tiếp tay của Phạm Duy Nhuận (SN 1980), công nhân kỹ thuật sửa chữa máy bay Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay đã xuất lậu hơn 3kg vàng (tương đương hơn 80 cây vàng), trị giá hơn 2,8 tỷ đồng.
Trước đó, vụ mang lậu 6kg vàng vào Hàn Quốc ngày 10/3/2015 do cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc) giấu dưới đế giày cũng gây chấn động dư luận.
Hạnh Nguyên/ VNN