Phật giáo không có dâng sao giải hạn Rằm tháng Giêng, không có hạn ‘La Hầu, Kế Đô’
Từ mồng 10 đến Rằm tháng Giêng, một số người dân đi chùa đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn hy vọng năm mới tránh xui rủi, nhưng theo Thượng tọa Thích Nhật Từ và chuyên gia phong thủy đây không phải là văn hóa Phật giáo.
Cứ mỗi dịp đầu năm, người Việt thường có thói quen đi chùa để cúng kiếng, cầu mong một năm mới vạn sự như ý, quốc thái dân an. Nhưng một số nhà cũng đăng ký dâng sao giải hạn ở chùa và thường lễ này được các chùa cử hành từ mồng 10 đến Rằm tháng Giêng.
Người ta tin rằng, khi đã dâng sao giải hạn thì con người sẽ tránh được mọi vận hạn, những điều xui rủi để năm mới thuận buồm xuôi gió, bình an.
Phật giáo không có dâng sao giải hạn!
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM kiêm trụ trì chùa Giác Ngộ (TP.HCM) cho biết, Phật giáo không tán đồng nhận thức dâng sao giải hạn. Nguồn gốc phương pháp này là từ Nho giáo của Trung Quốc mà bị ngộ nhận là của Phật giáo.
Phật giáo cho rằng không có hạn vận, tốt xấu hên xui may rủi như các loại bói toán đưa ra. Theo quan niệm nhà Phật, trong tất cả các nguyên nhân của khổ đau, bế tắc phần lớn của hiện tại có liên hệ quá khứ, quan trọng là tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua. Còn việc tin vào sao hạn làm cho người ta bị lệ thuộc tâm lý, sợ hãi lo âu sầu muộn, thậm chí có thể bị lừa đảo tiền mất tật mang.
“Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương quyết liệt kêu gọi trụ trì các chùa đề cao nếp sống văn hóa Phật giáo, không có dâng sao giải hạn, thay vào đó là cầu an để cầu chúc những điều tốt lành đến mỗi quốc gia cũng như mỗi cá nhân. Ngày Rằm tháng Giêng theo Phật giáo là người dân đi chùa để cầu an chứ không có dâng sao giải hạn trong chùa. Còn chùa nào làm thì đó là những việc làm cá nhân, không đúng với chủ trương của giáo hội”, Thượng tọa Thích Nhật từ chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia phong thủy Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương cũng cho rằng, việc cúng dâng sao giải hạn không nằm trong hệ thống cúng lễ của Phật giáo, mà Phật giáo chỉ có khóa lễ gọi là cầu an đầu năm mới.
“Không có vận hạn La Hầu, Kế Đô”
Theo chuyên gia phong thủy, nhiều người đang nhầm lẫn về hạn của hệ thống 9 sao : La Hầu, Kế Đô, Nguyệt Đức, Thái Dương, Thái Âm, Thái Bạch, Vân Hán, Thổ Tú, Thủy Diệu. Đây là 9 ngôi sao thuộc về hệ thống chiêm tinh Vệ Đà (Vedict Astrology) và Hindu Astrology, mà trong đó khi muốn xem hạn hàng năm giống như sao tử vi của Đông phương thì họ phải lên một bảng sao này ứng với vị trí của nó trên hệ 24 cung hoàng đạo. Họ phải dùng tới ngày giờ tháng năm sinh chính xác tới phút để lập nên bảng sao của mỗi người, so sánh vị trí các góc chiếu của các sao, vị trí của nó trên các cung để quán xét tới vận hạn của mỗi người.
Trong hệ thống này, 9 sao này có tên là Navagraha, theo nghĩa ngôn ngữ Sanskit thì Nava là 9 và Graha là hành tinh, bao gồm:
1. Surya – Mặt Trời hay Thái Dương
2. Chandra – Mặt Trăng hay Thái Âm
3. Budha – Sao Thủy hay Thủy Diệu
4. Shukra – Sao Kim hay Thái Bạch
5. Mangala – Sao Hỏa hay Vân Hán
6. Bṛhaspati, “Guru”- Sao Mộc (Guru cũng được hiểu là dẫn đầu – tức là Thái Tuế) hay Mộc Đức
7. Shani – Sao Thổ hay Thổ Tú
8. Rahu – La Hầu – Cực bắc Mặt Trăng
9. Ketu – Kế Đô – Cực nam Mặt Trăng
Người Ấn Độ coi các vì sao là thần linh và hệ thống thần thoại Hindu đầy đủ về vai trò cũng như hình ảnh về 9 vị thần này.
“Chúng ta sẽ không thể tìm thấy tên các ngôi sao như Thái Bạch, La Hầu , Kế Đô trong hệ thống Lý học Đông Phương và tất nhiên người Ấn Độ cũng không cúng 9 hành tinh thuộc hệ Mặt Trời. Thật nực cười khi nghe La Hầu hay Kế Đô là hạn chết người, và khi mà nó chỉ là biểu tượng cực bắc và cực nam của Mặt Trăng. Vậy hành tinh với một biểu tượng theo thần thoại Ấn Độ thì nó không thể thay đổi vị trí và quỹ đạo của nó trong hệ vận động của Thái Dương hệ, và hạn được hiểu chính là sự tác động của vị trí và quỹ đạo của nó lên cuộc sống trái đất và con người”, chuyên gia phong thủy phân tích.
Ông Hải cũng cho rằng, trong hệ thống Lý học Đông phương, hạn được hiểu là một giai đoạn nào đó trong quá trình hình thành – phát triển – kết thúc. Nó không có nghĩa là xấu hoặc tốt mà chỉ là sự định vị trong một khoảng thời gian nhất định nào đó.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương lấy ví dụ, trong môn tử vi sẽ có đại hạn 10 năm hoặc tiểu hạn là trong một năm. Trong khoảng thời gian đó, dự báo được những sự việc sẽ xảy ra ở mức tổng quan nhất, và đó mang tính chất dự báo cũng giống như dự báo thời tiết, biết trước để có một tâm thế chuẩn bị và đối phó.
Dự báo không có nghĩa là bạn biết trước mà có thể dùng cách nào đó để hóa giải nó, ngoại trừ việc bạn luôn có một tâm thế sẵn sang đối phó và né tránh để giảm thiểu thiệt hại nếu là hạn xấu. Xin nhấn mạnh là giảm bớt chứ không thể hô biến mất.
“Nếu mà giải hạn được thì đã không có bệnh viện, nhà thương và cả nhà tù… Có nhiều người cho rằng biết đi dâng sao giản hạn mà không thể giải hạn, nhưng không đáng bao nhiêu tiền nên tâm an nên vẫn đi để giải quyết vấn đề tâm lý lo sợ một năm không may mắn”, ông Hải nhận xét.
Vũ Phượng