Phát hiện thêm 4 gối cao su metro số 1 xê dịch khỏi vị trí
Trong quá trình phối hợp kiểm tra, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cùng nhà thầu phát hiện thêm 4 gối cao su trên gói thầu CP2 của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) xê dịch khỏi vị trí đá kê gối.
Sáng 2-4, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho hay trong quá trình rà soát, kiểm tra việc tuân thủ hợp đồng, chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cùng các đơn vị liên quan phát hiện thêm 4 gối cao su trên gói thầu CP2 metro số 1 bị xê dịch khỏi vị trí.
Gối cao su xê dịch có tính hệ thống
Cụ thể, 4 gối mới được phát hiện gồm 2 gối cao su bản thép (nhà sản xuất Mageba) sử dụng cho dầm cầu cạn tại ví trí trụ P9-05 thuộc đoạn dầm cầu cạn VD9 và 2 gối (nhà sản xuất Kawakin) tại trụ P11-06 thuộc đoạn cầu cạn VD11. Các gối dịch chuyển khỏi đá kê gối 7mm và 11mm không rõ nguyên nhân.
Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) do Sumitomo – Cienco 6 làm tổng thầu. Liên danh nhà thầu phụ FVR, đơn vị thiết kế Systra (Pháp).
Gói thầu có khoảng 1.184 gối cao su, nhà sản xuất gối cầu được phê duyệt là Tập đoàn Megaba (Hàn Quốc) và Kawakin (Nhật Bản). Công ty cung cấp gối cầu là Công ty TNHH Tân Cơ (Việt Nam).
Như vậy, cùng với 2 gối cao su bị rơi và xê dịch được phát hiện cuối năm 2020, tính đến nay tổng cộng có 6 gối cao su trên gói thầu CP2 có vấn đề.
Một chuyên gia giao thông nhận định diễn biến trên cho thấy gối cao su dịch khỏi đá kê gối không phải là hiện tượng cá biệt mà có tính hệ thống.
“Việc khẩn trương làm rõ nguyên nhân là khẩn cấp nhằm giảm tối đa thiệt hại đến toàn bộ kết cấu hạ tầng bên trên, trong đó có kết cấu gói thầu CP3 đã được lắp đặt ray, hệ thống chạy tàu”, vị này nói.
Chủ đầu tư hối thúc, tổng thầu chậm trễ
Được biết, gói thầu CP2 hiện đạt gần 92% khối lượng công việc. Hơn 17km thuộc gói thầu CP2 đã lắp xong 11 mái nhà ga, cơ bản hoàn thiện hạ tầng thiết bị chuẩn bị cho công tác chạy tàu. Hệ thống điện cũng đã thi công xong.
Sự cố tại công trình đang thi công theo hợp đồng và chưa bàn giao cho chủ đầu tư. Do đó, Sumitomo – Cienco 6 với vai trò tổng thầu EPC chịu trách nhiệm đối với chất lượng công trình.
Chủ đầu tư và liên danh tư vấn NJPT đã nhiều lần cảnh báo tổng thầu Sumitomo – Cienco 6 liên tục chậm trễ trong tiến trình phối hợp điều tra nguyên nhân. Điều này làm ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ cả dự án. Riêng vụ 2 gối cầu bị xê dịch, rớt hồi cuối năm 2020, tổng thầu vẫn chưa có báo cáo kết luận nguyên nhân cuối cùng.
Đầu tháng 2-2021, Ban quản lý đường sắt đô thị TP phê duyệt cho tổng thầu Sumitomo – Cienco 6 lựa chọn tư vấn bên thứ ba độc lập điều tra, rà soát nguyên nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ và sự khách quan nhưng đến nay tổng thầu vẫn chưa thực hiện.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra nguyên nhân sự cố gối cao su, các đơn vị liên quan đều có đánh giá sơ bộ cả ba phương diện về vật liệu, thiết kế, thi công và yêu cầu cử nhân sự nhà thầu sang Việt Nam. Thế nhưng, tổng thầu vẫn chưa huy động được chuyên gia của đơn vị thiết kế là Công ty Systra (nhà thầu phụ) qua phối hợp điều tra.
Khi nào đưa vào khai thác metro số 1?
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP.HCM với tổng mức đầu tư 43.700 tỉ đồng. Toàn tuyến dài gần 19,7km, trong đó đi ngầm 2,6km, còn lại là đoạn trên cao.
Đến nay, một số gói thầu vẫn giữ vững tiến độ hoàn thành như: CP1b (ga Ba Son và ga Nhà hát TP) cuối tháng 5 và tháng 6-2021 đạt 99% khối lượng công việc. Còn ga trung tâm Bến Thành hiện đang lắp thiết bị, dự kiến cuối tháng 12-2021 sẽ hoàn thành.
Tháng 5-2021 sẽ nhập khẩu 2 đoàn tàu về nước và tháng 7 năm nay sẽ đưa thêm 2 đoàn tàu nữa về nước.
Công trình trọng điểm này được TP.HCM và người dân kỳ vọng sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2021. Nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 và các vướng mắc, trong đó chậm đưa ra nguyên nhân vụ rớt gối cầu, dự kiến năm 2022 dự án mới đưa vào khai thác thương mại.
Đức Phú