Phi công chiến đấu Việt Nam mang theo vũ khí gì khi lên tiêm kích Su-30MK2?
Bên cạnh bộ dụng cụ sinh tồn bắt buộc phải mang theo trong mọi nhiệm vụ bay, phi công tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam còn được trang bị vũ khí cá nhân như mọi đồng nghiệp khác trên TG.
Phi công mang vũ khí cá nhân gì lên tiêm kích Su-30MK2?
Trong mỗi nhiệm vụ bay trong huấn luyện, cũng như trong chiến đấu, các phi công quân sự trên thế giới bên cạnh bộ dụng cụ sinh tồn có sẵn trên máy bay, những người lính còn được trang bị thêm các loại vũ khí cá nhân dùng để tự vệ khi buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống mặt đất. Quy định này cũng được Không quân Việt Nam áp dụng.
Điều này thể hiện rõ qua phóng sự “Nâng cao khả năng thực hành bắn ném trên biển” của kênh QPVN ghi lại hình ảnh các phi công của Quân chủng Phòng không – Không quân thực hành ném bom, bắn rocket và pháo vào các mục tiêu biển tại trường bắn TB5.
Theo đó, các phi công chiến đấu Việt Nam trước khi thực hiện nhiệm vụ bay được cấp phát các loại quân trang cá nhân. Đặc biệt đáng chú ý, các phi công tiêm kích Su-30MK2, Su-27 và Su-22 đều được trang bị súng ngắn K59 cùng thêm ít nhất một hộp tiếp đạn dự phòng.
Đây dường như chính là vũ khí tự vệ tiêu chuẩn mà các phi công Việt Nam mang theo khi thực hiện nhiệm vụ.
Nhận định này có phần hợp lý bởi trong hai mẫu súng ngắn của Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện tại là K54 và K59, thì K59 phù hợp cả để các phi công mang theo bên mình bởi kích thước nhỏ gọn của súng.
Có thể mang súng uy lực lớn hơn không?
Trong Quân đội nhiều nước trên thế giới hiện tại các phi công quân sự hay chiến đầu đều được trang bị các loại vũ khí tự vệ như súng ngắn tự động hoặc súng tiểu liên. Thậm chí ở một số loại máy bay có không gian lớn, phi công còn có thể mang theo cả súng trường tấn công.
Lấy ví dụ điển hình như các phi công chiến đấu của Nga đang làm nhiệm vụ ở Syria, khi họ được trang bị các loại áo vest đặc biệt cho phép mang theo súng ngắn tự động Stechkin APS cùng ít nhất bốn hộp tiếp đạn dự phòng. Đối với các phi công lái trực thăng chiến đấu vũ khí ưa thích thường là súng tiểu liên AK-74U.
Một ví dụ khác có thể nhắc đến là các phi công quân sự phục vụ trong Quân đội Mỹ, ở đây trang bị của lực lượng phi công này khá đa dạng từ súng ngắn cho đến của súng trường tấn công tùy thuộc vào loại phương tiện mà họ lái. Trong đó phổ biến nhất vẫn là các mẫu súng ngắn như Beretta M9 và súng trường tấn công M4 carbine.
Nhìn chung điểm chung của các loại vũ khí tự vệ được các phi công quân sự trên thế giới sử dụng là có kích thước nhỏ gọn dễ mang theo bên mình, không đòi hỏi hỏa lực mạnh và phù hợp với nhiệm vụ tự vệ hoặc cận chiến.
Quay lại với K59 (theo cách Việt Nam định danh) hay có cái tên gốc là Makarov là mẫu súng ngắn bán tự động do Liên Xô phát triển vào cuối những năm 1940 được sử dụng rộng rãi trong Các lực lượng Vũ trang Việt Nam, hầu hết là được trang bị cho cấp sĩ quan và chỉ huy.
Về thiết kế K59 có trọng lượng chỉ 730g; dài 161,5mm và sử dụng loại đạn tiêu chuẩn 9x18mm, đi kèm với đó là hộp tiếp đạn tiêu chuẩn 8 viên. K59 có tầm bắn hiệu quả 50m và tốc độ bắn trung bình khoảng 100 phát/phút.
Dù có thời gian phục vụ đã khá dài thế nhưng K59 vẫn được đánh giá là một trong những mẫu súng ngắn tốt nhất từng được chế tạo, có thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, độ tin cậy cao và phù hợp với yêu cầu chiến đấu tầm gần. Đó chính là do mẫu vũ khí này vẫn được Quân đội Nhân dân Việt Nam tin dùng.
Đối với yêu cầu tác chiến của phi công Việt Nam hiện tại thì K59 vẫn đang là lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên trong tương lai, nếu có điều kiện, Quân chủng PK-KQ cũng nên xem xét tới phương án thay thế K59 bằng một mẫu súng ngắn hoặc tiểu liên hiện đại và uy lực hơn.
Trà Khánh/Soha News