+
Aa
-
like
comment

Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

29/04/2020 10:53

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ, ác liệt nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân ta.

Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20 do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; đánh dấu một mốc son chói lọi, viết tiếp trang sử hào hùng trong chặng đường dựng nước và giữ nước qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đã 45 năm trôi qua, nhưng thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn mang tính thời sự và tiếp tục vang vọng mãi, để lại cho dân tộc ta nhiều bài học vô giá, có ý nghĩa rất quan trọng; thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong chống giặc ngoại xâm ở ba vấn đề cơ bản sau:

1. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt nguồn từ vai trò lãnh đạo, quyết tâm chiến lược sáng suốt của Đảng-nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Sau Hiệp định Paris (1-1973), cục diện trên chiến trường miền Nam có những thay đổi lớn. Vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng; chính quyền Sài Gòn ngày càng suy yếu, do tranh giành quyền lực và tác động của sự giảm viện trợ đột ngột từ đế quốc Mỹ. Trong nội bộ nước Mỹ xảy ra những bê bối về chính trị (vụ Watergate 1972-1974), khiến cho Mỹ khó có khả năng đưa quân đội quay trở lại chiến trường miền Nam. Từ ngày 30-9 đến 8-10-1974, Bộ Chính trị họp phân tích, đánh giá tình hình địch-ta và cơ bản nhất trí với kế hoạch chiến lược hai năm do Bộ Tổng Tham mưu xây dựng, với nội dung cơ bản là: Năm 1975, tranh thủ thời cơ tập trung lực lượng, phương tiện tiến công lớn, rộng khắp, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng thêm nhiều vùng đất; năm 1976, thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cũng tại cuộc họp này, Bộ Chính trị đã quyết định lấy chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu trong năm 1975. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Phước Long, từ ngày 18-12-1974 đến 7-1-1975, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đã bổ sung, hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam và thống nhất nhận định: Ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, vì vậy phải “nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc…”[1], đồng thời xác định: “Kế hoạch tiếp theo cho năm 1976 sẽ do kết quả thực hiện kế hoạch năm 1975 quyết định. Chúng ta phải cố gắng cao nhất để thắng gọn trong năm 1975. Điều đó là một khả năng hiện thực”[2]. Như vậy, việc giải phóng miền Nam đã được Bộ Chính trị tính toán, xác định cả về quy mô, lộ trình, thời điểm và phương pháp tiến hành.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã chớp thời cơ chiến lược, tạo nên thế và lực hơn hẳn đối phương, giành thắng lợi lớn trong các chiến dịch, từng bước làm tan rã quân đội và chính quyền Sài Gòn. Từ Chiến thắng Tây Nguyên (3-1975), ta đã phá vỡ chỗ yếu nhất trong thế bố trí chiến lược của địch, làm rung chuyển toàn bộ chiến trường miền Nam. Tiếp đó là các chiến dịch: Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng giành thắng lợi, ta đã thực hiện đúng tinh thần “một ngày bằng 20 năm” được Bộ Chính trị xác định trước đó. Chỉ sau hơn 1 tháng tiến công và nổi dậy đã có 3/4 diện tích đất đai, với gần nửa số dân ở miền Nam được giải phóng. Đến ngày 26-4-1975, năm cánh quân ta đã “thần tốc, táo bạo”, áp sát Sài Gòn-Gia Định, đồng loạt tiến công, mở màn trận quyết chiến chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ của Quân giải phóng đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập-sào huyệt cuối cùng của chính quyền và quân đội Sài Gòn, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Chiến công này đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, là niềm tự hào chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu/TTXVN.

2. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được thể hiện sinh động trong thực tiễn

Để thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, ta đã tập trung phát triển lực lượng, xây dựng các binh đoàn chủ lực cơ động mạnh. Sau Quân đoàn 1 (thành lập năm 1973), lần lượt các quân đoàn chủ lực 2, 3, 4 kế tiếp nhau ra đời, kết hợp với các quân chủng, binh chủng khác, tạo nên sức mạnh đột phá trên các hướng chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhất là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã sử dụng lực lượng của cả 4 quân đoàn chủ lực và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) cùng các quân chủng, binh chủng phối hợp tham gia chiến đấu. Để có được lực lượng tinh nhuệ, hùng hậu ấy, chúng ta đã phải dày công xây dựng trong nhiều năm, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Mặc dù chịu sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, nhưng lực lượng chủ lực trên cả hai miền Nam-Bắc vẫn lớn mạnh không ngừng, phát triển từ cấp trung đoàn, sư đoàn lên quân đoàn. Lực lượng dân quân, du kích đến đầu năm 1975 đã phát triển rộng khắp trên các vùng, miền, nhà máy, xí nghiệp… với số lượng lên đến hàng triệu cán bộ, chiến sĩ. Đó là kết quả từ quyết tâm lớn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong xây dựng lực lượng vũ trang phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Một yếu tố quan trọng khác thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đó là công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho chiến trường. Từ cuối năm 1974 đến đầu năm 1975, ta đã xây dựng và mở rộng tuyến chi viện chiến lược-Đường Hồ Chí Minh trên cả hai trục Đông và Tây Trường Sơn, với tổng chiều dài toàn tuyến là gần 20.000km; đường ống xăng dầu chiến lược được kéo dài từ miền Bắc tới huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) chỉ cách địa bàn Chiến dịch Hồ Chí Minh chưa đầy 100km. Toàn tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, ta đã sử dụng hơn 10.000 xe ô tô, vận chuyển, tập kết hơn 11,3 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng nhu yếu phẩm; vận chuyển hơn 14,5 vạn quân vào các hướng chiến dịch.

Trên chiến trường miền Nam, công tác chuẩn bị tại chỗ được đặc biệt coi trọng. Nhân dân miền Nam tích cực đẩy mạnh sản xuất, dự trữ lương thực, hàng hóa phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Trong hai năm (1973-1974), quân dân miền Nam đã đóng góp hơn 122 nghìn tấn lương thực vừa phục vụ bộ đội chủ lực, vừa phục vụ lực lượng chiến đấu tại chỗ. Các cơ sở chính trị được xây dựng rộng khắp, tạo thành thế chiến tranh nhân dân vững chắc trên toàn miền Nam. Từ thực tiễn cho thấy, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Trung ương Đảng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói riêng, đã thấm đến toàn quân, toàn dân, tạo thành sức mạnh vô địch để chúng ta giành thắng lợi cuối cùng.

3. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng lan tỏa đến bạn bè thế giới, tạo sức mạnh thời đại cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta được quyết định bởi yếu tố nội lực. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Có được sức mạnh thời đại ấy vì đây là cuộc kháng chiến chính nghĩa, vì khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là khát vọng của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Yếu tố có tính cốt lõi đó đã tạo nên hình ảnh một nước Việt Nam bất khuất, kiên cường trước kẻ thù xâm lược. Sau khi giải phóng miền Nam, đã có hàng nghìn bài báo, cuốn sách của các tác giả trên khắp thế giới viết về Chiến thắng 30-4-1975 của Việt Nam. Trong cuốn “Ý nghĩa lịch sử thế giới của thắng lợi của cách mạng Việt Nam” (xuất bản năm 1975 tại Tokyo, Nhật Bản) đã viết: “Trong lịch sử loài người, lần đầu tiên, thời đại nước lớn có thể chi phối vận mệnh nước nhỏ đã chấm dứt, thời đại các dân tộc có thể tự quyết định lấy vận mệnh của mình, thời đại mà sự đoàn kết quốc tế chân chính có thể thực hiện được, đã bắt đầu” [3].

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã tạo cơ sở để xây nên tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia; lực lượng vũ trang ba nước đã kề vai sát cánh, “chia sẻ ngọt bùi”, “đồng cam, cộng khổ”, trở thành người đồng chí, anh em thân thiết, đoàn kết, liên minh chiến đấu, đánh bại hàng chục cuộc hành quân càn quét của Mỹ-ngụy, giữ vững tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường ba nước. Đặc biệt là tinh thần quyết chiến, quyết thắng và kết quả của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trên chiến trường miền Nam Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để cách mạng Lào và Campuchia giành được chính quyền, giải phóng dân tộc khỏi sự áp bức của đế quốc, tay sai. Tình đoàn kết giữa ba nước cho đến nay vẫn được nuôi dưỡng, gắn kết vì độc lập, tự do, sự thịnh vượng của mỗi nước và khu vực.

Ngày nay, tình hình khu vực và thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo trên thế giới chưa chấm dứt. Sự cạnh tranh về kinh tế, chính trị, quân sự giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tình hình Biển Đông ngày càng xuất hiện các yếu tố khó lường, có thể đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực. Đặc biệt là những năm gần đây, các vấn đề về an ninh phi truyền thống nổi lên ngày càng rõ nét, ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Tác động lớn của biến đổi khí hậu, ô nhiễm, suy thoái môi trường, cạn kiệt nguồn nước… khiến cho bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, cháy rừng, động đất… thường xuyên xảy ra trên diện rộng, thời gian dài, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu. Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh… tạo ra nhu cầu kết nối thế giới qua không gian mạng ngày càng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh mạng, an ninh công nghệ. Dịch bệnh xuất hiện và hoành hành trên diện rộng, khiến hàng trăm quốc gia bị ảnh hưởng, tính mạng con người bị đe dọa. Các vấn đề khác, như: Sử dụng vũ khí sinh thái, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển…, có thể làm suy giảm an ninh quốc gia, ảnh hưởng tới sự nghiệp quốc phòng… Những vấn đề về an ninh phi truyền thống nêu trên, vừa mang tính toàn cầu, vừa là vấn đề bức thiết, cấp bách của mỗi quốc gia, đòi hỏi phải có giải pháp giải quyết thấu đáo. Vì vậy, cùng với thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đội phải chủ động đối phó và xử lý thắng lợi các thách thức an ninh phi truyền thống, giữ vững hòa bình, ổn định, tạo điều kiện để đất nước tiếp tục phát triển. Để xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống, toàn quân ta cần tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tích cực nghiên cứu, nắm chắc, dự báo đúng tình hình, tham mưu chính xác, ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống.

Đây là công việc rất quan trọng, có tính quyết định để giành thắng lợi trong xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống. Nếu nắm tình hình tốt, dự báo đúng thì chúng ta sẽ nắm chắc thời cơ, có thế chủ động, đồng thời xây dựng được các giải pháp đúng, trúng trong ứng phó. Trong nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 của toàn quân vừa qua, chúng ta đã chủ động nắm chắc tình hình, dự báo đúng. Ngay khi còn chưa xuất hiện tại Việt Nam, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh. Sự chủ động đã giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các giải pháp chiến lược ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai diễn tập trong toàn quân, vận hành đồng bộ, thông suốt hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, điều hành từ cơ quan Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Quốc phòng đã kịp thời xây dựng phương án, xác định rõ tính chất, mức độ và giải pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả đối với từng cấp độ dịch bệnh. Vai trò tham mưu và sự chủ động, quyết liệt trong triển khai thực hiện của toàn quân đã góp phần vào sự thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của nước ta, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, nắm chắc từng lĩnh vực, trạng thái, cấp độ về an ninh phi truyền thống, chủ động đánh giá tính chất, diễn biến và sự ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước nói chung, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói riêng, để xây dựng các giải pháp đối phó với từng lĩnh vực. Khi nghiên cứu, xác định giải pháp, phải quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng…, thực hiện tốt các công ước, hiệp ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, để các giải pháp vừa có tính lý luận-thực tiễn sâu sắc, vừa mang tầm quốc gia, quốc tế, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Hai là, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, huấn luyện, diễn tập thuần thục các phương án, sẵn sàng đối phó thắng lợi các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống đòi hỏi phải có nhân lực, vật lực, do đó mọi công tác chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện, cần phải được tiến hành chu đáo, chặt chẽ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, việc chuẩn bị cơ sở vật chất được tiến hành rất tốt nên đã đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung. Vừa qua, toàn quân đã huy động, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện của các đơn vị, nhất là lực lượng quân y, hóa học…, góp phần quan trọng vào sự thành công bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta. Điều đó cho thấy, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện chuyên dùng sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ, mọi tình huống là rất quan trọng và cần thiết. Toàn quân cần quán triệt, nâng cao nhận thức, triển khai thành các kế hoạch cụ thể, chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cơ quan chức năng các cấp cần tập trung hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch ứng phó với các thảm họa, thiên tai, dịch bệnh…, bảo đảm khoa học, thống nhất; tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, bảo đảm mọi cán bộ, chiến sĩ luôn nắm chắc mục tiêu, yêu cầu của từng nhiệm vụ, thành thục trong triển khai thực hiện. Hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị của toàn quân, nhất là các đơn vị chuyên ngành, các đơn vị đứng chân trên các vùng, miền có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng, tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống, phải thường xuyên được rà soát, bổ sung, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng cao, có lượng dự trữ phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân trong ứng phó với các vấn đề về an ninh phi truyền thống.

Sự tác động của các vấn đề về an ninh phi truyền thống tới tư tưởng, tình cảm và cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng là rất lớn. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân, để có hành động ứng xử phù hợp với các diễn biến của sự việc là rất quan trọng. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, là kết quả của công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, với sự phong phú, hiệu quả về nội dung, hình thức và phương pháp. Toàn quân, toàn dân luôn nhận thức sâu sắc, đúng đắn về mục tiêu, yêu cầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, từ đó chuyển hóa nhận thức thành quyết tâm và hành động, tạo sức mạnh vô địch, đánh bại mọi sự kháng cự của kẻ thù. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, công tác tuyên truyền, giáo dục đã mang lại hiệu quả lớn, tạo nên sự thống nhất về nhận thức, giúp toàn quân chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, các tầng lớp nhân dân đã có kiến thức, hiểu biết cơ bản về dịch bệnh, các nguy cơ lây nhiễm, cách phòng chống, từ đó đồng lòng, góp sức cùng với Chính phủ, Quân đội và các lực lượng chuyên ngành để dập dịch.

Thời gian tới, công tác tuyên truyền về các vấn đề an ninh phi truyền thống tới các tầng lớp nhân dân cần tiếp tục tiến hành đồng bộ, thường xuyên hơn nữa, bảo đảm sự thống nhất về nhận thức của toàn dân về các nguy cơ, tạo sự đồng thuận xã hội, sẵn sàng tiếp nhận, bình tĩnh xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, để nhân dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ. Các cơ quan báo chí Quân đội phải giữ vững vai trò xung kích, đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống tới bộ đội và nhân dân. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, cần tăng cường đấu tranh với các nhận thức lệch lạc, hành vi vi phạm pháp luật; phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần định hướng dư luận, củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bốn là, thực hiện tốt cơ chế chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Sự tác động, ảnh hưởng của an ninh phi truyền thống luôn diễn ra trên phạm vi rộng, nhiều chiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, để lại hậu quả nặng nề. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng để tạo sức mạnh tổng hợp xử lý vấn đề. Từ thực tế này, các cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Quốc phòng, các đơn vị nghiệp vụ, chuyên ngành trong Quân đội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành của Trung ương, địa phương, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm. Tích cực rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, phương án xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, để loại bỏ những quy định bất hợp lý, đồng thời xây dựng và kiến nghị với cấp có thẩm quyền, bổ sung quy định đối với các vấn đề mới nảy sinh, hoặc nhu cầu thực tiễn đòi hỏi. Trong thời gian tới, toàn quân cần tích cực nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó với an ninh phi truyền thống ở quy mô lớn, phạm vi rộng, cấp độ cao, huy động các bộ, ngành, địa phương tham gia, vừa là để rà soát, thống nhất phương án, vừa tạo sự nhuần nhuyễn, đồng bộ trong phối hợp xử lý các vấn đề, nhiệm vụ cụ thể trên.

Các đơn vị trong toàn quân cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Công an nhân dân thực hiện tốt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5-9-2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.

Năm là, tăng cường hợp tác với quân đội các nước, ứng phó hiệu quả các vấn đề về an ninh phi truyền thống trong khu vực và thế giới.

Thực tế cho thấy, các vấn đề an ninh phi truyền thống là thách thức lớn đối với các nước trong khu vực và thế giới; vì vậy phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong ứng phó, xử lý triệt để vấn đề trên. Dịch Covid-19 diễn ra thời gian qua và các vấn đề về an ninh phi truyền thống đã diễn ra như: Thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, khủng bố, cướp biển…, đòi hỏi phải có sự hợp tác, tham gia của nhiều nước trong ứng phó, giải quyết. Thời gian tới, toàn quân cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm chia sẻ thông tin, đưa ra những cảnh báo, dự báo sớm về những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống. Tích cực tham gia, thực hiện tốt các công ước quốc tế, các hiệp ước đa phương, song phương liên quan đến vấn đề an ninh phi truyền thống, để quân đội các nước trong khu vực và trên thế giới có tiếng nói chung. Trước mắt, cần tập trung thực hiện tốt Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM hẹp năm 2020 về hợp tác quốc phòng trong ứng phó với dịch bệnh, nhằm đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực, nhất là các nước trong khối ASEAN, sớm xây dựng bộ quy tắc ứng phó với dịch bệnh. Nghiên cứu, đề xuất với các nước thành viên ASEAN tổ chức diễn tập xử lý tình huống dịch bệnh lan truyền ngay trong năm 2020, góp phần xây dựng một ASEAN thật sự đoàn kết, gắn kết và có một hành động chung. Tham gia thực hiện tốt các hoạt động của năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm chủ tịch, nhất là các hội nghị ADMM; ADMM+…, nhằm tăng cường mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực Đông Nam Á; Châu Á-Thái Bình Dương và các nước bạn bè truyền thống, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc. Năm tháng sẽ trôi qua nhưng ý nghĩa và bài học kinh nghiệm từ thắng lợi này lại càng được khẳng định. Phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCHỦy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2004, t.35, tr.192.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2004, t.35, tr.196.

[3] Sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb KHXH, Hà Nội 1985, tr.264.

Bài mới
Đọc nhiều