Bà Nancy Pelosi thách thức lòng kiên nhẫn của ông Tập Cận Bình?
Tối ngày 2/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, kết thúc những đồn đoán trước đó và đặt quan hệ Mỹ – Trung trước những sóng gió mới.
Có 3 nguyên nhân để chuyến đi của bà Pelosi diễn ra:
Thứ nhất, bà Nancy Pelosi luôn là nhân vật dành cho chính quyền Trung Quốc nhiều định kiến. Suốt 30 năm nay, bà không hề thay đổi định kiến này và luôn dùng ảnh hưởng cá nhân lên án hoạt động của chính quyền Trung Quốc. Sự kiện “Dù vàng” tại Hồng Kông 3 năm trước và các đe dọa dùng vũ lực đối với Đài Loan đầu tháng 4 năm nay từ chính quyền Trung Quốc có thể là một trong những nguyên nhân của chuyến thăm này.
Thứ hai, đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ Tổng thống cần một vài điểm son chính trị để khỏa lấp các hạn chế trong điều hành kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trong đó, vấn đề Đài Loan lại là vấn đề được cả hai viện quan tâm.
Ngay từ giữa tháng 5, nhiều nghị sĩ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lên tiếng chỉ trích thái độ mập mờ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Đài Loan. Các nghị sĩ này cho rằng một sự mập mờ sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm để Trung Quốc lợi dụng bành trướng ra khu vực, đe dọa nghiêm trọng lợi ích của Mỹ. Chuyến thăm của bà Pelosi không nằm ngoài mục đích củng cố niềm tin của các nghị sĩ lưỡng viện.
Thứ ba, sau sự rút chạy bị chỉ trích vô trách nhiệm khỏi Afghanistan và thái độ lạnh nhạt của các đồng minh khối Ả Rập, cùng một loạt các phản ứng chậm chạp với nhiều đồng minh truyền thống khác trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, chuyến thăm này khẳng định Mỹ đang cam kết mạnh mẽ hơn trước các đồng minh.
Dù Tổng thống Joe Biden bày tỏ việc đến Đài Loan của bà Nancy Pelosi không hoàn toàn là ý muốn của ông, nhưng với thông cáo báo chí của Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khẳng định “Đài Loan nằm trong lịch trình chính thức của chuyến công du” đã cho thấy một cách nhìn khác hẳn.
Với Trung Quốc, họ tất nhiên không thích tiền lệ mà một nhân vật chính trị quan trọng như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đem lại. Sự xuất hiện của nhân vật quyền lực của chính trường Mỹ được cho là sẽ dẫn đến các cuộc viếng thăm từ một số nhân vật chính trị cấp thấp hơn đến Đài Loan. Điều này có thể không nằm trong tầm kiểm soát của Trung Quốc.
Tuy vậy, giới quan sát chính trị quốc tế vẫn cho rằng Trung Quốc sẽ không phản ứng cực đoan vì hai lý do chính:
Đầu tiên là quan hệ kinh tế căng thẳng giữa hai nước dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã gây khá nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Nên việc chính quyền Joe Biden cân nhắc nới lỏng thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc là một ràng buộc lợi ích đáng kể để Trung Quốc thận trọng trong phản ứng.
Thứ hai, Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ còn gần 4 tháng nữa sẽ diễn ra với dự toán Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục tại vị. Điều này không cho phép một sự nhân nhượng đối với Mỹ lúc này, nhưng chính quyền Trung Quốc sẽ phải cân nhắc mức độ phản ứng để tránh đẩy các tranh cãi trở thành xung đột.
Giai đoạn trước đại hội luôn rất nhạy cảm và Trung Quốc, vì vậy đất nước này sẽ không sẵn sàng cho một cuộc xung đột với bất kỳ ai. Đặc biệt là khi vẫn còn rất nhiều khó khăn nội tại chưa giải quyết được vì chính sách “Zero Covid” gây ra.
Vậy nên, dù các cáo buộc vẫn không ngừng vang lên từ những người chịu trách nhiệm phát ngôn của hai phía Mỹ – Trung nhưng mọi động thái cứng rắn hơn như sử dụng vũ lực, có lẽ vẫn chưa diễn ra trong thời gian tới.
Phạm Khoa