+
Aa
-
like
comment

Phát tiền cho dân

06/08/2021 11:18

‘Chống dịch trường kỳ, lâu dài’, như thế việc hỗ trợ tài chính, lương thực, thực phẩm và cả nhân lực cho các khu vực bị cách ly, cho các tỉnh thành phải giãn cách theo chỉ thị 16 sẽ còn tiếp tục.

Phát tiền cho dân - Ảnh 1.
Người dân trong khu cách ly ở Đà Nẵng được phát tiền mặt vào chiều 5-8 để chi tiêu – Ảnh: NGUYỄN KEN

5 phường của quận Sơn Trà vừa phải cách ly y tế, ngay lập tức Đà Nẵng và UBND quận Sơn Trà đã ra một quyết định không chỉ hợp với bối cảnh mà hợp với lòng dân: phát tiền cho mỗi người dân trong 5 phường, bất kể là ai, mỗi ngày 40.000 đồng cho đến khi hết cách ly. Có thể nói đây là một việc làm hiếm có kể từ khi dịch đến nước ta được một năm rưỡi.

Nó thể hiện ở chỗ lâu nay việc hỗ trợ tài chính thường được thực hiện sau khi hết giãn cách, các nơi khác khi hỗ trợ tài chính và cả thực phẩm cho các điểm bị cách ly chủ yếu là một đôi lần, cho người nghèo, khó khăn, người yếu thế.

Nhưng với quan điểm là sống ở vùng cách ly thì tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng và không có thu nhập, do vậy quận Sơn Trà cho rằng cần hỗ trợ luôn và ngay càng sớm càng tốt cho tất cả mọi người đủ tiền chi tiêu cho nhu cầu cơ bản (theo rổ lương thực) trong một ngày để họ không phải chạy ra ngoài kiếm tiền, vay mượn mà yên tâm ở nhà thực hiện quy định “nhà cách nhà, phường cách phường, quận cách quận”.

Một quyết định như vậy thường phải làm tờ trình xin chủ trương và phê duyệt của nhiều cấp nên kéo dài nhiều ngày, đồng thời để tiền đến tay người dân cũng phải mất thêm một thời gian nữa để thực hiện các thủ tục như khảo sát, thống kê danh sách, gửi lên hội đồng liên ngành của phường xét duyệt, sau đó lên quận và thành phố.

Thực tế cho thấy khi giải ngân gói hỗ trợ ở các nơi thường mấy ngày. Số tiền hỗ trợ 160.000 dân của quận Sơn Trà trong thời gian cách ly là số tiền lớn, cho dù số tiền này đến từ ngân sách và có một phần tài trợ, thì việc tìm kiếm ra tiền và quyết định phương án thực thi cũng cần phải có thời gian, việc quyết định nhanh và chi nhanh như vậy là điều cần kíp.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chỉ đạo cho các địa phương, bộ ngành trong chống dịch luôn nói đến linh hoạt và sáng tạo, bởi người làm tướng ở tuyến đầu mà cái gì trong tầm tay, thuộc phận sự của mình mà cũng trình báo, xin chủ trương, chờ quyết định từ bên trên, bản thân luôn sợ trách nhiệm cá nhân, sợ làm sai thì không chỉ làm mất cơ hội, chậm thời gian có thể gây thiệt hại cho nhiều phía.

Thời gian qua ở nơi này nơi khác đã có những bộ phận thực thi quá cứng nhắc khiến cho tiền hỗ trợ chưa đến được với dân kịp thời, dòng chảy hàng hóa bị đứt gãy, nhiều cơ sở sản xuất bị đình trệ do không được cung ứng nguyên vật liệu, nhiều xe vận tải phải trở về nơi xuất phát dù chỉ cách nơi đến vài trăm mét, nhiều người dân không mua được thuốc men do những quy định đúng mà không trúng…

“Chống dịch như chống giặc” mà loại giặc mang tên Covid có khả năng phát tán cực nhanh, biến hóa khôn lường, do vậy với loại giặc này cần có sự chủ động, linh hoạt, ứng biến nhanh trong hoàn cảnh cụ thể. Dịch chắc chắn còn kéo dài, nhiều quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ tưởng có thể quay trở lại trạng thái bình thường, nhưng rồi dịch bùng phát trở lại.

Hôm 30-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến khái niệm “chống dịch trường kỳ, lâu dài”, và như thế việc hỗ trợ tài chính, lương thực, thực phẩm và cả nhân lực cho các khu vực bị cách ly, cho các tỉnh thành phải giãn cách theo chỉ thị 16 sẽ còn tiếp tục.

Trong bối cảnh như vậy, việc phát tiền cho dân như Sơn Trà đang thực hiện có thể nhân rộng ra khắp cả nước. Các tỉnh thành cần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm để áp dụng phù hợp với đặc điểm của tỉnh thành mình một cách hiệu quả hơn.

TS NGUYỄN MINH HÒA

Bài mới
Đọc nhiều