Phỉ báng đất nước thì quay về làm gì!
Lẽ ra, thay vì nói tục và suy nghĩ tiêu cực, phỉ báng về đất nước, họ nên cảm thấy biết ơn vì đã về đến “đất mẹ” an toàn.
Vừa qua, một đoạn clip nữ hành khách từ Châu Âu về nước tránh dịch làm náo loạn sân bay, không chịu cách ly, trách móc bánh mỳ Việt Nam dở… đã khiến nhiều cư dân mạng nói riêng “dậy sóng” và người dân Việt nói chung bức xúc vô cùng.
Việt Kiều “di cư” về quê tránh dịch
Theo đoạn clip thì nhóm người này phải chờ đợi xe đưa về khu cách ly tập trung đã khá lâu, nhân viên hải quan giải thích về việc xe chậm trễ do phải đưa đợt khách trước và phải khử trùng toàn bộ xe trước khi quay lại đón nhóm khách tiếp theo. Tuy nhiên, nhóm khách này vẫn không thông cảm và to tiếng, bức xúc, đòi hỏi, chê thức ăn là không nuốt nổi, không muốn vào khu cách ly tập trung.
Người phụ nữ này ‘cãi tay đôi’ với lực lượng chức năng rằng: “Anh phải hiểu rằng chuyến bay có 4, 5 người bị nhiễm thì cách ly cả chuyến. Còn chuyến bay của chúng em chưa có hiện tượng nào, tại sao bắt chúng em giam lẫn với nhau. Thế người chuyến bay sau xuống rồi lây nhau chết không? Bây giờ không quyết định nữa, cho bọn em về đi, bọn em ở đây để chết à?”
Đáng chú ý, đây không phải là trường hợp đầu tiên liên quan đến chuyện “Việt Kiều hồi hương” để né dịch thể hiện thái độ xem thường nơi “chôn rau cắt rốn” của mình.
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền loạt hình ảnh kèm những đoạn status có ý nói xấu quê hương của của một nữ Việt Kiều rằng: ‘Hạ cánh an toàn… sân bay buồn quá. Tụi bay xạo ***, không có lũ nước ngoài như tụi tao thì tụi bay hốt *** mà ăn chứ ở đó mà kỳ thị’.
Hoặc, một nữ Việt kiều trở về từ Hàn Quốc đã khiến nhiều người chú ý khi đăng tải những hình ảnh ở khu cách ly lên mạng xã hội. Trong video, cô cho biết mình vừa về nước cùng con nhỏ được 2 ngày và ngay lập tức bị y tế xã đưa vào khu cách ly. Cô bày tỏ sự bức xúc với cơ sở vật chất bên trong khu vực cách ly, cho rằng nơi này quá dơ không thể để cô và con ở được….
Thực tế cho thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại châu Âu, Mỹ, nhiều gia đình có người thân tại vùng dịch muốn cho con em về nước ngay thời điểm này, nên tạo nên một làn sóng hồi hương. Khi lượng lớn công dân ồ ạt về nước sẽ khiến cho công tác quản lý chống lây nhiễm trong cở sở cách ly chịu nhiều áp lực và khó khăn hơn.
Được biết, 18.3, có 1.095 hành khách từ châu Âu về Việt Nam, có 999 người Việt Nam, 96 khách nước ngoài. 999 hành khách Việt Nam, có 325 người về từ Anh, Pháp và Đức, là 3 quốc gia có dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội. Số khách Việt còn lại đi trên những chuyến bay không xuất phát từ vùng dịch nhưng có tỷ lệ lớn đã nối chuyến từ châu Âu.
Cũng trong ngày 18.3, dự kiến có 5.711 hành khách từ khu vực ASEAN về Việt Nam trên 78 chuyến bay. Trong số này, sân bay Nội Bài đón 22 chuyến với 1.623 khách. Sân bay Đà Nẵng đón 7 chuyến, 342 khách. Sân bay Cam Ranh đón 2 chuyến, 220 khách. Sân bay Liên Khương đón 2 chuyến, 159 khách. Sân bay Tân Sơn Nhất đón 43 chuyến với 3.159 khách. Sân bay Cần Thơ và Phú Quốc chỉ đón 1 chuyến, với lần lượt 129 và 79 khách.
Việc những người trở về nước từ vùng dịch ngay lúc dịch bệnh đang bùng nổ phải bị cách ly là điều hiện tại ai cũng ủng hộ để đảm bảo sức khỏe cho người dân trong nước. Nhiều người cho rằng những Việt Kiều bị cách ly khi về nước không nên quá đòi hỏi cơ sở vật chất vì để có được nơi cách ly, không ít bộ đội đã phải nhường lại chỗ ở…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời, thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung.
Phỉ báng đất nước thì quay về làm gì!
Dĩ nhiên, những lời lẽ phản cảm của một số trường hợp Việt Kiều nói trên ngay lập tức nhận về nhiều chỉ trích, đặc biệt trong tình cảnh Việt Nam sẵn sàng đón những người Việt làm ăn xa xứ quay trở về quê hương khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó lường ở khắp các quốc gia trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi họp chỉ đạo về công tác phòng chống dịch ngày hôm 18.3 nói: “Những trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thực sự cần thiết phải về nước, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Đấy là nghĩa đồng bào”.
Vì nghĩa đồng bào, Chính phủ Việt Nam đã cho phép các chuyến bay Vietnam Airlines từ châu Âu về Việt Nam được chở hành khách đủ điều kiện nhập cảnh (công dân Việt Nam, người nước ngoài mang hộ chiếu công vụ). Trong khi Bộ Y tế cùng các bộ liên ngay lập tức quan lên phương án sớm để cách ly y tế những người trở về từ vùng dịch, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan.
Vì nghĩa đồng bào đó, nhẽ ra các hành khách hồi hương phải nắm bắt và tuân thủ các quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và đồng hành với Chính phủ, nhân dân Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Vậy mà thay vào đó, lại là thái độ không đúng mực, bức xúc, bất hợp tác với các lực lượng chức năng.
Thế nên, phần đông dư luận thể hiện sự bức xúc khi xem một số đoạn clip đó và cho rằng: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Còn chúng nó, khi đất nước khó khăn, cần những bàn tay lao động thì chúng nó bỏ đi. Nay khi chính chúng khốn khó, không sống được ở xứ người thì mò về. Không những thế lại còn đòi hỏi được ưu đãi, biệt lệ”.
Nói cách khác, chỉ riêng thời điểm xuất hiện dịch COVID-19 từ Vũ Hán – Trung Quốc, chưa bao giờ bỏ rơi một công dân nào trong dịch bệnh, các chuyến bay vẫn nỗ lực bay đến các vùng dịch để đưa người Việt về. Người nước ngoài sang Việt Nam nếu chẳng may bị mắc bệnh vẫn được chữa trị miễn phí. Bộ đội ở các doanh trại sẵn sàng nhường toàn bộ giường cho người cách ly, ra ngủ ở lán trại bên ngoài, hàng ngày dậy sớm nấu ăn, phục vụ. Họ không một lời kêu ca.
Các y bác sĩ ngày đêm chiến đấu với bệnh tật để cứu người bệnh và cũng phải tự cách ly, không được về nhà, chịu sự kỳ thị của mọi người mỗi khi ra đường (vì sợ bị lây bệnh). Họ cũng không một lời kêu ca…
Ấy vậy mà, nhóm người Việt trở về từ vùng tâm dịch kia, chỉ mới có mấy tiếng phải chịu cảnh chờ đợi ở sân bay vì xe chưa kịp quay lại đón (do phải khử trùng) đã lớn tiếng chê bai đồ ăn thức uống quê nhà, đòi hỏi, đòi tự về cách ly này nọ. Lẽ ra, thay vì nói tục và suy nghĩ tiêu cực, phỉ báng về đất nước, họ nên cảm thấy biết ơn vì đã về đến đất mẹ an toàn.
Bài học đắng chát kể từ khi ca nhiễm thứ 17 xuất hiện và lọt cửa kiểm soát sân bay, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19, kết thúc chuỗi liên tục 22 ngày không có ca bệnh mới phát sinh. Tính đến 22h30 ngày 18/3, chúng ta đã có ca nhiễm thứ 76, trên 15 tỉnh/thành phố, đã chữa khỏi 16 ca, chưa có bệnh nhân nào tử vong.
Hiện dịch đã xuất hiện ở 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, 204.044 ca nhiễm, 8.322 ca tử vong, 82.866 ca được chữa khỏi và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam.
Chính vì vậy, mỗi công dân Việt Nam nên ý thức được trách nhiệm của mình, sẵn sàng hợp tác, vui vẻ chấp nhận những điều kiện đôi khi còn chưa hoàn hảo, để chung tay với đất nước mình trong cuộc chiến phòng chống dịch. Còn nếu phỉ báng đất nước, coi thường dân tộc thì quay về làm gì!
Sông Trà