+
Aa
-
like
comment

Phi công người Anh tiên lượng nguy kịch, BN 161 có thể được chuyển về Bạch Mai

01/05/2020 18:32

BN91 là phi công người Anh tuy không sốt nhưng diễn tiến chậm, tiên lượng nguy kịch. BN161 qua hội chẩn chuyên môn, các thành viên hội đồng nhấn mạnh nếu cấy virus cho kết quả âm tính thì có thể chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị phục hồi tai biến mạch máu não.

Ảnh minh họa: Internet

Theo tin từ Bộ Y tế, về tình hình sức khỏe của 3 bệnh nhân mắc COVID-19 diễn biến nặng là BN19, BN 91, và BN 161 như sau:

BN 161 là cụ bà 88 tuổi quê Hưng Yên, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cơ sở Đông Anh hiện không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.

Qua hội chẩn chuyên môn, các thành viên hội đồng nhấn mạnh nếu cấy virus cho kết quả âm tính thì có thê chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai để điều trị phục hồi tai biến mạch máu não.

BN 161 là bệnh nhân vừa tai biến, liệt nửa người trái, đã có những tiến triển khả quan. Các bác sĩ cũng đang từng bước cai thở máy, xét bỏ máy; chăm sóc hô hấp, kết hợp phục hồi chức năng và bổ sung dinh dưỡng.

Về BN 19 (bác gái BN 17): Người phụ nữ 64 tuổi ở Hà Nội có bệnh lý nền này đã nằm viện được 54 ngày và nằm ở Khoa Hồi sức tích cực (ICU) – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được 44 ngày. Hiện bệnh nhân cũng không sốt, đang tập cai thở máy, tập phục hồi chức năng.

Về trường hợp bệnh nhân này, trong cuộc hội chẩn trực tuyến ca bệnh nặng vừa diễn ra, hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và hiện các biểu hiện lâm sàng như khi máu, XQ phổi đều đã tốt lên.

Bệnh nhân cần tiếp tục tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc hô hấp, tập phục hồi chức năng và cai máy thở. Các thành viên hội đồng chuyên môn hi vọng bệnh nhân sớm được ra khỏi Khoa ICU trong tuần tới.

Bệnh nhân này đã có 54 ngày điều trị bệnh, là người phải điều trị lâu nhất trong số những ca ghi nhận ở Việt Nam. Trước đó, sau khi vào viện hơn 10 ngày, bệnh nhân diễn biến nặng, phải thở máy sau đó do tình trạng suy hô hấp tăng nặng, phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).

Quá trình chạy ECMO kéo dài từ ngày 19/3 đến 4/4 thì được cai máy, quay trở lại thở máy. Tuy nhiên, đến 1h sáng 8/4, bệnh nhân xuất hiện 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim, may mắn được các bác sĩ theo dõi sát sao, hội chẩn xuyên đêm để cứu thành công bệnh nhân này qua cơn nguy kịch. Thậm chí, có lúc bác sĩ đã “đặt lên bàn cân” xem xét đặt lại ECMO cho bệnh nhân này.

Tình trạng bệnh nhân diễn biến khả quan hơn, dần dần bỏ thuốc vận mạch, tập cai dần máy thở. Hơn 10 ngày trước, bệnh nhân được đánh giá phổi còn tổn thương nhưng oxy hóa máu đã cải thiện. Tim còn rối loạn nhịp, nhưng mức độ nhẹ hơn, huyết áp ổn định, tri giác tốt, giao tiếp được, không phù. Ăn qua ống thông dạ dày, không trào ngược, không có tình trạng xuất huyết, không sốt.

Diễn biến sức khỏe ngày hôm nay của BN91 là nam phi công người Anh, 43 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tuy không sốt nhưng diễn tiến chậm, tiên lượng nguy kịch.

Vào ngày hôm qua (30/4), hội chẩn chuyên môn đánh giá tình trạng BN 91 ổn định, không sốt, mạch và huyết áp ổn định, phổi phải xẹp vùng sau dưới, phổi trái đông đặc 1/2 dưới, kết quả xét nghiệm Realtime – PCR ngày 29/4 dương tính, tiếp tục thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO, tiên lượng còn nặng.

Tập trung thảo luận với nam bệnh nhân này, Hội đồng chuyên môn cho ý kiến về các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm…

Các thành viên hội chẩn cũng đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và nhóm hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét vấn đề sử dụng thuốc, liều lượng thuốc của người bệnh; xét nghiệm theo dõi nhiễm trùng bệnh viện, cấy lại vi khuẩn, virus…

Quảng An/TPO

Bài mới
Đọc nhiều