+
Aa
-
like
comment

Phi công huyền thoại: Sư đoàn trưởng duy nhất của KQVN được phong Thiếu tướng

28/11/2021 07:45

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị là phi công Việt Nam đầu tiên đầu tiên dùng máy bay MiG 21 bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 4/3/1966. Trong chiến tranh, ông bắn rơi tổng cộng 8 máy bay của quân đội Mỹ.

Nguyễn Hồng Nhị - Phi công tài ba: Sư đoàn trưởng duy nhất của KQVN được phong Thiếu tướng
Tiêm kích MiG-21 Không quân Việt Nam chiến thắng F-4 của Mỹ. Ảnh minh họa.

Năm 1965, Liên Xô viện trợ cho KQNDVN loại máy bay mới, máy bay MiG-21 có tính năng và trang bị vũ khí hiện đại hơn máy bay MiG-17.

Để làm chủ loại máy bay mới, 16 phi công đã từng tốt nghiệp trên loại MiG-17 tại Kursopskaia, do phi công Nguyễn Hồng Nhị làm Trưởng đoàn đã sang Liên Xô chuyển loại MiG-21. Đoàn của các anh là Khóa đầu tiên của KQNDVN chuyển loại MiG-21.

Cuối tháng 4/1965 các anh đã có mặt tại Trường Không quân Serov.A.K Krasnodar. Sau 3 tháng phải ôn lại lý thuyết và bay đề cao trên loại máy bay MiG-17, tháng 8/1965 các anh bắt đầu chuyển sang học lý thuyết và bay thực hành trên loại máy bay MiG-21.

Nguyễn Hồng Nhị - Phi công tài ba: Sư đoàn trưởng duy nhất của KQVN được phong Thiếu tướng - Ảnh 1.
Thiếu tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị.

Có 4 phi công chuyển loại không thành công trên loại máy bay MiG-21 nên quay trở lại với MiG-17.

Được sự giúp đỡ tận tình của các thầy giáo, ngày 20/11/1965 Nhà Trường đã trao bằng phi công MiG-21 và làm lễ tốt nghiệp cho 12 phi công MiG-21 đầu tiên của Không quân Việt Nam.

Ngày 25/11/1965, lúc 16h30, chiếc máy bay An-10 của Liên Xô chở đoàn chuyển loại MiG-21 đã hạ cánh xuống sân bay Đa Phúc (sân bay Nội Bài).

Các anh được biên chế về Đại đội 2 (sau này danh từ Đại đội chuyển thành Phi đội), Trung đoàn không quân 921. Đại đội trưởng: Bùi Đình Kình, Đại đội phó: Nguyễn Hồng Nhị, Chính trị viên Đại đội: Nguyễn Duy Đài. Đây là Đại đội MiG-21 đầu tiên của Không quân Việt Nam.

Ngày 26/11/1965, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đến thăm, động viên và giao nhiệm vụ chiến đấu cho Đại đội.

Đầu năm 1966, đoàn tiếp theo được cử sang Liên Xô chuyển loại MiG-21, có 6 phi công chuyển loại thành công.

Cùng thời gian này, Quân chủng PK-QK quyết định để Trung đoàn không quân 921 tổ chức chuyển loại thành công cho 5 phi công MiG-21 và tiếp theo 1 số phi công nữa cũng đã được chuyển loại thành công trong nước. Đây là lực lượng nòng cốt phi công MiG-21 của Trung đoàn KQ921.

Ngày 25/1/1966, Không quân Việt Nam lần đầu tiên sử dụng MiG-21 trực ban sẵn sàng chiến đấu. Đây cũng là ngày mà phi công Nguyễn Hồng Nhị ghi nhớ suốt cuộc đời, ông là phi công đầu tiên của KQNDVN được vinh dự trực ban chiến đấu trên loại máy bay MiG-21 PFL số hiệu 04.

Nguyễn Hồng Nhị - Phi công tài ba: Sư đoàn trưởng duy nhất của KQVN được phong Thiếu tướng - Ảnh 2.
Tiêm kích MiG-21 Không quân Việt Nam chiến thắng F-4 của Mỹ. Ảnh minh họa.

Trận thắng đầu tiên trên loại máy bay MiG-21

Để chuẩn bị kỹ lưỡng cho MiG-21 xuất kích chiến đấu sau này, Quân chủng có chủ trương để MiG-21 đánh thử vài trận.

Thời cơ thuận lợi đã đến, ngày 4/3/1966, buổi sáng trời nhiều mây, mây thấp; trưa và chiều trời quang mây.

Trực chỉ huy Quân chủng là đồng chí Nguyễn Văn Tiên; Kíp trực Dẫn đường tại SCH gồm: Nguyễn Văn Chuyên, Trần Quang Kính.

Ở SCH Trung đoàn 921: Trực chỉ huy là đồng chí Đào Đình Luyện; Kíp trực Dẫn đường: Phạm Công Thành ở SCH, Trịnh Văn Tuất trực hiện sóng ở Trạm Radar 45.

Phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Nhị trực chính, phi công MiG-21 Nguyễn Đăng Kính trực dự bị.

Lần đầu tiên dẫn MiG-21 tốc độ vượt âm thanh, đánh ở độ cao cao (cao không) hoàn toàn khác với dẫn đánh ở độ cao trung bình, tốc độ dưới âm thanh. Vì vậy đòi hỏi các Sĩ quan Dẫn đường phải có kinh nghiệm, có trình độ dẫn bay chuyên sâu và thuần thục.

Trưa ngày 4/3/1966, theo tin tình báo cho biết: địch sẽ dùng máy bay không người lái trinh sát miền Bắc, Thủ trưởng Nguyễn Văn Tiên yêu cầu các thành phần trực phải theo dõi chặt chẽ trên bảng tiêu đồ xa và lệnh cho Trung đoàn và phi công sẵn sàng cất cánh chiến đấu.

Lúc 13h53 trên bảng tiêu đồ xuất hiện 1 tốp máy bay ở phía Tây Quan Hóa, qua Suối Rút tiến về phía Việt Trì, Bắc Cạn hướng về Thái Nguyên, độ cao tăng từ 9.000m lên 18.000m, tốc độ bay 800km/h.

Phán đoán đây là máy bay không người lái, SCH cho phi công Nguyễn Hồng Nhị vào cấp 1, mở máy cất cánh. Sau khi đạt độ cao an toàn, SCH cho hướng bay 270 độ, lên độ cao 6.000m. Tiếp tục SCH cho hướng bay 310 độ, lấy độ cao 8.000m.

Ngang Đoan Hùng, SCH cho vòng phải, hướng bay 90 độ, bật tăng lực tích lũy tốc độ, lấy độ cao 14.000m rồi 16.000m.

SCH cho tiếp hướng bay 150 độ, tăng tốc độ lên 1.800km/h, lấy độ cao 17.000m và đuổi theo mục tiêu. Dẫn đường luôn bám sát số liệu bay thực tế của phi công và liên tục thông báo vị trí, cự ly của mục tiêu.

Sau khi cho phi công vòng trái, bay hướng 90 độ, lúc này mục tiêu ở phía trước cách 30km, cao hơn máy bay ta 2.500m. SCH lệnh cho phi công bật radar trên máy bay.

Nguyễn Hồng Nhị tập trung quan sát và phát hiện mục tiêu, xin phép công kích, điều khiển máy bay tiếp cận mục tiêu và lần lượt phóng 2 quả tên lửa tiêu diệt chiếc máy bay không người lái. Trên màn hình ở Trạm radar dẫn đường, tín hiệu của mục tiêu cũng biến mất. Nguyễn Hồng Nhị bay về hạ cánh an toàn.

Trận đánh ngày 4/3/1966 đã đi vào lịch sử, là ngày mở màn chiến thắng của loại máy bay mới, máy bay MiG-21 bắn rơi máy bay Mỹ, và cũng là chiến công đầu tiên trong cuộc đời phi công chiến đấu của người Anh hùng.

Sau trận đánh ngày 4/3/1966, một niềm vui quá bất ngờ với Nguyễn Hồng Nhị, anh và các phi công từng lập công được vào gặp Bác Hồ, được Bác tặng Huy hiệu của Người.

Nguyễn Hồng Nhị - Phi công tài ba: Sư đoàn trưởng duy nhất của KQVN được phong Thiếu tướng - Ảnh 4.
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt các phi công lập thành tích (Phi công Nguyễn Hồng Nhị ngồi ngoài cùng bên phải) – Ảnh: Tư liệu

Trận đánh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga

Trận đánh cũng có nhiều ý nghĩa với phi công Nguyễn Hồng Nhị là trận ông bắn rơi chiếc máy bay thứ 7 đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, trận đánh ngày 7/11/1967.

Biên đội Nhị – Kính đã quần nhau với 6 tốp máy bay Mỹ, dùng chiến thuật “đánh nhanh, thọc sâu”, Biên đội bắn rơi 2 máy bay Mỹ và trở về hạ cánh an toàn.

Sáng ngày 7/11/1967, máy bay Mi-4 chở 2 phi công Nguyễn Hồng Nhị và Nguyễn Đăng Kính từ sân bay Gia Lâm về sân bay Đa Phúc.

Chính ủy & Trung đoàn trưởng Trung đoàn KQ921 đang chờ Biên đội Nhị – Kính. Trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ ngắn gọn: “Yêu cầu hôm nay đánh một trận thắng tốt. Đó là yêu cầu cấp bách của đơn vị”.

Nguyễn Hồng Nhị và Nguyễn Đăng Kính nhanh chóng ra tiếp thu máy bay. Không khí SCH Trung đoàn rất khẩn trương.

Kíp trực ban Dẫn đường SCH có: dẫn chính Tạ Quốc Hưng tại bàn tiêu đồ gần; Trịnh Văn Tuất & Nguyễn Đức Thủy trên màn hiện sóng Radar. Trực ban Dẫn đường ở SCH Quân chủng là Nguyễn Văn Chuyên dẫn bổ trợ.

Theo tin tình báo mà Sĩ quan Quân báo cung cấp và phân tích các hiện tượng gây nhiễu trên bảng tiêu đồ xa, SCH quyết định cho Biên đội Nhị – Kính cất cánh. Do đường băng bị đánh hỏng, Biên đội lần lượt cất cánh trên đường lăn hẹp, chiều rộng chỉ có 16m, Biên đội phải bay tại sân để tập hợp đội hình.

SCH dẫn Biên đội vào khu vực Vạn Yên – Phù Yên – Lũng Lô đánh chặn địch, độ cao 6000m. Góc vào tiếp địch 65 độ, SCH liên tục thông báo vị trí máy bay địch cho các anh. Biên đội phát hiện mục tiêu bên phải 45 độ, cự ly 15km.

Được lệnh vứt thùng dầu phụ và tăng tốc độ lao vào công kích. Biên đội Nhị – Kính phát hiện 6 tốp máy bay, bay theo đội hình kéo dài, các tốp tiêm kích bay hộ tống phía trước và khóa đuôi phía sau, ở giữa là các tốp cường kích F-105.

Số 1 phóng 1 quả tên lửa vào tốp F-4 hộ tống làm rối loạn đội hình máy bay tiêm kích, thừa cơ lũ cường kích F-105 bị hở sườn, Nguyễn Hồng Nhị tăng tốc độ bắn rơi 1 chiếc máy bay cường kích F-105, phi công nhảy dù và bị ta bắt sống. Số F-105 còn lại vội vàng quăng bom ngoài mục tiêu để chạy thoát thân.

Trong lúc này, số 2 Nguyễn Đăng Kính bay yểm trợ cho số 1 tấn công, anh phát hiện một tốp F-4 đang bám phía sau Đội trưởng, anh phóng 1 quả tên lửa vào đội hình F-4 và tiêu diệt một máy bay F-4. Biên đội được dẫn trở về hạ cánh an toàn.

Nguyễn Hồng Nhị - Phi công tài ba: Sư đoàn trưởng duy nhất của KQVN được phong Thiếu tướng - Ảnh 6.
Phi công Nguyễn Hồng Nhị và phu nhân, CCBKQ Nguyễn Thị Thanh Dậu. Ảnh: Nguyễn Việt Cường.

Chuyến bay đau thương và những lần “gặp hạn”

Chuyến bay mà Thiếu tướng phi công, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị nhớ suốt đời, chuyến bay mà các phi công phải nén đau thương, gạt nước mắt để bước lên máy bay, đấy là chuyến bay ngang Quảng trường Ba Đình để chào Bác Hồ kính yêu.

Phi công Nguyễn Hồng Nhị nhiều lần gặp hạn, suýt phải bỏ mạng, nhưng ông đều vượt qua.

Lần thứ nhất, trong trận đánh ngày 26/4/1966, máy bay của Nguyễn Hồng Nhị bị trúng mảnh tên lửa Mỹ, máy bay không điều khiển được, anh được lệnh nhảy dù.

Khi tiếp đất anh bị dân quân địa phương trói chặt lại. Thấy anh nói giọng Bình Định, mọi người tưởng anh là phi công địch nên càng căm thù. Gần 1 tuần lễ sau, do đường sá đi lại khó khăn hiểm trở nên đơn vị mới đón được anh về viện.

Trước đấy, một chiếc Mi-4 chở tổ cấp cứu bay lên đón anh, máy bay mới tới Bắc Cạn thì bị các hỏa lực mặt đất bắn trúng, rất may tổ bay và các bác sĩ đi theo máy bay đều an toàn.

Nguyễn Hồng Nhị - Phi công tài ba: Sư đoàn trưởng duy nhất của KQVN được phong Thiếu tướng - Ảnh 7.
Tác giả Nguyễn Việt Cường (bìa trái) cùng các CCB Không quân đến thăm anh chị Nguyễn Hồng Nhị (thứ ba và thứ tư từ trái sang). Ảnh: Nguyễn Việt Cường.

Ở bệnh viện, khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện Nguyễn Hồng Nhị bị xẹp 3 đốt cột sống. anh bi quan vô cùng, tuy nhiên, bằng ý chí, nghị lực, bằng sự cần mẫn rèn luyện và sự chữa chạy tận tình của các bác sĩ, ngày 20/7/1966 anh vui mừng được cầm tờ giấy xuất viện với dòng chữ “Về đơn vị tiếp tục bay”.

Lần thứ hai: năm 1975, Nguyễn Hồng Nhị được giao nhiệm vụ chỉ huy một tổ tiền trạm để chỉ huy các lực lượng tiếp quản các sân bay ta vừa giải phóng; tổ chức chiến đấu, phối hợp các đơn vị bộ binh.

Khi chiếc máy bay trực thăng chở anh và tổ tiền trạm gần đến sân bay Nha Trang thì bị phòng không của ta bắn bị thương vì tưởng lầm là máy bay địch. Máy bay phải hạ cánh bắt buộc. Sau khi kiểm tra xong, máy bay cất cánh về sân bay Nha Trang, lần này máy bay lại bị quân ta bắn nhầm, máy bay rơi.

Mọi người nhanh chóng thoát ly khỏi máy bay và chạy thật nhanh để xa máy bay. Chạy được một đoạn thì máy bay nổ tung. Rất may không có ai bị thiệt mạng hoặc bị thương.

Ngày 28/4/1975, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Lê Văn Tri, cùng các đống chí: Trần Mạnh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng; Trần Hanh, Tư lệnh Binh chủng KQ; Nguyễn Hồng Nhị, Phó Tư lệnh Sư đoàn không quân 371 đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phi đội Quyết thắng tại sân bay Thành Sơn.

Sau một thời gian lâm trọng bệnh, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Hồng Nhị – một trong những phi công huyền thoại của Không quân nhân dân Việt Nam – đã qua đời trưa ngày 25/11/2021. Ông ra đi, để lại sự tiếc nuối sâu sắc cho gia đình, thân quyến và bè bạn.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị là phi công Việt Nam đầu tiên đầu tiên dùng máy bay MiG 21 bắn rơi máy bay Mỹ vào ngày 4/3/1966. Trong chiến tranh, ông bắn rơi tổng cộng 8 máy bay của quân đội Mỹ.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba), 2 Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì), Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, 8 Huy hiệu Bác Hồ…

Nguyễn Việt Cường – Nguyên Sĩ quan Dẫn đường KQNDVN

Bài mới
Đọc nhiều