Phi công huyền thoại Bảy A trong ký ức một cựu binh Mỹ
Cuộc gặp gỡ giữa một cựu phi công quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam với một phi công Bắc Việt, người đã trở thành huyền thoại với 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ.
Cựu phi công Mỹ Ralph Wetterhahn, người từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, quay lại chiến trường xưa vào năm 1997 để tìm kiếm thông tin về thiếu tá John Robertson, một người đồng đội của ông, người bị phi công Nguyễn Văn Bảy (tức Bảy A) hạ gục trong một trận không chiến năm 1966.
PV lược dịch cuộc trò chuyện của đại tá Nguyễn Văn Bảy và cựu phi công Wetterhahn.
Nhiều chuyến đi của tôi đến Việt Nam đã hằn sâu trong ký ức, tất nhiên bao gồm 180 trận đánh tôi điều khiển máy bay chiến đấu McDonnell F-4 Phantoms đến tấn công miền Bắc Việt Nam.
Nhưng trong một lần quay lại năm 1997, tôi gặp lại một phi công Bắc Việt, một người đã trở thành Ace (danh hiệu dành cho các phi công quân sự bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên), ông là Nguyễn Văn Bảy.
Đó là khi tôi đến Hà Nội với quan chức bộ ngoại giao Ken Quinn. Quinn đến Hà Nội thực hiện sứ mệnh tìm thông tin về những lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Một trong số họ, thiếu tá John Robertson, là một người bạn của tôi, một người cùng phi đội.
Cuộc gặp gỡ dưới mặt đất đầu tiên
Năm 1966, tôi và Robbie (tên thân mật của John Robertson) tham chiến, bay chiếc F-4C từ căn cứ không quân Hoàng gia Thái Lan trong chiến dịch ném bom “Sấm rền”. Trong một nhiệm vụ tấn công vào ngày 16/9, Robert bay trước, tôi bay sau. Tôi quay lại, còn anh ấy thì không.
Phi đội nhận được rất ít thông tin về vụ tai nạn của anh, Quinn và tôi đang hy vọng tìm hiểu thêm. Có tin đồn rằng Robbie đã sống sót, chủ yếu dựa trên một bức ảnh mà Quinn có trong tay, nhưng vẫn chưa thể chắc chắn. Robbie là một trong số ba tù nhân được cho là còn sống và bị giam ở Lào.
Phía Việt Nam cho tôi liên lạc với một số phi công chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam. Đó là dịp mà tôi đến, để ngồi đối diện với hai phi công Việt Nam. Ông Đỗ Huy Hoàng và ông Nguyễn Văn Bảy, tôi là phi công Mỹ đầu tiên mà 2 người đàn ông này gặp trực tiếp.
Ở tuổi 63, ông Bảy có thân hình nhỏ bé, gầy gò với khuôn mặt đầy nếp nhăn. Ông trồng xoài và nuôi cá tại một trang trại nhỏ gần TP.HCM. Người nông dân này đã bắn rơi 7 máy bay của chúng tôi.
Ông là người nghiện thuốc lá. Trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi nhìn nhau qua làn khói dày, xám xịt. Trong tay ông là bao thuốc nhãn hiệu 555, trùng với số hiệu phi đội cũ của tôi – “Triple Niken”. Tôi đặt máy ghi âm xuống, lắng nghe câu chuyện ông kể về 7 chiến tích, hy vọng có thể có thêm thông tin về Robbie.
Ông Bảy lôi ra một tập giấy giấy úa vàng, liệt kê tất cả các trận đánh của mình, bao gồm 7 chiến tích. Ở mỗi trận đánh, ông bắt đầu bằng ngày, sau đó là các chi tiết về trận đánh, vị trí, điều kiện thời tiết, số lượng và loại máy bay, kết quả của mỗi trận. Chúng tôi trao đổi khoảng 2 giờ đồng hồ, đến khi ông Bảy nói về chiến tích thứ 6.
“Ngày 16/9/1966…”, người phiên dịch nói.
Ông Bảy nhìn vào tập giấy, chần chừ như thể ông biết mình đang chuẩn bị nói đến một sự kiện liên quan đến tôi, bằng cách này hay cách khác.
“Tôi cũng đã ở đó”, tôi nói.
Ông ngả người ra sau, rít một hơi thuốc dài và bắt đầu kể về trận không chiến, khoảnh khắc ông tiêu diệt Robbie.
Chiến tích thứ 6
Tiếng chuông báo động vang lên trên sân bay Gia Lâm sáng 16/9/1966. Đội bay đã vào vị trí, ông Bảy lái chiếc thứ 3 trong phi đội 4 chiến đấu cơ, dẫn đầu là Hồ Văn Quý.
Ông Quý là một lính lái huyền thoại, đã tiêu diệt 1 chiếc F-4 lúc đó. Còn ông Bảy đã có 3 chiến tích, 1 chiếc F-4, 1 Navy Vought F-8 Crusader và chiếc còn lại là Republic F-105 Thunderchief.
Một người nữa là phi công Lưu Huy Chao, lái máy bay hỗ trợ cho người dẫn đầu phi đội, cũng đã 3 lần hạ máy bay của chúng tôi trước đó.
Ông Bảy là người đầu tiên phát hiện ra máy bay của Robbie. Ông xin phép đội trưởng được tấn công, nhưng ông Quý không tin máy bay MiG có thể bắt kịp chiếc F-4 của chúng tôi, nó quá nhanh. Ông Quý đã đúng, chiếc MiG cố gắng trong vô vọng để đuổi kịp chiếc F-4, cho đến khi nó mắc một sai lầm chết người, bay vòng lại.
“Đôi khi các phi công vẫn ngủ dưới cánh máy bay để có thể vào trạng thái sẵn sàng nhanh nhất khi có báo động” – đại tá Lưu Huy Chao.
Hubert Buchanan, phi công phụ của Robbie kể lại về trận chiến với ông Bảy trong một lần gặp gỡ.
“Chúng tôi phải bay thấp để tránh radar phát hiện, nhưng không được quá thấp, sẽ chịu hỏa lực mặt đất. Những trận chiến đó quá khốc liệt, máy bay ở khắp mọi nơi. Một người trong phi đội của chúng tôi hét lớn, có 1 máy bay MiG đang đến gần, hướng 6 giờ”, ông Buchanan nói.
“Khi đó chúng tôi triển khai đội hình, bay vòng sang trái, và đó không phải một chiến lược đúng đắn. Những chiếc MiG bắt đầu áp sát, cắt vào hướng bay của chúng tôi và cũng bay vòng trái theo”, ông Buchanan nhớ lại.
Ông Bảy có tất cả ba khẩu súng đầy đủ đạn và sẵn sàng khai hỏa bất cứ lúc nào.
“Tôi phải bay vòng lại phía sau chiếc Phantom, tầm bắn của chúng tôi rất kém. Tôi phải tiến sát mục tiêu 100-150 m mới đạt tầm bắn hiệu quả. Như thế, tôi mới có thể ngắm bằng kính ngắm được”, ông Bảy kể lại.
“Gã này đang bay thẳng về phía chúng ta, hắn có thể bắn bất cứ lúc nào!”, Buchanan nhớ lại lời nói với Robbie.
Một loạt vòng tròn lửa rực sáng trên khoang lái chiếc F-4 của Buchanan. Ông nhìn thấy chiếc MiG đang lại gần. “Lần này thì kết thúc rồi. Hắn đã trừng phạt sai lầm của chúng ta”.
Ông Bảy bay thẳng hàng với chiếc F-4, xả loạt đạn kết liễu. Một bánh xe bắn ra khỏi chiếc máy bay bốc cháy, vọt ngang qua khoang lái của ông. Đối với Buchanan, mọi thứ trở nên tối đen.
“Cảm giác mắt tôi tứa máu mọi phía, mũ bảo hiểm của tôi rơi ra, nảy lên khắp nơi. Tôi còn chẳng nhớ rõ mình đã kéo cần ghế phóng, như là một giấc mơ, khoang lái nổ tung. Tôi cảm nhận được gió và thứ tiếp theo tôi biết là dù của tôi đã bật mở”, Buchanan nhớ lại lúc đối mặt với cái chết.
Ông Bảy tăng tốc ra khỏi nơi chiếc Phantom nổ tung, bay vòng lại để chứng kiến lần cuối chiến đấu cơ đang lao xuống mặt đất như một quả cầu lửa.
Buchanan bị bắt và giam giữ đến năm 1973. Còn thiếu tá Robertson đã hy sinh và vẫn chưa tìm thấy thi hài.
Từ đi xe đạp lên lái máy bay
Phi công Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1937, là người con thứ 7 trong gia đình 11 anh em ở miền Nam Việt Nam. Năm 16 tuổi, ông ra Bắc để gia nhập hàng ngũ quân đội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau Hiệp định Geneve 1954, hai miền bị chia cắt, ông chọn ở lại miền Bắc và từ đó mất liên lạc với gia đình.
Ông Bảy xung phong tham gia khóa huấn luyện phi công năm 1962, là một trong những người đầu tiên được gửi sang Trung Quốc học điều khiển máy bay chiến đấu. Lúc đó ông đùa: “Tôi chuyển từ đi xe đạp lên thẳng lái máy bay”.
Học viên bắt đầu với chiếc Yak-18, sau đó chuyển qua MiG-15 và cuối cùng học và chiến đấu bằng MiG-17.
“Đối với tôi, dù trước đây hay bây giờ ông vẫn luôn là một anh hùng. Mọi người vẫn đến nhà để được gặp ông ấy” – bà Trần Thị Niên, vợ đại tá Nguyễn Văn Bảy.
“Chúng tôi mất 4 năm để học ở Trung Quốc, chúng tôi cũng có thầy giáo từ Nga”, ông Bảy nhớ lại. Giống như các phi công Mỹ, lính lái cần ít nhất 200 giờ bay tập trước khi tham gia chiến đấu thật. Ông Bảy, ông Chao chỉ có 100 giờ để làm quen với chiếc MiG-17 trước trận đánh đầu tiên.
“Tôi bị say trong suốt phần đầu của khóa huấn luyện. Tôi phải cắt đôi quả bóng, gắn vào một sợi dây và buộc vào cổ mình khi bay. Khi nôn, tôi sẽ nôn vào quả bóng đó”, ông Bảy kể lại.
Ông Bảy vẫn đang trong khóa đào tạo phi công khi miền Bắc Việt Nam hứng chịu trận oanh tạc đầu tiên của máy bay Mỹ.
Ngày 5/8, Không quân Bắc Việt mới chỉ nhận được 36 máy bay chiến đấu MiG-17 và máy bay tập luyện MiG-15 từ Liên bang Xô Viết. Các nhà quân sự đều lo ngại trước hệ thống máy bay chiến đấu và lính lái hiện đại, tinh nhuệ của quân đội Mỹ.
“Tôi bị say trong suốt phần đầu của khóa huấn luyện. Tôi phải cắt đôi quả bóng, gắn vào một sợi dây và buộc vào cổ mình khi bay. Khi nôn, tôi sẽ nôn vào quả bóng đó”, ông Bảy kể lại.
Năm 1965, ông Bảy trở về Việt Nam, khi đó máy bay Mỹ vẫn đang oanh tạc trong chiến dịch ném bom “Sấm rền”. Trận đánh đầu tiên của ông vào ngày 6/10/1965, đưa ông gần với tử thần hơn bao giờ hết.
Ông Bảy nhớ lại một quả tên lửa đã phát nổ ngay cánh trái máy bay. “Tôi có thể cảm nhận được vụ nổ, máy bay chúc xuống và rung mạnh”.
Ông lập tức quay đầu về căn cứ Nội Bài và bình tĩnh hạ cánh an toàn. Rời khỏi khoang lái, ông đếm được 82 cái lỗ thủng trên thân chiếc MiG-17, phần đuôi gần như vỡ nát.
“Tôi có cảm giác mình là một tay đấm hạng nhẹ bước vào võ đài, cố hạ knock out một võ sĩ hạng nặng. Nó không giống như một trận chiến mà là hàng chục trận chiến diễn ra cùng lúc. Chúng tôi bị chèn ép về số lượng, 1 máy bay Việt Nam với 4-5 máy bay Mỹ. Chúng tôi chỉ cố gắng sống sót”, ông Bảy nhớ lại.
“Máy bay Mỹ quá nhanh so với chúng tôi. Chúng tôi tìm mọi cách để bắt họ phải vòng, khi họ vòng tốc độ không còn quan trọng nữa. Chúng tôi có thể đuổi theo họ dễ dàng hơn và tận dụng một góc thích hợp để có tầm bắn hiệu quả”, ông Bảy nói.
Chiến công đầu tiên của ông Bảy là vào ngày 21/6/1966.
Hôm đó, biên đội 4 chiếc MiG-17 phát hiện nhiều máy bay Mỹ, trong đó có một máy bay trinh sát RF8A được hộ tống bởi chiếc F8 Crusader vốn được mệnh danh là “Hiệp sĩ thánh chiến” của Phi đội 211 Mỹ. Biên đội trưởng Phan Thành Trung đã tiêu diệt chiếc RF8A; còn phi công Bảy hạ chiếc F8E do Cole Black điều khiển.
Ông kể lại: “Khi tôi nhìn thấy chiếc F-4 trên kính chắn gió, tôi khai hỏa, chiếc máy bay bị hạ”. Ông cũng không quên kể lại cho người vợ mới cưới, một sinh viên ngành kế toán tại một trường ĐH ở Hà Nội, rằng đây là chiếc máy bay đầu tiên ông bắn hạ.
15 phút đám cưới, 12 ngày chiến đấu
Quãng thời gian chiến đấu ác liệt nhất cũng là lúc ông tổ chức lễ cưới.
“Tôi bỏ bộ đồ phi công xuống, mặc quần áo bình thường, đám cưới diễn ra trong 15 phút, cộng với thời gian vừa đủ để tôi hút hết 1 điếu thuốc. Vội vã mặc lại bộ đồ phi công, tôi trở lại tình trạng sẵn sàng và chiến đấu liên tục 12 ngày trước khi gặp lại cô ấy”, ông cười.
Ông Chao nhớ lại khi đó, các phi công đôi khi còn ngủ dưới cánh máy bay sẵn sàng chờ hiệu lệnh chiến đấu.
Đến các ngày 24 và 29/6/1966, phi công Bảy tiếp tục lập công – bắn rơi máy bay F4C và F105D trên bầu trời Thái Nguyên, Việt Trì và Hà Nội.
Ngày 21/9/1966, trên bầu trời Chí Linh (Hải Dương), 16 máy bay F4 và F105 của Mỹ chia thành nhiều tốp, nhiều tầng, nhiều hướng bao vây biên đội 4 máy bay của ông Bảy. Trận này, Mỹ bị biên đội ông Bảy hạ 3 chiếc, trong đó phi công Bảy hạ một chiếc F4.
Nói về chiến lược của mình, ông Bảy chia sẻ: “Để có độ cao, tốc độ phù hợp, vào được vị trí có thể tấn công hiệu quả, ta phải phát hiện ra địch trước. Chúng tôi đã học hỏi rất nhiều từ các trận không chiến từ Chiến tranh thế giới thứ 2 giữa Đức và Liên bang Xô Viết. Kẻ bắn trước là kẻ thắng”.
“Chúng tôi thừa hiểu người Mỹ có khí tài uy lực thế nào. Máy bay Mỹ hiện đại hơn và nhiều hơn chúng tôi. Đó là điểm mạnh của họ nhưng điểm yếu là họ bay từ rất xa đến. Họ lo sợ khi hàng nghìn con mắt dõi theo họ, hàng nghìn khẩu súng đang hướng về phía họ dưới mặt đất. Họ không bao giờ tập trung 100% vào máy bay của chúng tôi, vì vậy chúng tôi thường phát hiện ra họ trước”, ông Bảy nói.
Những chiếc Mig-17 và 21 sống sót qua 8 năm chiến tranh (1965-1973) đã là một kỳ tích, trở thành Ace khi điều khiển những chiếc máy bay này xứng đáng là anh hùng dân tộc.
Trong số 16 phi công Việt Nam có danh hiệu Ace, chỉ 3 người điều khiển chiếc MiG-17. 13 người còn lại đều dùng máy bay đời sau là MiG-21, phiên bản nâng cấp với cánh tam giác, radar và tên lửa tầm nhiệt và được coi có sức mạnh tương đương với F-4 và F-8 của không quân Mỹ trong điều khiển và tăng tốc.
Phiên bản cổ điển MiG-17 sản xuất trong những năm 1950 quá khó để điều khiển ở tốc độ cao, không có radar, không có tên lửa và chỉ được trang bị pháo 37 mm, và 2 khẩu 23 mm.
Hệ thống ngắm bắn của MiG-17 lỗi thời, độ chính xác thấp. Điểm mạnh ít ỏi của MiG-17 là tầm nhìn tốt và khả năng ngoặt hướng ở tốc độ cao. Tuy nhiên, MiG-17 vẫn bị vượt trội bởi số lượng và chất lượng của những chiếc F-4, F-105 của không quân Mỹ.
Người Mỹ còn cho rằng những chiếc MiG-17 và 21 sống sót qua 8 năm chiến tranh (1965-1973) đã là một kỳ tích, trở thành Ace khi điều khiển những chiếc máy bay này xứng đáng là anh hùng dân tộc.
Đêm đó, tại một nhà hàng gần nhà ông Bảy, chúng tôi ăn uống và coi nhau như những người bạn cũ, thách thức nhau những cốc rượu. Trước khi ra về, chúng tôi đưa ông đến cạnh một con đường lớn, nơi có lối rẽ vào trang trại của người cựu phi công.
Chào tạm biệt, ông bắt tay, tặng chúng tôi những cái ôm rồi mỉm cười ra về.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (còn gọi là Bảy A) qua đời tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) ngày 22/9 sau một cơn đột quỵ khi đang làm vườn.
Lễ viếng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy diễn ra từ 9h ngày 24/9 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, TP.HCM) và ngày 26-27/9 tại UBND huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Linh cữu sau đó được đưa về an táng tại nghĩa trang gia đình.
Sơn Hà/ Zing News