6 năm ở Việt Nam, anh Thibault Clemenceau (quốc tịch Pháp) đã 6 lần đến Tây Bắc. Phong cảnh đẹp đến nghẹt thở, phong tục tập quán đa sắc màu của của người dân tộc thiểu số khiến nơi đây trở thành một vùng đất kỳ diệu với anh.
Nhưng nét đẹp đó đang dần mất đi bởi sự phát triển du lịch mất kiểm soát.
Bê tông hóa và ô nhiễm
Sáu năm ở Việt Nam, tôi có nhiều dịp đi từ Bắc chí Nam, đa phần là bằng xe máy, và một chuyến đạp xe từ Điện Biên Phủ tới TP.HCM. Phải nói rằng Việt Nam có nhiều nơi rất đẹp, và vẻ đẹp thật sự rất đa dạng.
Với tôi, Tây Bắc là nơi tuyệt vời nhất ở Việt Nam để khám phá và để chụp ảnh: phong cảnh đẹp đến nghẹt thở. Vẻ đẹp của người dân tộc thiểu số bản địa với phong tục tập quán và đa sắc màu biến nơi đây thành một vùng đất kỳ diệu.
Nhưng Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng đã thay đổi khá nhiều so với lần đầu tiên tôi đặt chân đến đây 5 năm trước. Một ví dụ nho nhỏ là trước đây ở Hà Giang chỉ có một công ty cho thuê xe máy, thì bây giờ ở đó có hàng trăm địa điểm cho thuê xe. Hay từ chỉ có một vài điểm lưu trú, nay có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn.
Hà Giang đã trở thành một điểm đến rất nóng trong những năm gần đây. Tôi đã thấy rất nhiều công trình mới được xây dựng lên. Tất cả những thay đổi đó dường như mang tới cho du khách sự tiện lợi và thoải mái hơn.
Nhưng cũng chính những công trình khách sạn, kinh doanh không được quy hoạch, kiểm soát đang tàn phá cảnh quan và không gian mang bản sắc rất riêng của vùng đất này.
Sự phát triển không có sự kiểm soát ở Sa Pa có thể xem là một điển hình. Sa Pa giờ có quá nhiều khách sạn, công trình xây dựng, bê tông, rác thải nhựa và ô nhiễm.
Nơi này từng là một nơi vô cùng đặc sắc, nhưng đang dần mất đi vẻ đẹp vượt thời gian của nó. Sa Pa đã không còn là nơi mà tôi muốn đi đến đó nhiều nữa: những khách sạn đồ sộ hoàn toàn không hợp với nơi này.
Bảo tồn văn hóa của người dân tộc thiểu số
Nhịp sống ở Tây Bắc thực sự rất khác biệt. Tôi thích đi lang thang, dành hàng giờ để chụp ảnh người dân tộc thiểu số ở đây sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là những đứa trẻ và những phụ nữ cao niên.
Những phiên chợ nhộn nhịp luôn là một nơi thực sự tuyệt vời để khám phá. Đó là nơi tôi có thể hòa vào sự đa sắc màu của người dân, của trang phục, của súc vật và các hoạt động mua bán…
Là những người thành thị trong những thành phố nhộn nhịp, đông đúc và ô nhiễm, khi đến Tây Bắc chúng ta học được rất nhiều thứ từ những người dân tộc thiểu số: họ làm việc chăm chỉ ra sao để nuôi sống gia đình, họ ở trong một cộng đồng gắn kết với nhau rất mạnh mẽ.
Việc bảo tồn văn hóa bản địa có thể nói là độc nhất của người dân tộc thiểu số ở nơi này là vô cùng quan trọng. Ngôi làng Nặm Đăm (Quản Bạ) là một ví dụ đặc trưng: các homestay xây dựng ở đây vẫn giữ được nét truyền thống, bảo tồn được cảnh quan xung quanh. Nó cũng đồng thời là nơi ở cho những người địa phương, như một cách để cải thiện điều kiện sống của họ.
Tôi yêu quý Việt Nam, hơn cả một ngôi nhà thứ hai. Là một người ngoại quốc, việc đưa ra một lời khuyên hay bài học có chút cảm giác không thoải mái. Nhưng tôi rất buồn khi phải nói ra rằng Việt Nam là một ví dụ điển hình của du lịch thiếu bền vững.
Nhiều nơi đẹp đẽ đã bị phá hủy bởi sự phát triển không có quy hoạch và mất kiểm soát, bởi bê tông, bởi rác thải nhựa: Sa Pa, Ninh Bình, Hạ Long, và những miền duyên hải từ Đà Nẵng, Hội An đến Phú Quốc.
Một nơi có thể xem như hình mẫu đó là Luang Prabang (Lào) – một nơi rất đẹp đẽ được quản lý rất tốt trong rất nhiều năm bởi UNESCO: tất cả những công trình nhà cửa, khách sạn… đều phải tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt (kiến trúc, vật liệu, thiết kế…) để bảo tồn vẻ đẹp của thành phố.
Điều tốt đẹp mà việc bảo tồn mang lại là gì? Tôi biết nhiều khách du lịch sẵn sàng trở lại Luang Prabang một lần nữa sau khi đã từng du lịch đến đây. Tôi cũng mong rằng Việt Nam có thể làm điều tương tự với những nơi như Tây Bắc.
THIBAULT CLEMENCEAU