Phát hiện mới về đột biến chưa từng thấy của virus corona
Nghiên cứu mới của một trong nhưng nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc phát hiện khả năng đột biến của virus corona chủng mới đã bị đánh giá thấp so với thực tế.
Giáo sư Li Lanjuan và các đồng nghiệp ở Đại học Chiết Giang đã phát hiện trong một nhóm nhỏ bệnh nhân xuất hiện nhiều đột biến không được báo cáo trước đây. Những đột biến này bao gồm những thay đổi hiếm thấy đến nỗi các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ rằng chúng có thể xảy ra.
Các nhà khoa học này cũng xác nhận lần đầu tiên với bằng chứng trong phòng thí nghiệm rằng một số đột biến nhất định có thể tạo ra những chủng chết người hơn những chủng khác.
“Sars-CoV-2 đã có các đột biến có khả năng thay đổi đáng kể mức độ gây bệnh”, giáo sư Li và các đồng nghiệp viết trong một bài báo được công bố trên medRxiv.org hôm 19/4.
Nghiên cứu giáo sư Li cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy đột biến có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của virus gây bệnh hoặc mức độ gây hại tới vật chủ.
Bà Li thực hiện một cách tiếp cận khác thường để điều tra đột biến của virus. Nữ chuyên gia đã phân tích các chủng virus được phân lập từ 11 bệnh nhân Covid-19 lựa chọn ngẫu nhiên từ thành phố Hàng Châu ở tỉnh Chiết Giang, và sau đó kiểm tra xem chúng có thể lây nhiễm và tiêu diệt tế bào như thế nào.
Các đột biến nguy hiểm nhất ở bệnh nhân Chiết Giang cũng đã được tìm thấy ở hầu hết bệnh nhân trên khắp châu Âu, trong khi các chủng nhẹ hơn được tìm thấy ở các vùng của Mỹ, như bang Washington, theo bài báo của nhóm nghiên cứu.
Một nghiên cứu khác trước đó đã phát hiện chủng virus ở New York đến từ châu Âu. Tỷ lệ tử vong ở New York cũng tương tự với nhiều nước ở lục địa già, thậm chí còn cao hơn.
Tuy nhiên, đột biến yếu hơn không có nghĩa là nguy cơ thấp hơn đối với người bệnh, theo nghiên cứu của giáo sư Li. Tại Chiết Giang, hai bệnh nhân ở độ tuổi 30 và 50 nhiễm virus corona chủng yếu hơn đã lâm bệnh nặng. Mặc dù cả hai đều sống sót, bệnh nhân lớn tuổi hơn đã phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực.
Phát hiện này có thể làm sáng tỏ sự khác biệt về tỷ lệ tử vong mang tính khu vực. Tỷ lệ nhiễm và tỷ lệ tử vong của đại dịch khác nhau từ nước này sang nước khác, và hiện cũng có một số lý giải.
Các nhà khoa học di truyền đã nhận thấy rằng những chủng virus ở những khu vực địa lý khác nhau vốn đã không giống nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ tử vong khác nhau có thể một phần là do đột biến nhưng không có bằng chứng trực tiếp.
Vấn đề còn phức tạp hơn vì tỷ lệ sống sót phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh nền hoặc thậm chí nhóm máu.
Tại các bệnh viện, Covid-19 được chữa trị như một chứng bệnh và bệnh nhân được điều trị giống nhau bất kể chủng nào. Giáo sư Li và các đồng nghiệp cho rằng việc xác định đột biến trong một khu vực có thể giúp xác định cách chống lại virus.
“Phát triển thuốc và vắc-xin, trong khi đang diễn ra cấp bách, cần phải tính đến tác động của những đột biến tích lũy này để tránh những nguy hiểm tiềm tàng”, các nhà khoa học này cho biết.
Theo truyền thông Trung Quốc, giao sư Li là nhà khoa học đầu tiên đề xuất phong tỏa Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc đã nghe theo khuyến nghị của bà vào cuối tháng 1, phong tỏa thành phố hơn 11 triệu dân.
Đội nghiên cứu của bà Li đã phát hiện hơn 30 đột biến. Trong số đó có 19 đột biến – hay khoảng 60% – là mới.
Họ đã phát hiện một số đột biến này có thể dẫn đến những thay đổi chức năng trong protein dằm (spike protein) của virus – một cấu trúc độc đáo trên vỏ virus cho phép virus corona liên kết với tế bào người. Mô phỏng máy tính dự đoán rằng những đột biến này sẽ làm tăng tính lây nhiễm.
Đông Phong/ZN