+
Aa
-
like
comment

Phe Dân chủ quyết chiến tới cùng, ông Trump cận kề vực thẳm

11/12/2019 07:25

Các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã xúc tiến giai đoạn quyết định cuối cùng nhằm hoàn tất các thủ tục luận tội Tổng thống Donald Trump, khiến ông và các đồng minh trong đảng Cộng hòa như ngồi trên đống lửa.

Các phiên điều trần đợt hai, bắt đầu từ ngày 9/12 là cơ hội cuối cùng của đảng Dân chủ trước khi họ thống nhất về các điều khoản luận tội tổng thống nhằm chính thức công bố với người dân và thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu chống ông Trump tại Hạ viện.

Phe Dân chủ quyết chiến tới cùng, ông Trump cận kề vực thẳm

Theo CNN, đại đa số các thành viên thuộc Ủy ban Tư pháp của Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đã dành cuối tuần qua để vạch ra kịch bản cho phiên điều trần quan trọng đầu tuần này, trong đó các nhà điều tra của quốc hội có thể cân nhắc những căn cứ pháp lý nhằm khiến Tổng thống Trump trở thành lãnh đạo Nhà Trắng thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội.

Đảng Cộng hòa tất nhiên không chịu khoanh tay đứng nhìn. Họ đã gia tăng các nỗ lực phản kích nhằm bảo vệ Tổng thống Trump và cố gắng khắc họa quá trình điều tra luận tội ông do Hạ viện khởi xướng như một động thái bới lông tìm vết, mang tính đảng phái chính trị.

Giới quan sát cho rằng, hơn bao giờ hết, những bất đồng trên Đồi Capitol về vụ việc cho thấy các cơ chế do những người sáng lập nước Mỹ tạo ra nhằm cho phép đánh giá khách quan về tổng thống không còn phát huy hiệu lực vào một thời đại phân cực đảng phái như hiện nay. Chúng cũng sụp đổ khi các bên không thể nhất trí về những gì cấu thành một hành vi đáng bị luận tội.

Cho tới thời điểm hiện tại, phe Dân chủ vẫn cáo buộc Tổng thống Trump đã gây sức ép, trì hoãn các khoản viện trợ quân sự trị giá gần 400 triệu USD cho Kiev, nhằm buộc chính phủ của tân Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky phải mở cuộc điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người dự kiến sẽ là đối thủ chính của ông trong cuộc đua tái cử năm sau.

Theo đảng Dân chủ, đây là hành vi lạm dụng quyền lực, nhờ cậy thế lực nước ngoài can thiệp vào tổng tuyển cử Mỹ năm 2020 nhằm giúp tổng thống giành thêm một nhiệm kỳ nữa.

Phe Dân chủ cũng trích dẫn lời khai của các nhân chứng bên trong chính quyền Trump tại các phiên điều trần kín cũng như công khai hai tháng qua như bằng chứng xác nhận việc lãnh đạo Nhà Trắng thiết lập nỗ lực ngoại giao sau hậu trường, với sự giúp sức của luật sư riêng Rudy Giuliani nhằm gây áp lực buộc Kiev phải “đổi chác lợi ích”.

Phe Dân chủ cũng cho rằng, ông Trump đã cản trở cuộc điều tra của Hạ viện khi ra lệnh cho các quan chức thuộc Nhà Trắng và những cơ quan khác thuộc nhánh hành pháp không cung cấp tài liệu và lời khai theo yêu cầu của các ủy ban điều tra.

Phát biểu trên truyền thông hôm 8/12, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerry Nadler nhấn mạnh: “Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực, làm nguy hại an ninh quốc gia và làm hỏng cuộc bầu cử của chúng ta, tất cả chỉ vì lợi ích cá nhân. Hiến pháp chỉ nêu ra một biện pháp duy nhất xử lý hành vi sai trái này. Đó là luận tội”.

Theo quan chức hàng đầu thuộc đảng Dân chủ, vụ việc của ông Trump nếu đưa ra xét xử thì bồi thẩm đoàn chỉ mất khoảng 3 phút để phán quyết có tội.

Ngược lại, bản thân Tổng thống Trump, Nhà Trắng và các đồng minh của ông trong đảng Cộng hòa tiếp tục lên án cuộc điều tra luận tội của Hạ viện là “trò săn tìm phù thủy” nhằm bôi nhọ và ngăn cản ông lãnh đạo đất nước. Họ phủ nhận việc ông Trump đòi hỏi Ukraina phải “có đi, có lại”, đồng thời cáo buộc Ủy ban Tình báo Hạ viện đã triệu tập các nhân chứng không trực tiếp chứng kiến bất kỳ cuộc trao đổi đáng ngờ nào về nghi vấn này.

Các ý kiến bênh vực ông Trump quả quyết, Hạ viện xúc tiến các thủ tục luận tội tổng thống dựa trên lời khai của số ít nhân chứng với hiểu biết chủ yếu là nghe lại. Ngoài ra, trong 5 cuộc trò chuyện trực tiếp duy nhất giữa các nhân chứng với tổng thống về Ukraina không có tuyên bố nào về sự đổi chác lợi ích, và ông Trump thậm chí đã bác bỏ điều này trong một cuộc trao đổi với Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland.

Theo phe Cộng hòa, các chính khách Dân chủ từng mở chiến dịch điều tra chống ông Trump từ khi còn vận động tranh cử năm 2016 cho tới ngay sau khi ông đắc cử chức Tổng thống Mỹ, nhưng không thể tìm ra đủ căn cứ pháp lý để buộc tội sai phạm. Họ đặt dấu hỏi về động cơ của đảng Dân chủ khi châm ngòi cuộc chiến luận tội lãnh đạo Nhà Trắng từ tháng 9 năm nay, đúng vào thời điểm các ứng viên tổng thống tăng tốc vận động tranh cử cho mùa bỏ phiếu năm 2020.

Ông Trump cũng than phiền về việc không có cơ hội yêu cầu các nhân chứng ra điều trần và tự bảo vệ mình trước Quốc hội. Ông và Nhà Trắng quả quyết sẽ không tham dự các phiên điều trần “thiếu công bằng” như vậy.

Đúng như dự đoán, xuất hiện tại phiên trần do Ủy ban Tư pháp Hạ viện chủ trì ngày 9/12, các nghị sĩ và luật sư thuộc hai đảng Dân chủ cũng như Cộng hòa đã khẩu chiến dữ dội nhằm bảo vệ các luận điểm lâu nay của họ. Phe Cộng hòa cho rằng, nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện nên xuất hiện tại buổi điều trần thay vì cử luật sư đại diện.

Các chính khách Cộng hòa, dẫn đầu là Hạ nghị sĩ Doug Collins đến từ bang Florida thậm chí gọi ông Schiff là “kẻ hèn nhát”, sợ phải đối mặt với các đồng nghiệp trước cơ quan lập pháp và bảo vệ báo cáo sẽ được dùng làm căn cứ cho Ủy ban Tư pháp Hạ viện soạn thảo các điều khoản luận tội tổng thống.

Động thái cũng bị tố là dấu hiệu cho thấy, các quan chức cấp cao của đảng Dân chủ không thực sự tin vào những gì họ sẽ làm để luận tội ông Trump. Tuy nhiên, CNN trích dẫn một phát biểu hồi tháng trước của ông Schiff nhấn mạnh, ông không có gì để điều trần trước Quốc hội khi mọi thứ đã quá rõ ràng.

Giới phân tích nhận định, cuộc điều trần vừa diễn ra tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện đánh dấu một tuần lễ then chốt khi đảng Dân chủ nỗ lực thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu nhằm luận tội Tổng thống Trump tại Hạ viện trước lễ Giáng sinh. Bước tiếp theo hiện nay là, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ phải phê chuẩn các điều khoản luận tội do Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler và các thuộc cấp soạn thảo. Nội dung các điều khoản này hiện đang được bảo mật nghiêm ngặt với chỉ rất ít người biết.

Hiện chưa rõ chính xác khi nào Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ tổ chức bỏ phiếu phê chuẩn các điều khoản luận tội ông Trump. Song, theo luật, ông Nadler sẽ đưa ra thông báo chỉ 24 giờ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Phiên họp bỏ phiếu có thể kéo dài hơn một ngày, theo các nguồn tin thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện.

Tối nay, 10/12, bà Pelosi sẽ có cuộc họp định kỳ hàng tuần với các lãnh đạo đảng Dân chủ. Dù chương trình nghị sự chưa được tiết lộ nhưng cuộc họp được tin có thể bàn đến những bước đi tiếp theo nhằm đẩy nhanh các thủ tục luận tội ông Trump.

Nếu Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội tổng thống (khả năng này rất cao do phe Dân chủ đang nắm 233/435 ghế tại Hạ viện trong khi họ chỉ cần 218 phiếu ủng hộ), Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ buộc phải tổ chức một phiên tòa. Trong kịch bản xấu nhất, nếu 2/3 các nghị sĩ tại Thượng viện bỏ phiếu tán thành kết án, ông Trump sẽ bị phế truất.

Tuy nhiên, đảng Dân chủ và các đồng minh hiện chỉ nắm 47/100 ghế tại Thượng viện nên giới phân tích cho rằng họ ít có cơ hội thành công. Hơn thế nữa, đảng Cộng hòa đến thời điểm này vẫn đang ra sức bảo vệ ông Trump.

Ngay cả Thượng nghị sĩ Cộng hòa đến từ bang Texas Ted Cruz, người hứng chịu thất bại cay đắng trước ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016, cũng lên tiếng bênh vực lãnh đạo Nhà Trắng trong cuộc phỏng vấn cuối tuần qua. Điều này chứng tỏ sự đồng lòng nhất trí trong đảng của tổng thống và đảng Dân chủ khó có hy vọng về sự “phản bội” của một số thượng nghị sĩ Cộng hòa nhằm giúp họ giành được kết quả bỏ phiếu có lợi tại Thượng viện.

Lịch sử Mỹ trước đây từng chứng kiến 2 vụ luận tội tổng thống (Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998) đã tiến đến giai đoạn này, nhưng rốt cuộc đều thất bại do không có đủ số thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận.

Theo một số nhà phân tích, Tổng thống Trump rốt cuộc có thể được Thượng viện tuyên vô tội, song tương lai chính trị của ông có khả năng không còn tươi sáng như kỳ vọng. Triển vọng tái cử của ông cũng có thể xuống rất thấp do cử tri bắt đầu cảm thấy chán ngán một tổng thống “tay ngang”, hay gây thị phi và chia rẽ trầm trọng ở Washington.

Tuấn Anh/VNN

Bài mới
Đọc nhiều