+
Aa
-
like
comment

Phát súng lệnh vào “thành trì” tham nhũng

20/01/2022 08:58

Các “thành trì” tham nhũng “ăn sâu” trong ngành y bấy lâu nay chính thức bị xuyên phá khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc.

Ngày 19-1, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc bộ này.

Thanh tra Chính phủ cũng đã xây dựng kế hoạch, phê duyệt các cuộc thanh tra tại TP Hà Nội và TP HCM.

Đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ sau khi phát hiện việc thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Trên thực tế, chỉ tính riêng việc Công ty Việt Á thổi giá kit xét nghiệm Covid-19, đã bán cho 62 tỉnh thành trên cả nước. Hiện một số đơn vị ở địa phương đã bị cơ quan điều tra vào cuộc, hàng loạt quan chức liên quan đã bị “sờ gáy”, trong đó có cán bộ cấp vụ của Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ.

Đây có thể xem là phát súng lệnh vào “thành trì” tham nhũng trong ngành y.

Vụ việc Công ty Việt Á thổi giá lên đến 45% bộ kit xét nghiệm và chi trả hơn 800 tỉ đồng tiền hối lộ để giành được các hợp đồng lớn, ngay giữa mùa đại dịch, đã làm dư luận phẫn nộ.

Trước đó, đầu năm 2020, khi dịch mới lan rộng ở một số tỉnh miền Bắc, Đà Nẵng, việc đẩy giá mua máy xét nghiệm Realtime PCR cũng đã gây chấn động dư luận, khiến nhiều địa phương “lỡ” mua với giá quá cao phải chạy nháo nhào. Điển hình trong vụ này là nguyên giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) Nguyễn Nhật Cảm đã phải lãnh án 10 năm tù giam.

Trường hợp Nguyễn Nhật Cảm vẫn không đủ sức răn đe. “Ông chủ” Việt Á còn táo bạo hơn, thổi giá lên đến 45%? Ngay trong mùa đại dịch không chỉ có “tấm gương” Nguyễn Nhật Cảm, vụ án VN Pharma cũng được “hâm nóng” khiến nhiều cán bộ tù tội, kỷ luật.

Công bố quyết định thanh tra tại Bộ Y tế. Ảnh: Thanh tra Chính phủ.

Còn nữa, vụ án nâng giá thiết bị y tế “xã hội hóa” để ăn trên đầu bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai khiến PGS-TS Nguyễn Quốc Anh phải vào tù. Hay GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng vừa bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về “thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội – nơi trước đó ông Tuấn làm giám đốc.

Trước đó nữa, nhiều quan chức các sở y tế địa phương phải mất chức, vào tù cũng vì tham nhũng trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, như nguyên lãnh đạo Sở Y tế Gia Lai Phùng Xuân Quýnh, nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Nông Nguyễn Thị Thanh Hương.

Và còn nhiều vụ án tương tự ở các địa phương liên quan đến việc mua thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh được đưa ra xét xử như một “thanh lọc” tham nhũng.

Vậy, vì sao tham nhũng trong ngành y vẫn không thuyên giảm?

Đơn giản vì tình trạng “phù phép” trong mua bán trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh đã xảy ra, “ăn sâu” trong ngành y từ lâu, hình thành một “thành trì” gần như không thể xuyên phá, mà những người trong ngành y tế đều thừa biết. Bởi vậy, vụ Việt Á không có gì bất ngờ, việc “lại quả” cho bên mua là một thực tế phổ biến trên thị trường.

Việc Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra là một nỗ lực để xuyên phá “thành trì” tham nhũng “ăn sâu” trong ngành y bấy lâu nay. Tuy nhiên, cũng cần phải nhanh chóng cập nhật, đổi mới các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, như có những hình phạt mạnh mẽ hơn, có tính răn đe cao hơn.

Và quan trọng hơn, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Nếu không, những vụ như Việt Á vẫn còn có thể xảy ra!

Lưu Nhi Dũ

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều