+
Aa
-
like
comment

Phát hiện 2 lỗ hổng lớn về phòng chống dịch, chủ tịch Hà Nội họp khẩn

Hồng Anh - 07/04/2020 19:02

Chiều 7-4, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chủ trì cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 sau khi phát hiện hai lỗ hổng lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 từ ca thứ 243 ở huyện Mê Linh.

Chỉ 3 bệnh nhân nhưng 700 y bác sĩ liên quan

Bắt đầu cuộc họp đột xuất của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu 3 bài học lớn ở các bệnh viện liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 17, 237 và 243.

Theo ông Chung, chỉ riêng 3 bệnh nhân này đã có gần 300 bác sĩ, điều dưỡng thuộc diện F1, gần 400 bác sĩ, điều dưỡng thuộc diện F2.

Chủ tịch thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý bài học từ Bệnh viện Hồng Ngọc, dù đã được nêu nhiều lần nhưng đến nay vẫn lỗ hổng ấy các bệnh viện khác lại mắc tiếp.

“Chỉ có một bệnh nhân 17 nhưng toàn bộ Bệnh viện bị Hồng Ngọc bị phong tỏa, 21 bác sĩ, điều dưỡng thuộc diện F1 bị cách ly. Vậy mà “trận tuyến” ở các bệnh viện trong đón tiếp người bệnh vẫn rất sơ hở”- ông Chung nêu.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo: “Bắt buộc tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải tổ chức sàng lọc người đến khám, kiểm tra, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với những người đến khám”.

Phát hiện 2 lỗ hổng lớn về phòng chống COVID-19, chủ tịch Hà Nội họp khẩn - Ảnh 1.
Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu hai lỗ hổng lớn trong phòng, chống dịch COVID-19

“Các bệnh viện phải tổ chức đường vào, trong đó người đón tiếp, thăm khám phải có đồ bảo hộ. Đồng thời kiểm soát toàn bộ quá trình từ đo thân nhiệt, khai báo y tế, trong đó tất cả yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, liên quan đến yếu tố có người nhà đi nước ngoài về trong thời gian qua, có yếu tố người nhà bị cách ly tập trung, đi du lịch trong nước trước 30-3 đều phải lấy mẫu xét nghiệm nhanh” – ông Chung quán triệt tới giám đốc các bệnh viện.

Ông Chung khẳng định với lỗ hổng trong công tác phòng chống dịch nêu trên, ngành y tế, giám đốc các bệnh viện phải phổ biến, quán triệt đến tất cả cán bộ và nhân viên trong viện, nhất là các bác sĩ và điều dưỡng, quy trình đón nhận, khám chữa, tuyệt đối không được chủ quan.

Từ bệnh nhân thứ 243, lộ lỗ hổng do hiểu sai chỉ đạo về cách ly

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, ngày 30.3, sau khi có thông báo của UBND thành phố về việc rà soát các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân 243 đã tới trạm y tế xã khai báo.

Tuy nhiên, do bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12.3, đến 30.3 đã qua 14 ngày, nên được cho về nhà theo dõi y tế (tuy ngày 21.3 bệnh nhân có thấy đau mỏi người, ngây sốt nhưng sau khi uống hạ sốt đã đỡ).

Chính vì vậy, các ngày sau 30.3, bệnh nhân vẫn đi lại và gặp gỡ nhiều người, trong đó có đi bán hoa tại chợ Quảng Bá, đến Bệnh viện đa khoa Phúc Yên và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào ngày 4 và 5.4, khiến nhiều y, bác sĩ bị cách ly.

“Ngành y tế của huyện đến nay vẫn hiểu là cách ly 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với F0. Bệnh nhân đi từ ngày 12.3, nên bệnh nhân này không được đưa đi cách ly tập trung, cũng không cách ly tại nhà, chỉ là khuyến cáo theo dõi y tế và lấy mẫu”, ông Trọng cho biết, và xin lãnh đạo thành phố có chỉ đạo về việc này, vì rà soát đến 30.3, huyện Mê Linh có 9 người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đã hết 14 ngày, không tổ chức cách ly tại nhà, mà chỉ khuyến cáo.

“Ngay hôm qua, khi ra quyết định cách ly trên địa bàn xã, chúng tôi cho rằng có thể khai báo theo tiếp xúc của bệnh nhân 243 chưa chính xác về thời điểm, nên đề nghị quyết định cách ly phải có hiệu lực kể từ ngày ký thì phù hợp hơn, còn có hiệu lực từ ngày khai báo thì không an toàn”, ông Trọng kiến nghị.

Thôn Hạ Lôi với 11.500 nhân khẩu đã bị cách ly để phòng Covid-19 lây lan /// Ảnh Phạm Hùng
Thôn Hạ Lôi với 11.500 nhân khẩu đã bị cách ly để phòng Covid-19 lây lan

Vào Bạch Mai quá 14 ngày vẫn bị cách ly

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, có lỗ hổng, có sự hiểu sai trong việc ra quyết định cách ly, khiến diện tiếp xúc của bệnh nhân 243 rộng ra.

“Nếu như ngày 30.3, các đồng chí ra quyết định cách ly 14 ngày, thì đến tận ngày 13.4, ông này mới được đi lại, chứ không phải được đi lại như vừa rồi. Cho nên, chiều nay, tôi thấy một lỗ hổng dẫn đến hậu quả này, đề nghị các đồng chí chấn chỉnh ngay.

Các đồng chí rà soát các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bạch Mai và ra quyết định cách ly 14 ngày kể từ thời điểm ra quyết định, chứ không phải từ thời điểm vào bệnh viện”, ông Chung chỉ đạo.

Theo ông Chung, nếu các quận, huyện thấy các trường hợp vào Bệnh viện Bạch Mai đã qua 14 ngày mà bỏ qua, không cách ly thì rất nguy hiểm, vì đơn cử trường hợp bệnh nhân 243, mắc Covid-19 nhưng không hề có biểu hiện lâm sàng (trừ ngày 21.3 có hơi sốt), hiện đã có nguy cơ lây nhiễm ra chị dâu và hàng xóm (đã xét nghiệm dương tính lần 1).

Thêm vào đó, các bệnh nhân có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đã xuất hiện ở 12 tỉnh, đang chiếm 48/103 bệnh nhân của Hà Nội, mà mới phát sinh trong 20 ngày qua. Do đó, theo ông Chung, không thể chủ quan với các yếu tố dịch tễ liên quan đến địa điểm này.

Bài mới
Đọc nhiều