+
Aa
-
like
comment

“Phạt cho tồn tại” vẫn câu chuyện cần được chấm dứt triệt để

28/10/2019 16:56

Nhắc đến câu chuyện “Phạt cho tồn tại”người ta cũng không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng cái tiền lệ xấu xí ấy đã gây ra không biết bao nhiêu những bất ổn, hệ lụy, gây ra biết bao nhiêu những bất bình đẳng, những bức xúc xã hội. Và cả sự phí phạm tiền bạc nữa. Bởi dẫu là sai thì việc xây lên, rồi phạt, rồi tồn tại, rồi cắt ngọn, đập phá… thì ngẫm ra, đó cũng là tiền bạc, là của cải xã hội.

Dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp tại TP Biên Hòa đã hai lần bị cơ quan chức năng xử lý, với mức độ từ phạt hành chính, đề nghị bổ sung giấy phép, tới yêu cầu cưỡng chế tháo dỡ, chỉ tồn tại khi các hạng mục đảm bảo tiêu chí theo quy định. Thiện chí mở cánh cửa rộng cho công trình sai phép ‘tồn tại’ lạ thay lại không được doanh nghiệp đón nhận.

Dự án trên xây dựng trên khu đất rộng 2,2 ha vẫn được tiếp tục triển khai, một khu đã hoàn thành năm 2017 vẫn được cấp điện nước đầy đủ, một khu đang xây dựng trên đất vàng của TP Biên Hòa.

Công an tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản yêu cầu Công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai ngừng thi công công trình sai pháp
Công an tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản yêu cầu Công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai ngừng thi công công trình sai pháp

Cũng chỉ mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã phải ra văn bản yêu cầu Công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án nói trên để điều tra về hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, không ai dám chắc về sự hợp tác của chủ đầu tư trước yêu cầu này.

Có nhiều lãnh đạo Q. Thủ Đức, TP. HCM có công trình nhà xưởng trái phép trên địa bàn P. Hiệp Bình Chánh nhưng không bị xử lý trong khi các công trình tương tự khác của nhà dân đều bị cưỡng chế

Sự việc này đã được lãnh đạo TP.HCM quán triệt khi xử lý những tồn tại tương tự ở huyện Bình Chánh. Nhưng trên thực tế như chính một vị lãnh đạo thừa nhận, “chỉ mới xử lý trách nhiệm cấp dưới, còn UBND huyện thì chưa, trách nhiệm của các ủy viên Ban Thường vụ cũng chưa”.

Bởi vì trước đó, các công trình sai phạm của Phó Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Q. Thủ Đức và người thân, ngày 22/10/2019, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi kiểm tra thực tế và chỉ đạo xử lý ngay 7 công trình sai phạm của lãnh đạo Q. Thủ Đức, không để người dân bức xúc.

Về việc chính quyền quận Thủ Đức chậm xử lý, từ tháng 5 đến nay vẫn chưa cưỡng chế 7 công trình không phép, ông Nhân chất vấn “phải chăng lãnh đạo quận nể nang, né tránh” và yêu cầu Quận ủy báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trong tuần sau.

Từ lâu chúng ta đã quá quen với cụm từ “phạt cho tồn tại”. Đối với công trình trái phép của dân thường, việc xử lý còn đang gặp khó khăn, vướng mắc thì đối với các công trình mà chủ đầu tư lại là người có chức, có quyền, làm ở chính cơ quan quản lý nhà nước thì việc xử lý còn khó hơn gấp nhiều lần. Để xử lý được, đòi hỏi với có người lãnh đạo công tâm, nghiêm minh

Ngày 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải chia sẻ vấn đề bà quan tâm là cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng có giảm được thủ tục, quy trình và tiết kiệm như báo đã nêu hay không, bởi thực tế doanh nghiệp phản ánh thời gian làm thủ tục là “vô tận”.

Có trường hợp người dân xin cấp phép xây dựng rất khó khăn nhưng có công trình lớn vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại làm mất lòng tin của người dân vì hiện tượng “phạt cho tồn tại”. Trên cơ sở đó kiến nghị, Luật sửa đổi phải đưa nguyên tắc xử lý, không cho phạt tồn tại, như vậy sẽ làm mất tính răn đe của pháp luật, cứ “có tiền” là được tồn tại.

Và những thứ doanh nghiệp phải chịu sau này thì đều tác động tới người dân. Ví dụ một doanh nghiệp tính toán công trình xây dựng của họ khoảng 200 tỷ, lãi suất vay 1,5% thì mỗi ngày trung bình họ phải trả 100 triệu tiền lãi. Nếu thủ tục kéo dài, số tiền đó nhân lên thì sau này sẽ tính bào giá thành bán nhà, người dân mua nhà phải mua đắt.

Ở đời này, những chuyện bé xé được ra to thì chuyện khổng lồ nói qua nói lại có khi lại thành điều vụn vặt. Thế nên mới xảy ra cái sự ‘thường ngày ở huyện’, rằng có đến là lắm những công trình lớn thật là lớn, mọc lên lừng lững một góc trời nhưng… sai phép hoặc không có giấy phép.

Quái lạ hơn nữa, khi hỏi đến các cơ quan chức năng, các vị công bộc thừa mẫn cán nhưng thiếu thời gian và trách nhiệm liền lắc đầu “không biết”, “chưa thấy báo cáo lên”.

Cái sự không biết ấy cũng đến lắm lý do, khi thì công trình xây trong đêm nên không biết, khi thì chủ đầu tư nhanh tay quá nên… chưa kịp biết. Đến mức, có anh nhà báo vui tính nói nửa nạc nửa mỡ: quan chưa biết chính là bởi công trình sai phép chưa mọc chân mà đến báo cáo đấy thôi. Xem ra, lỗi lầm đích thị thuộc về đống xi măng, sắt thép…

Ở đây, nói vui chính là nói thật. Băn khoăn của người dân là hoàn toàn hữu lý, đơn giản bởi, như chính họ phản ánh, xây một cái nhà tạm mà không xin phép cũng bị cơ quan chức năng đến kiểm tra. Vì vậy, hoàn toàn khó hiểu khi những công trình xây dựng kiên cố, đòi hỏi việc thi công rầm rộ và kéo dài lại qua mắt được chính những công chức luôn hoàn thành nhiệm vụ nói trên. Chắc chắn phải có những điều “tế nhị” khác.

“Nếu sai phép, không đúng phép (sẽ) phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa” – tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Và thời điểm bắt đầu sẽ là ngày 1.1.2020. Đó là cam kết của Thủ tướng, cho đến việc Bộ Xây dựng tham mưu nghị định 139, và giờ là khẳng định của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đang cho thấy sự nhất quán của Chính phủ.

Hy vọng rằng sự nhất quán trong xây dựng kiến tạo. Sự nhất quán trong lời hứa hết sức phục vụ nhân dân. Và sự nhất quán trong phương châm hành động quyết liệt, kỷ cương.

Một chế định không cho phép “phạt cho tồn tại” rõ ràng sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn, một bước ngoặt cơ bản, để chấm dứt những sự vụ kiểu 8B Lê Trực, chấm dứt những vụ “cắt ngọn” dằng dai, chấm dứt những khu chung cư làm biến dạng, băm nát quy hoạch chẳng hạn ở Linh Đàm. Và cũng chấm dứt cả những câu chuyện buồn “đoàn thanh tra bị bắt vì nhận hối lộ”.

Phạm Minh Hà

Bài mới
Đọc nhiều