+
Aa
-
like
comment

Phát ngôn nổi bật của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau 1 tháng nhậm chức

08/05/2021 11:20

Trong tháng đầu tiên điều hành Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều phát ngôn mạnh mẽ. Thông điệp ông nhiều lần nhấn mạnh là đẩy mạnh phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm.

Được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng ngày 5/4, 3 ngày sau, tại Lễ bàn giao công việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình hình thế giới và trong nước sẽ diễn biễn nhanh, phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Ông lưu ý các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Mục tiêu là tiếp tục xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, gần dân.

Chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên sau khi bộ máy được kiện toàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ sẽ tăng cường mạnh mẽ phân cấp, phân quyền; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Chính phủ cũng sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Indonesia, Thủ tướng khẳng định ưu tiên của Việt Nam là thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia thành viên ASEAN, góp phần nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của ASEAN trong giải quyết các thách thức nổi lên, qua đó tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển bền vững của từng nước và của cả khu vực.

Việc thúc tiến độ hàng loạt tuyến cao tốc quan trọng được Thủ tướng quán triệt trong cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 26/4. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc triển khai đường cao tốc đi qua địa phương nào, địa phương đó phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB) từ nguồn vốn tự có đã được phân bổ. “Việc hỗ trợ ngân sách Trung ương phải được Chính phủ xem xét cân nhắc kỹ lưỡng và chỉ hỗ trợ một phần”, Thủ tướng kết luận.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan cấp bộ đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc sau khi được Quốc hội bầu. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới. Để ứng phó dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng kịch bản cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất nhưng không được hạ chuẩn cho vay tránh gây rủi ro đối với hệ thống.

Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT hôm 27/4. Thủ tướng lưu ý quy hoạch ngành phải kết nối chặt chẽ thành mạng lưới giao thông tổng thể quốc gia để xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực thực hiện. “Có quy hoạch tốt, có dự án tốt, ắt sẽ có nhà đầu tư tốt”, ông khẳng định.

Làm việc với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát đi nhiều thông điệp về đổi mới tư duy kinh tế, xây dựng nền kinh tế đa thành phần một cách bình đẳng. Ông cũng nhấn mạnh nguồn lực trong nước đóng vai trò lâu dài và mang tính quyết định. Và một trong những nguồn lực bên trong rất quan trọng là giá trị con người Việt Nam, bởi “cơ chế, chính sách, đường lối, tổ chức, vận hành tốt hay xấu đều do yếu tố con người quyết định”.

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong công tác phòng, chống dịch phải tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương tới địa phương, song phải trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, huyện, xã”.

Song song với việc biểu dương, khen thưởng cá nhân, đơn vị làm tốt, Thủ tướng nhấn mạnh phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong quản lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở Bộ Tài chính về công tác tham mưu thiết kế chính sách khi làm việc với lãnh đạo Bộ này. Theo ông, chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, phải công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, ổn định và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Tài chính phải cương quyết chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “chống lobby chính sách”, chống lợi ích nhóm.

Trong ngày nghỉ lễ 30/4, Thủ tướng chủ trì cuộc họp khẩn để đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch diễn biến ngày càng phức tạp. Ông nêu rõ nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao. Trong khi đó, vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân. Người đứng đầu Chính phủ cảnh báo: “Chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả”.

Nêu rõ mục tiêu cao nhất là phải bảo vệ an toàn sức khỏe cộng đồng, người dân, song người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải thực hiện “mục tiêu kép”. “Nếu không phát triển kinh tế, xã hội thì lấy nguồn lực đâu để phòng chống dịch. Không phát triển kinh tế, xã hội tốt thì không ổn định được chính trị”, Thủ tướng nói.

Thông điệp phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới trong phòng chống Covid-19 được Thủ tướng truyền đi khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Ông lưu ý phải chống 2 khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động, hoặc cực đoan. Vì vậy, phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.

Hoài Thu – Phượng Nguyễn

Bài mới
Đọc nhiều